Để có những công bộc của dân thực thụ, Hồ Chí Minh bắt đầu bằng việc xây dựng tiêu chuẩn đức và tài cho đội ngũ cán bộ của Đảng, trong đó Người xem đức là gốc, là cái căn bản của người cán bộ cách mạng.
Bác Hồ trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm ngày 19/5/1955.Ảnh: TL
Năm 1871, khi viết Dự thảo lần thứ nhất của "Nội chiến Pháp", C.Mác lần đầu tiên đề cập đến tư tưởng cán bộ là đầy tớ của nhân dân: "Công xã[1] loại bỏ hoàn toàn hệ thống đẳng cấp chính trị và thay thế những ông chủ ngạo mạn của nhân dân bằng những đầy tớ luôn luôn có thể bị bãi miễn; thay thế một trách nhiệm tưởng tượng bằng một trách nhiệm thật sự, vì những người được uỷ nhiệm này luôn luôn hành động dưới sự kiểm soát của nhân dân"[2]. Tuy nhiên, C.Mác chưa có điều kiện thực hành tư tưởng này, chỉ đến khi lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng ta mới thực sự huấn luyện, giáo dục cán bộ và xây dựng được đội ngũ cán bộ cách mạng xứng đáng là công bộc của nhân dân.
Để có những công bộc của dân thực thụ, Hồ Chí Minh bắt đầu bằng việc xây dựng tiêu chuẩn đức và tài cho đội ngũ cán bộ của Đảng, trong đó Người xem đức là gốc, là cái căn bản của người cán bộ cách mạng, “không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[3]. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân, sống nhân ái, có nghĩa, có tình, là thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, là ý thức trách nhiệm trong công việc, tự phê bình và phê bình cao và có tinh thần quốc tế chân chính. Khi đức là gốc, người cán bộ cần có tài, bởi không có tài làm việc gì cũng khó. Tài thể hiện ở trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, phong cách làm việc khoa học, đúng kỷ luật, không quan liêu, có óc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Không chỉ đề ra tiêu chuẩn và yêu cầu cán bộ rèn luyện theo tiêu chuẩn đó, Hồ Chí Minh còn đề cao trách nhiệm của Đảng đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ đạt chuẩn để đảm đương nhiệm vụ công bộc của dân. Người chỉ rõ trong công tác cán bộ, Đảng phải lưu ý 5 việc: “Hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ, cất nhắc cán bộ, thương yêu cán bộ, phê bình cán bộ”[4].
Để hiểu cán bộ phải đánh giá đúng cán bộ. Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng bản chất con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội, nên đánh giá cán bộ phải “căn cứ theo phẩm chất xã hội của họ, chứ không phải căn cứ theo phẩm chất tư nhân"[5], đồng thời phải đánh giá đúng thực chất. Muốn đánh giá đúng, theo Hồ Chí Minh, không được đối xử theo sự yêu ghét, đem khuôn chật hẹp lắp vào cho tất cả mọi người; nhận xét cán bộ không chỉ xét mặt ngoài, xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ toàn bộ công việc. Đánh giá đúng là cơ sở cho tuyển chọn, đào tạo, sử dụng cán bộ... được chính xác.
Phải biết lựa chọn, bố trí, đề bạt cán bộ đúng. Hồ Chí Minh lưu ý việc tìm nguồn cán bộ là trách nhiệm của lãnh đạo. Phải lăn lộn với phong trào để lựa chọn cán bộ, chú ý tìm nguồn trong trường học, đội ngũ đảng viên. Chú ý nguồn cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, đồng thời không được quên trí thức là nhân tài của đất nước. Chính Hồ Chí Minh đã trực tiếp mời những nhân sĩ trí thức ra giữ những chức vụ trọng yếu trong Chính phủ sau Cách mạng Tháng Tám như cụ Huỳnh Thúc Kháng (Bộ trưởng Nội vụ), cụ Nguyễn Sơn Hà (Bộ trưởng Kinh tế)... Người còn kêu gọi được những trí thức Việt kiều về tham gia kháng chiến như Đặng Văn Ngữ, Trần Đại Nghĩa, Trần Đức Thảo... Đó là những người luôn trung thành, hăng hái, gắn bó với dân, có khả năng giải quyết vấn đề trong khó khăn, “khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo” và luôn giữ đúng kỷ luật[6].
