Bản tình ca còn mãi: Nơi anh gặp em

Bản tình ca còn mãi tháng Bảy với chủ đề “Nơi anh gặp em”, phát sóng lúc 15g20 ngày 28/7 trên HTV9, là những nốt nhạc tình cô đọng về nỗi nhớ lứa đôi.


Ca sĩ Duyên Quỳnh

“Chạm tháng Bảy mà mưa hờn khắp ngõ/ Lối mình đi bong bóng vỡ oà sân/ Tiếng nhạc mưa vẫn thánh thót xa gần/ Hoa cau trắng chợt rơi niềm thương nhớ”. (Hoàng Anh)

Bản tình ca còn mãi tháng Bảy với chủ đề “Nơi anh gặp em”,  với những ca khúc: Những ánh sao đêm (Sáng tác: Phan Huỳnh Điểu), Nơi anh gặp em (Sáng tác: Hoàng Hiệp), Tuổi trẻ và ước vọng (Sáng tác: Vy Nhật Tảo), Giai điệu Tổ quốc (Sáng tác: Trần Tiến)... được thể hiện qua các giọng ca ngọt ngào: Hoàng Tú, Duyên Quỳnh, Đức Tín, Trúc Phương, Quốc Phong, Đào Mác... 

Đây là những nốt nhạc tình cô đọng về nỗi nhớ lứa đôi. Họ mong được gặp nhau sau những ngày anh ra đi bảo vệ Tổ quốc, gặp nhau để trọn vẹn câu hứa lời thề, để cùng chung tay đóng góp làm giàu cho quê hương.

Ca sĩ Hoàng Tú và “Những ánh sao đêm”

Vào một buổi tan tầm mùa hè năm 1962, khi dòng người cuốn theo ánh mặt trời, chìm dần vào màu ánh sao buổi tối. Thả cái nhìn về phía thành phố xa xăm, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã bắt gặp những chòm sáng le lói của ánh đèn công trường vẫn còn chưa nghỉ. 

Những người thợ xây đang đắp nhà cho đời, và rồi, Những ánh sao đêm ra đời. Trong đó, lời ca: “Lòng anh những thấy càng thương nhớ em, dù xa nhau trọn ngày đêm”, như bày tỏ nỗi niềm của những người thợ đang ngày đêm miệt mài lao động, góp sức xây dựng quê hương. 

"Từng ca từ thấm đẫm trong tôi. Nên mỗi khi thể hiện ca khúc này, tôi như đang sống trong những ngày hào hùng, tươi đẹp đó." - Hoàng Tú tâm sự.


Ca sĩ Hoàng Tú

Ca sĩ Duyên Quỳnh với “Nơi anh gặp em”

Khi nhắc đến chiến tranh, người ta hẳn sẽ nghĩ về những đau thương mất mát, nghĩ về những khó khăn cùng cực, và cả về quãng thời phải chia lìa đôi lứa. Nhưng đó là nỗi đau của ngày hôm qua, còn ngày hôm nay thì đã khác. Anh và em giờ gặp lại, ngay giữa nhịp đời thơm ngát tươi vui!

Anh gặp em ngày Nam - Bắc nối liền, cùng nhau đi đắp xây cuộc đời tươi mới. Em sẽ theo anh lên đèo, xuống biển, vào miền quê hay ra chốn thị thành. Mình cùng đi tìm sức sống và niềm vui trong lao động, đi dựng xây cuộc đời mới, tạo lập cuộc sống cùng với người mà mình tin yêu. 

Tất cả trở nên tràn trề niềm yêu thương, hy vọng cho một tương lai mới. 

Ca sĩ Đào Mác và “Giai điệu Tổ quốc”

Ta nghe đất nước “dịu dàng trong tiếng ru hời”, rồi ta thấy đất nước trong phút bồi hồi mẹ tiễn con lên đường hành quân. Đất nước tôi, Tổ quốc tôi còn là những lời ca da diết, suốt ngàn đời tôi sẽ mãi không quên.

Năm 1980, nhạc sĩ Trần Tiến viết Giai điệu Tổ quốc, được phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Tạ Hữu Yên. Âm hưởng chủ đạo của Giai điệu Tổ quốc được phác thảo từ hình tượng người mẹ Việt Nam anh hùng, thầm lặng hy sinh, gạt nước mắt hiến tặng những đứa con cho Tổ quốc mình. 

Đó là chân dung người mẹ tảo tần, lam lũ mà son sắt thủy chung, giàu lòng nhân ái và sáng ngời chân lý cách mạng. Đất nước còn được tái hiện là một đất nước của những giai điệu tha thiết, trữ tình, của ca dao, cổ tích, vừa bất khuất - vừa hào hoa, vừa can trường - vừa lãng mạn... 

Và khi Tổ quốc đã sạch bóng quân thù, ở một góc độ khác, chúng ta bắt gặp một đất nước cất cao khúc khải hoàn ca trong một trang sử mới, ngẩng cao đầu kiêu hãnh, hiên ngang. 

Tuấn Minh