Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền báo chí cách mạng Việt Nam

hủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã từng làm tất cả các công việc báo chí, từ phóng viên, biên tập viên, chủ bút, quản trị, phát hành báo.

 

Bác Hồ là độc giả tích cực của báo chí trong nước và thế giới. Bác tự rèn cho mình một phong cách đọc báo đều đặn, nghiêm túc. Trong ảnh: Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân ở chiến khu Việt Bắc, năm 1951. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Báo chí phục vụ cách mạng

Đây chính là thiên chức cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng báo chí làm phương tiện hữu hiệu để hoạt động trên tất cả các lĩnh vực cách mạng. Người có hàng nghìn bài báo cả ở trong và ngoài nước, với nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng chủ đề chỉ có một, đó là: hướng tất cả vào mục tiêu và con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của đất nước Việt Nam, tất cả đều nhằm tới “điều mong muốn cuối cùng” mà Người ghi trong Di chúc: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng một nền báo chí cách mạng với nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn quán triệt và tổ chức thực hiện Cương lĩnh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước; cổ súy cho điều thiện, cái tốt, lên án cái ác, cái xấu; giáo dục cán bộ, đảng viên và mọi người hướng tới chân - thiện - mỹ. Ngoài mục đích và thiên chức trên, theo quan điểm của Người, báo chí cách mạng Việt Nam không có mục đích và thiên chức nào khác.

Quan điểm và sự nghiệp làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây có ý nghĩa chỉ dẫn rất quý báu đối với sự phát triển của nền báo chí Việt Nam hiện nay, nhất là khi đất nước đang ở trong bối cảnh của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đang đi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Hiện nay, các loại hình báo chí rất phong phú, hiện đại, không chỉ là báo giấy, báo nói như trước đây mà còn là báo điện tử, là trực tiếp cả giọng nói và hình ảnh. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền báo chí phục vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay là nhằm giữ vững ba cột trụ: (1) Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; (2) Xã hội xã hội chủ nghĩa; (3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Nền báo chí cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp từ năm 1925, do vậy, cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn nữa. Trong điều kiện hiện nay, cần chú ý thêm những yêu cầu sau đây:

Một là, luôn tuân thủ tôn chỉ, mục đích của từng bản báo chí. Nếu xa rời điều này cũng đồng nghĩa với việc làm trái với quan điểm của Người. Hoàn cảnh mới ở nước ta khác thời kỳ Chủ tịch Hồ Chí Minh sống. Trong nhiều điểm khác đó, nổi lên rõ hơn cả là những thử thách cực kỳ gay gắt của lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng bởi môi trường văn hóa đạo đức đã có nhiều biến chuyển, có lúc, có nơi xấu đi, bởi cơ chế thị trường. Học Người là học ở chỗ suốt đời “tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào”2, là “ít lòng tham muốn về vật chất”3, là phải suốt đời hy sinh phấn đấu cho độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của đồng bào, là “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”4. Người làm báo Việt Nam là những chiến sĩ tiên phong, phải khắc cốt, ghi tâm tư cách người cách mạng, tư cách người làm báo theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hai là, tuyệt đối không vi phạm đạo đức cách mạng. Mỗi một bản báo, mỗi một người làm báo phải luôn ghi nhớ và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống, đặc biệt trong hành nghề, tác nghiệp. Đạo đức cách mạng của Người là ở chỗ: luôn thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn; trung với nước, với Đảng, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tinh thần quốc tế trong sáng; xử lý đúng đắn, hợp lẽ phải ba mối quan hệ cơ bản nhất của con người: đối với người, đối với việc, đối với tự mình. Không được sa vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo thị hiếu không lành mạnh; phản bội lại tôn chỉ, mục đích của bản báo, vi phạm đạo đức của người làm báo, đi ngược lại lợi ích của Đảng, Tổ quốc, dân tộc và nhân dân; không được phép về hùa dưới mọi hình thức với các thế lực thù địch để làm tổn hại lợi ích cách mạng Việt Nam.

Ba là, phải xây dựng được hệ thống tổ chức, bộ máy phù hợp và xây dựng được đội ngũ những người làm báo có đức - tài. Hiện nay, nước ta đã xây dựng và ban hành Luật báo chí. Cần phải có tổ chức, bộ máy các cơ quan báo chí toàn quốc một cách phù hợp với Luật và thực tiễn của giai đoạn cách mạng mới. Bộ máy đó phải đáp ứng được yêu cầu của cách mạng, hướng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Cùng với đó, là xây dựng đội ngũ những người làm báo cách mạng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải có đủ đức - tài, trong đó đức là gốc. Đó là những người: (1) Có tinh thần yêu nước, trung với Đảng, hiếu với dân; (2) Chấp hành tốt pháp luật; (3) Có chuyên môn nghiệp vụ giỏi; (4) Hăng hái, có chí tiến thủ, ham học tập, ham tiến bộ; (5) Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân mình để mưu lợi cho cách mạng; (6) Có chí hướng và luôn hành động vì lẽ phải, vì cái thiện, cái tốt, chống lại những cái xấu, cái ác và các thế lực thù địch với cách mạng Việt Nam; (7) Có tinh thần trách nhiệm cao, có tinh thần đoàn kết, nhất là đoàn kết với đồng nghiệp, để hoàn thành mọi công việc của tổ chức giao cho.

Nền báo chí cách mạng Việt Nam theo phong cách Hồ Chí Minh

Phong cách báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chỉ dẫn, mang tính thời sự đối với sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay. Vấn đề này được thể hiện ở ba điểm lớn trong phong cách làm báo, của Người là: súc tích, đại chúng, đủ những thông tin cần thiết và hấp dẫn.

