Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT chỉ rõ: Ngành TT&TT là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt CĐS quốc gia, là truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển
Xin trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.
Cách đây 5 năm, ứng dụng công nghệ thông tin là phổ biến, chuyển đổi số là rất mới. Chuyển đổi số là mới mẻ không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới. Cái mới thì tinh thần dám khai phá là quan trọng nhất. Ai dám khai phá người đó sẽ dẫn đầu. Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia năm 2020 là một quyết sách mạnh mẽ và tiên phong. 5 năm qua là chặng đường vừa làm vừa khai phá. Chính tinh thần dám khai phá ấy đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng về kinh tế số, thương mại điện tử, chính phủ số, dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số nói chung vào loại nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.
Năm 2025 là năm đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình đứng dậy mạnh mẽ của dân tộc để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, phồn vinh, thịnh vượng. Vậy thì ngành TT&TT sẽ phải làm gì?
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm top 100 toàn cầu (hiện nay, Việt Nam đang xếp hạng khoảng 120). Nhưng hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, xếp hạng quốc tế năm 2030 phải thuộc nhóm top 50 toàn cầu, cao gấp đôi xếp hạng kinh tế. Đây là mục tiêu mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra cho Ngành TT&TT. Liệu chúng ta có làm được không?
Về Bưu chính, Việt Nam đang xếp hạng quốc tế thứ 31, chúng ta đặt mục tiêu lọt vào top 20 toàn cầu.
Về Viễn thông, chúng ta đang xếp hạng thứ 72 nhưng tăng bậc khá nhanh. Cách đây 6 năm, năm 2018, Việt Nam xếp hạng 108. 6 năm qua tăng 36 bậc, mỗi năm tăng trung bình 6 bậc. Với tốc độ tăng bậc này, đến năm 2030, viễn thông Việt Nam chắc chắn sẽ vào nhóm top 50 toàn cầu, nếu tích cực hơn nữa thì sẽ vào nhóm top 40.
Về hạ tầng dữ liệu, Việt Nam đã đạt 2MW/1 triệu dân, mặc dù chưa có đầu tư nước ngoài về trung tâm dữ liệu. Việt Nam đang là top 60 toàn cầu. Nếu thu hút được các Big Tech đầu tư vào trung tâm dữ liệu và các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trung tâm dữ liệu thì năm 2030, Việt Nam có thể vào nhóm top 30 toàn cầu.
Về An toàn thông tin mạng, Việt Nam đang có thứ hạng cao, xếp thứ 17 toàn cầu. Mục tiêu của chúng ta là vào nhóm top 10 toàn cầu.
Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh, một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy - Ảnh 2.Về công nghiệp công nghệ số. Hiện nay, Việt Nam đang có thứ hạng cao ở 5 mặt hàng công nghiệp công nghệ số: Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 8 thế giới về thiết bị, linh kiện điện tử; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm. Xét về tổng thể, ngành công nghiệp công nghệ số, xét cả khía cạnh tỷ lệ giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu, thì Việt Nam đã vào top 20. Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì thứ hạng cao, phấn đấu vào nhóm top 15 toàn cầu và tăng tỷ trọng giá trị Việt Nam đang là 32% lên 50% vào năm 2030.
Về Kinh tế số (KTS), Việt Nam đang xếp thứ 41 về tỷ trọng KTS/GDP, nhưng cũng tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đã gần 19%, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%. Chúng ta đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30-35% GDP vào năm 2030, khi đó, Việt Nam sẽ lọt vào nhóm top 30 toàn cầu.
Về Chính phủ điện tử/Chính phủ số, năm 2024, Việt Nam xếp thứ 71, tăng 15 hạng sau 2 năm. Chúng ta cũng đang có sự thay đổi nhanh về thứ hạng. Nếu đạt mục tiêu 80% dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp là trực tuyến toàn trình vào năm 2025, như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì không cần đến năm 2030, mà chỉ cần đến năm 2028 là Việt Nam sẽ vào nhóm top 50 toàn cầu về Chính phủ điện tử/Chính phủ số. Và chúng ta đặt mục tiêu năm 2030 sẽ vào nhóm top 40 toàn cầu về Chính phủ điện tử/Chính phủ số.
Ngành TT&TT là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển. Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh, một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy.
Như vậy, vào năm 2030 hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số, chuyển đổi số của Việt Nam phải lọt vào nhóm top 50 toàn cầu, một số lĩnh vực vào top 20-30. Đây là sứ mệnh cao cả. Sứ mệnh đi trước, đi nhanh, lọt vào nhóm các nước phát triển, để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển đất nước, cho chuyển đổi số, cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Và chúng ta sẽ quyết tâm đạt mục tiêu này. Muốn làm được việc lớn thì đầu tiên phải dám nghĩ tới. Chúng ta có niềm tin, việc lớn mà vì quốc gia, dân tộc thì bao giờ cũng có sự trợ giúp của Trời Đất.
Chúng ta vẫn hay so mình với chính mình, nhưng quan trọng hơn là so mình với các nước khác, các nước quanh ta và so với cả các nước đã phát triển, để từ đó thay đổi thứ hạng quốc gia. Việt Nam bây giờ không nhỏ nữa, mà phải vươn mình đứng dậy sánh vai với cường quốc. Chúng ta đã có lực để vươn mình, đã có thu nhập đầu người đạt mức trung bình. Chúng ta đang có cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cách mạng công nghệ số. Chúng ta có khát vọng Việt Nam hùng cường. Hội đủ 3 điều kiện này là đủ để vươn mình đứng dậy, để đất nước tăng trưởng 2 con số. Ngành TT&TT là hạ tầng số, là công nghệ số, là công nghiệp số, là dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, là truyền thông số thì phải nhận lấy sứ mệnh tạo ra các nền tảng cho đất nước phát triển. Việt Nam muốn bay lên thì phải có đôi cánh, một bên là công nghệ, một bên là sức mạnh tinh thần do báo chí, truyền thông và xuất bản khơi dậy.
Theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ KH&CN sẽ hợp nhất với nhau và trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông. Hai Bộ hợp nhất với nhau phải tìm ra được điểm chung cộng lực thì mới mạnh lên. Bộ KH&CN quản lý về phát triển công nghệ nói chung. Bộ TT&TT quản lý CNTT, công nghệ số - là những công nghệ cốt lõi, nền tảng cho tất cả các ngành, lĩnh vực khác, công nghệ số là các công nghệ năng động và quan trọng nhất hiện nay. Tên của Bộ TT&TT thực ra là Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông, nhưng vì Quốc hội thấy 2 bộ đều có chữ "công nghệ" nên cắt đi chữ "công nghệ" và tên Bộ trở thành Bộ TT&TT. Công nghệ chính là điểm chung, tạo ra sự hiệp lực, cộng lực và cộng hưởng của hai Bộ. Chữ "truyền thông" trong cả tiếng Việt và tiếng Anh đều có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là viễn thông, nghĩa thứ hai là Media, là các phương tiện truyền thông như báo chí, phát thanh truyền hình, truyền thông xã hội. Tên mới của Bộ hợp nhất là Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông vừa bao quát được hết các lĩnh vực của hai Bộ, lại vừa thể hiện được cái cộng lực, cộng hưởng của hai Bộ là công nghệ.
Phát triển công nghệ thì chủ yếu là ở doanh nghiệp. Trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ số thuộc quản lý của Bộ TT&TT nay sẽ được tiếp cận nhanh hơn với các kết quả nghiên cứu của Bộ KH&CN. Làm cho KHCN gần hơn với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn kết quả nghiên cứu KHCN thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Hai Bộ hợp nhất với nhau sẽ thành một Bộ mới rất quan trọng, rất lớn của đất nước. Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 57, đúng vào dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22-12-2024. Đây là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết Khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ mới hợp nhất, Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông sẽ là lực lượng nòng cốt để hiện thực hoá Nghị quyết đặc biệt quan trọng này.
Nghị quyết 57 xác định, bộ 3 khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là 3 trụ cột chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, khoa học, công nghệ là nền tảng, nó tạo ra tri thức và công cụ. Đổi mới sáng tạo là động lực, nó chuyển hoá các tri thức mới, công cụ mới thành ý tưởng, giải pháp. Chuyển đổi số là hiện thực hoá tri thức, công cụ, ý tưởng, giải pháp thành sản phẩm, dịch vụ và phổ cập vào cuộc sống để tạo ra giá trị thực tế. Trong bộ 3 này thì đổi mới sáng tạo cũng là điểm chung của 2 Bộ. Đổi mới sáng tạo là cầu nối giữa khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Khoa học, công nghệ cần đổi mới sáng tạo để thúc đẩy ứng dụng. Chuyển đổi số cũng cần đổi mới sáng tạo để thay đổi cách thức vận hành, quản trị và sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Nghị quyết 57 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của làm chủ KHCN để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Giao các doanh nghiệp nòng cốt làm các dự án lớn về chuyển đổi số, giao các doanh nghiệp nòng cốt làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là một mũi tên trúng 2 đích: Vừa làm chủ tiến trình, công nghệ chuyển đổi số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước. Từ nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận lấy sứ mệnh Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Từ nay, chuyển đổi số đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn đảng và toàn dân, chuyển đổi số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá. Và chúng ta kỳ vọng chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy mạnh mẽ, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi ý chủ đề cho năm 2025 là: Chuyển đổi số toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuyển đổi số, kinh tế số có thể đóng góp tới 3% vào tăng trưởng GDP hàng năm của các nước đang phát triển.
Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị Tổng kết ngành TT&TT năm 2024. Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp, tạo ra một trang mới rất thách thức nhưng cũng đầy vinh quang, nhất là khi Bộ TT&TT hợp nhất với Bộ KH&CN trở thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông