Một gia đình ba thế hệ nhiều lần hồi sinh kỳ diệu nhờ có y học cổ truyền; cái ôm chầm, những giọt nước mắt của người lao công bệnh viện và tin vui bất ngờ; bệnh viện không mùi cồn - nơi bệnh nhân xem như ngôi nhà thứ hai của mình...
Cô Kim Huệ rất biết ơn các y bác sĩ và nhân viên tại Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM
"Blouse trắng diệu kỳ" tập 3 là câu chuyện của cô Nguyễn Kim Huệ (Quận 3, TP.HCM) và chặng đường mà ba thế hệ trong gia đình cô đều gắn bó với Bệnh viện Y học Cổ truyền.
Mở đầu cuộc trò chuyện với MC Vũ Mạnh Cường, cô Kim Huệ kể: "Gia đình cô có sáu người mà có đến bốn người đã gắn bó với y học cổ truyền. Má chồng cô lúc trước bị đau thấp khớp không đi lại được. Có thời điểm má bị đau, ngồi lên cũng cần các con hỗ trợ. Khi đó, các con đã đưa má đến châm cứu và làm vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học Cổ truyền. Sau một thời gian điều trị, má có thể đi lại được và sống thọ 94 tuổi".
Con gái cô Kim Huệ đã có thể nói được
Cô Kim Huệ còn cho biết, chồng cô vì bị đột quỵ mà phải nằm một chỗ và không thể nói chuyện được. Nhờ có các bác sĩ châm cứu, tập vật lý trị liệu, tạo niềm tin và sự lạc quan, chồng cô Huệ sau đó dù nửa thân bên phải vẫn bị yếu song đã có thể đi lại và sinh hoạt khá ổn.
Con gái cô từng là nữ sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng vì tai nạn giao thông mà xương sọ vỡ, chết lâm sàng. Các bác sĩ tìm mọi cách để chữa trị cho cô bé, nhưng cô bé có biểu hiện của người thực vật.
"Còn nước còn tát", cô Kim Huệ đã xin chuyển viện để con về Bệnh viện Y học Cổ truyền. Sau một quá trình dài đầy nhẫn nại của y bác sĩ và gia đình, cô bé "từ từ đã biết ngồi, biết đứng, biết đi, rồi tập nói. Thật diệu kỳ!", cô Huệ xúc động nói.
Các bệnh nhân xem Bệnh viện Y học Cổ truyền như ngôi nhà thứ hai của mình
Trong rất nhiều ký ức không thể nào quên tại bệnh viện không mùi cồn, cô Huệ nhớ mãi ký ức về cái ôm chầm và những giọt nước mắt của người lao công.
Cô Kim Huệ kể: "Một ngày đêm, con cô phải dùng 40 cái tã. Sau một thời gian điều trị, một buổi sáng cô lao công đã ôm chầm lấy cô và khóc. Cô rất bối rối và hỏi lý do thì được nghe lời chúc mừng: "Con mừng cho cô, hôm nay con đi làm vệ sinh mà con không thấy một cái tã nào của em hết".
Không chỉ có cô Huệ, nhiều bệnh nhân khác cũng có cùng tâm sự khi họ xem nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Bà Nguyễn Thị Thảo (Quận Tân Bình, TP.HCM), người thân chăm bệnh chia sẻ: "Các bệnh nhân nằm đây hay nói với nhau rằng, nhiều khi không muốn về nhà, con cháu vất vả. Nằm đây nghỉ ngơi, sạch sẽ thoáng mát, các bác sĩ, điều dưỡng tận tình giúp đỡ. Tinh thần thoải mái thì mới khỏe, mới vui!".
"Blouse trắng diệu kỳ" - 21g thứ Bảy hàng tuần trên HTV9.
Thiên Bình