Là một phóng viên, biên tập viên mảng sân khấu khởi nghiệp bằng những trang báo giấy, sau đó là báo hình, mỗi bước đi của nhà báo Lâm Viên đều góp phần cống hiến cho sân khấu cải lương nói chung và cải lương truyền hình HTV nói riêng.
Gắn bó với Vầng trăng cổ nhạc từ những số đầu tiên với vai trò quảng bá trên báo chí cho chương trình, không ngờ đó cũng là cái duyên đưa anh đến với vai trò biên tập chương trình này những năm sau đó. Vừa làm công tác tổ chức thực hiện chương trình, cộng với khả năng sáng tác vốn có, anh trở thành một trong những tác giả có nhiều tác phẩm nhất của chương trình Vầng trăng cổ nhạc tính đến thời điểm hiện nay.
“Để phục vụ cho công tác tuyên truyền của chương trình, Ban Tổ chức quyết định dùng “đồ nhà” để nhảy cao đá lẹ, nên tôi vừa phải thực hiện chương trình, vừa phải tranh thủ thời gian rảnh để sáng tác những tiết mục lấp đầy vào chỗ trống. Rất may là những sáng tác ấy được đón nhận, yêu thích. Nhiều sáng tác đó cũng đã được các bạn trẻ chọn làm tiết mục để dự thi trong cuộc thi Chuông vàng vọng cổ, đó thực sự là hạnh phúc của người sáng tác bởi tác phẩm của mình có giá trị nào đó” - Biên tập viên Lâm Viên chia sẻ.
BTV Lâm Viên chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ cải lương
Trong hơn 210 chương trình Vầng trăng cổ nhạc đã lên sóng, tác giả Lâm Viên có khoảng 200 tác phẩm với nhiều bút danh khác nhau. Ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến các tác phẩm như: ca cảnh Vùng đất rồng bay, Tiếng đàn bầu, Vạn xuân (sáng tác nhạc của nhạc sĩ Kiều Tấn); Trường ca Bức tranh non nước (sáng tác nhạc của nhạc sĩ Minh Châu)… Hai tác phẩm do anh soạn lời cũng trở thành những tác phẩm rất được yêu thích và trở thành nhạc hiệu cho hai chương trình nổi bật của HTV trong một thời gian dài là Vầng trăng tao ngộ (nhạc: Kiều Tấn – nhạc hiệu Vầng trăng cổ nhạc) và Ngân mãi tiếng chuông (nhạc: Kiều Tấn – nhạc hiệu Chuông vàng vọng cổ).
Khán giả luôn nhắc nhớ tới những tác phẩm của Lâm Viên bởi ca từ đẹp, lối viết hiện đại, kết hợp sử dụng những bài lý, bài bản nhỏ… hợp lý và nhuần nhuyễn tạo được sự sinh động trong xử lý đường dây âm nhạc của tiết mục. Ngoài những tác phẩm trong chương trình Vầng trăng cổ nhạc, tác giả Lâm Viên còn đóng góp nhiều tác phẩm cho các chương trình cầu truyền hình hay các chương trình khác của đài, đặc biệt là trong chương trình Ngày ấy trong tuyến lửa, bài ca cổ Huệ trắng đồng bưng viết về 32 dân công hỏa tuyến của anh trở thành một kỷ niệm khó quên, bởi sau nhiều lần "bỏ ra bỏ vào" khi chạy đường dây kịch bản, cuối cùng được sự đồng thuận của Ban lãnh đạo, tác phẩm được giữ nguyên vị trí trong kịch bản và trở thành một điểm nhấn đầy cảm xúc của chương trình.
“Sở dĩ có rất nhiều bài ca vốn rất hay trên đài phát thanh hay băng đĩa, nhưng khi đến với sân khấu truyền hình, thì bài ca trở nên lạc lõng. Kinh nghiệm của tôi cho rằng, bài ca cổ trên đài phát thanh hay băng đĩa chỉ cần yếu tố "nghe", nhưng để nó đủ sức sống trên truyền hình thì phải có thêm yếu tố "xem". Để viết một bài ca hội đủ yếu tố "xem" và "nghe", tác giả phải gần như hình dung ra tất cả mọi thứ, từ sân khấu, âm nhạc, ánh sáng, múa, diễn viên… để có cách hoàn chỉnh bài ca của mình sao cho dễ dàn dựng nhất" - biên tập Lâm Viên chia sẻ thêm.
Tác giả Lâm Viên luôn muốn bước ra mọi cái khuôn tác phẩm mà mình đã từng sáng tác, để sáng tạo thêm nhiều bài ca cổ trẻ, hiện đại
Mỗi một chương trình đi qua, Lâm Viên vẫn luôn điều chỉnh các sáng tác của mình, mỗi lần viết tác phẩm mới, là mỗi lần học hỏi, sáng tạo thêm một cách dàn dựng mới, để tiết mục không trở nên nhàm chán. Không phải lần sáng tạo nào cũng thành công, nhưng nó cho anh nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn.
Gần 20 năm xem HTV là ngôi nhà thứ hai của mình, biên tập Lâm Viên đã chứng kiến những chương trình nghệ thuật từ khi bắt đầu cho đến khi đạt được thành quả thỏa lòng người mộ điệu. Anh nhìn thấy sự nỗ lực của từng cá nhân lẫn tập thể những người đã tổ chức và đồng hành với nghệ thuật cải lương, anh tin rằng khi nhiều bàn tay cùng vỗ đồng điệu thì sân khấu sẽ mãi sáng đèn! Đó là động lực để anh tiếp tục sáng tác, tiếp tục cống hiến và đồng hành cùng HTV trên con đường gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật dân tộc đặc sắc của nước nhà.
Bảo Châu