Việc bố trí, đề bạt cán bộ phải hết sức cân nhắc. Hồ Chí Minh lưu ý việc “khéo” dùng cán bộ. Theo Người “dụng nhân như dụng mộc”, gỗ nhỏ gỗ to, gỗ thẳng gỗ cong, người thợ khéo đều có thể sử dụng được. Dùng đúng là khiến cán bộ có gan nói, đề ra ý kiến, có gan phụ trách. Đề bạt, cất nhắc cán bộ vì công việc, dựa trên tài năng và để cổ động cho người khác thêm hăng hái, tránh “đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo”. Người đưa ra một bài học: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cất nhắc không xem xét kỹ. Khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cất nhắc lên. Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc. Mà sau khi cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ”[7].
Để có cán bộ đáp ứng nhiệm vụ, phải tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Đảng phải dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”[8], huấn luyện cán bộ “là công việc gốc của Đảng”[9]. Người chỉ ra 4 nội dung cần huấn luyện là: huấn luyện nghề nghiệp, theo phương châm làm việc gì học việc nấy; huấn luyện chính trị, đặc biệt cho cán bộ tuyên truyền và tổ chức; huấn luyện văn hoá, nhất là đối với cán bộ còn kém về văn hoá; huấn luyện lý luận, tập trung cho cán bộ trung, cao cấp. “Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy. Không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện”[10].
Muốn dùng cán bộ lâu bền phải biết yêu thương, đoàn kết cán bộ. Hồ Chí Minh chỉ rõ yêu thương cán bộ không phải là vỗ về, nuông chiều mà giúp đỡ họ tiến bộ, giúp giải quyết việc gia đình, luôn chú ý đến công tác, vun trồng ưu điểm để họ thêm hăng hái, gắng sức mà phục vụ nhân dân. Yêu quý cán bộ phải chăm nom đến vấn đề đoàn kết trong cán bộ, “phải đoàn kết cán bộ trong Đảng và cán bộ ngoài Đảng”, “giữ gìn sự đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa cán bộ xuất thân từ công nông và cán bộ xuất thân từ trí thức, tiểu tư sản, giữa cán bộ người kinh và cán bộ các dân tộc ít người, giữa cán bộ người ở địa phương và cán bộ ở địa phương khác đến”[11].
Để bảo vệ cán bộ phải phê bình cán bộ cho đúng, xử phạt cho nghiêm. Muốn phê bình đúng, trước hết dùng thái độ thân thiết, triệt để, thật thà, không mỉa mai, đâm thọc; giải thích rõ ràng để người mắc khuyết điểm tự tìm ra nguyên nhân, thấy được hậu quả và cách sửa chữa; phê bình việc chứ không phê bình người; quán triệt mục đích phê bình là “cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”[12]. Đồng thời với phê bình cán bộ còn phải xử phạt cán bộ vi phạm kỷ luật cho nghiêm để không mở đường cho kẻ phá hoại. Hồ Chủ tịch đã từng tận tay ký bản án tử hình đối với trường hợp cán bộ cao cấp của Đảng tham ô, hủ hoá, gây tổn hại nghiêm trọng cho uy tín của Đảng. Người khẳng định phê bình đúng, kỷ luật nghiêm không làm giảm thể diện, uy tín của cán bộ, của Đảng, mà còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, uy tín và thể diện càng tăng thêm.
Cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo giành được thắng lợi có đóng góp của đường lối cán bộ đúng đắn được hình thành từ sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tư tưởng ấy ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Nếu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, biến nó thành phương châm hành động, thành mục tiêu phấn đấu, thành phong cách lãnh đạo trên thực tế thì nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng - những công bộc thực thụ của nhân dân - sẽ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
[2] C.Mác-Ph.Ăngghen (1980), Tuyển tập, T1, Nxb ST,H, tr.35.
[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.252-253
[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.277
[5] C.Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, T1, Nxb CTQG, 1995, tr 337
[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.275.
[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.282.
[8] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.273
[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.269.
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.273.
[11] Văn kiện Đảng, T21, Nxb CTQG, H, 2002, tr.763
[12] Hồ Chí Minh Toàn tập, T5, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr.232
Sỹ Thành ( Theo Ban Tuyên giáo TW)