Súc tích, đại chúng. Súc tích không hoàn toàn đồng nghĩa với sự ngắn gọn, tuy rằng, giữa chúng có những điểm tương đồng. Có thể dài nhưng Người phê bình cách diễn đạt dài mà rỗng tuếch. Vấn đề ở đây là diễn đạt ngôn ngữ không thừa không thiếu. Hiện nay, khi internet phổ biến, tin tức có khối lượng khổng lồ và các loại truyền thông cạnh tranh nhau gay gắt, báo chí cách mạng Việt Nam phải có những thể hiện đáp ứng được nhu cầu nhanh nhạy, gọn, phong phú.

Còn đối với đại chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải học cách của quần chúng; mỗi chữ viết phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước muốn của quần chúng; phải luôn dùng những lời lẽ, ví dụ giản đơn, thiết thực mà ai cũng hiểu được; phải làm sao cho mọi người đều tin, tâm đắc nội dung bài báo của mình đã viết. Người nói và viết bằng ngôn ngữ bình dân để tất cả mọi người, từ nhà bác học đến người dân bình thường đều hiểu được; nói và viết “rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ trang hoàng gì cả”5. Người đề cập bốn vấn đề người nói và viết phải xác định thật rõ: nói và viết cái gì; nói và viết cho ai; nói và viết để làm gì; nói và viết như thế nào. Người hay phê bình những cán bộ, đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài”, cứ hay nói và viết “tràng giang đại hải”, “dây cà ra dây muống”, “thao thao bất tuyệt”, dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe và người xem, không quan tâm họ có hiểu hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tiếng nói của nhân dân, hay dùng ca dao, tục ngữ (trên thế giới nhiều người cho rằng, tục ngữ chính là sự thông thái của nhân dân). Những vấn đề lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác - Lênin được Người diễn giải với mọi người một cách rõ ràng, đúng bản chất, dễ hiểu, không rườm rà, không kinh viện kiểu “tầm chương trích cú”.

Đủ những thông tin cần thiết. Trong các bài viết của mình, chúng ta thường thấy Người viết vừa súc tích, vừa bao hàm đủ những thông tin cơ bản. Tuy tất cả các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 là rất vắn tắt, trong đó: “Chánh cương vắn tắt của Đảng” với 265 chữ; “Sách lược vắn tắt của Đảng” với 251 chữ; “Chương trình tóm tắt của Đảng” với 179 chữ; “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam” chỉ có 592 chữ, nhưng lại đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí chủ yếu nhất làm thành Cương lĩnh của một đảng chính trị. Đó là: (1) Mục tiêu của Đảng; (2) Lý luận chính trị nền tảng của Đảng; (3) Con đường để đạt mục tiêu; (4) Lực lượng lãnh đạo của Đảng; (5) Lực lượng quần chúng thực hiện mục tiêu; (6) Phương pháp hoạt động của Đảng; (7) Phác thảo một xã hội tương lai khi đảng chính trị nắm được chính quyền; (8) Quan hệ quốc tế của Đảng.

Hấp dẫn. Những bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là những lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước hừng hực khí thế, bao chứa quyết tâm chiến lược hành động của cả một dân tộc ở trong đó. Những lời chúc Tết của Người có xen vào bài thơ làm cho đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới thật thiêng liêng, chứa chan cảm xúc lòng người; những bài viết chính luận hào sảng; những bài viết gửi cho các ngành, các giới, các em học sinh, các cháu thanh niên, thiếu niên nhi đồng đầy tình cảm thân thương, không “lên gân, lên cốt” trích dẫn nghị quyết này, chỉ thị nọ, nói lên phong cách diễn đạt đầy tính hiệu quả của Người. Đó chính là phong cách toát lên tinh thần “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” mà nhân dân ta gắng sức, đồng lòng xây dựng nền văn hóa từ giữa những năm 40 của thế kỷ XX.

Nền báo chí cách mạng Việt Nam theo phong cách Hồ Chí Minh phải kích hoạt và động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hành động vì mục tiêu cách mạng; phải “xắn tay áo làm” khi báo chí đề cập những nhiệm vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng. Người làm các công việc báo chí một cách tự nhiên, thật lòng, như hít thở khí trời, không làm ra vẻ ta đây, ra oai, nhưng tự những bài báo của Bác toát lên những thông điệp đến với mọi người là phải hành động tích cực vì cách mạng. Và tính hấp dẫn của nền báo chí cách mạng Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn ở chỗ nó gắn với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn. Không có gì nhạt nhẽo hơn khi đọc, xem những bài báo xa rời thực tiễn, vô cảm với tình hình đất nước, không đi vào lòng người. Báo chí phải từ trái tim đến trái tim, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, chứ không phải chỉ viết trong phòng máy lạnh, vô hồn, không thắp lên ngọn lửa hành động vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đã gần 100 năm trôi qua, kể từ ngày báo Thanh Niên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra số đầu tiên (21/6/1925 - 21/6/2022), được sự chỉ dẫn quý báu từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trên con đường để đạt tới mục tiêu cách mạng của mình. Mặt trận báo chí cách mạng Việt Nam hòa cùng các mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… sẽ góp phần tích cực hơn nữa trong việc biến khát vọng của Người về một đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu thành hiện thực. Đó chính là tự do ngôn luận theo đúng bản chất của cách mạng Việt Nam, tự do hướng tới chân - thiện - mỹ, hướng tới sự nghiệp giải phóng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
_______________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 624.

2 - Sđd, Tập 4, tr. 187.

3 - Sđd, Tập 2, tr. 280.

4 - Sđd, Tập 4, tr. 272.

5 - Sđd, Tập 2, tr. 280.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG