Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay

Chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem như một nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Do tính chất đặc biệt nguy hại của chủ nghĩa cá nhân, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập nhiều biện pháp kiên quyết phòng trừ “thứ cỏ dại” và cần “phải diệt tận gốc” này. Từ tác phẩm “Đường kách mệnh” viết năm 1927, đến tác phẩm cuối cùng “Di chúc”, Người đã có gần 200 bài nói, viết về công tác xây dựng đảng, về rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên - Đó là hệ thống những quan điểm, biện pháp hữu hiệu để chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Theo Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên không phải cứ viết trên trán mình 2 chữ “cộng sản” là được nhân dân yêu mến, mà phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đạo đức cách mạng, chống sa vào chủ nghĩa cá nhân, góp phần làm cho Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”. Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là "địch nội xâm”, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng. “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá từ trong phá ra”(1).

Chủ nghĩa cá nhân luôn biến hóa “muôn hình vạn trạng”, bởi thế có nhiều người mơ hồ (hoặc cố ý mơ hồ), cho rằng đó là căn bệnh người khác mắc phải, còn mình thì không. Tuy nhiên, dù biến tướng thế nào, vẫn có thể nhận diện được nếu hiểu nguồn gốc, bản chất căn bệnh này: “Chủ nghĩa cá nhân là một loại giá trị và nguyên tắc đạo đức, là hệ thống lý luận chính trị, kinh tế và đạo đức của giai cấp tư sản”(2). Chủ nghĩa cá nhân là sản phẩm của xã hội cũ dựa trên chế độ tư hữu, là sự đối lập giữa lợi ích cá nhân với lợi ích xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi tập thể. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Hồ Chí Minh chỉ ra 10 loại bệnh nảy sinh từ chủ nghĩa cá nhân cần nhận diện và phòng chống: bệnh quan liêu; bệnh tham lam; bệnh lười biếng; bệnh kiêu ngạo; bệnh hiếu danh; bệnh “hữu danh vô thực” (loại bệnh có biểu hiện là làm được ít nhưng báo cáo, khoe khoang thì nhiều); bệnh cận thị (loại bệnh có biểu hiện là chỉ để ý đến cái nhỏ, vụn vặt, không thấy cái lớn, cái quan trọng); bệnh tỵ nạnh; bệnh xu nịnh, a dua và bệnh kéo bè, kéo cánh. Chừng nào còn chủ nghĩa cá nhân nó sẽ  “ngăn trở” người cán bộ, đảng viên phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của dân tộc, làm mất lòng tin cậy của dân với Đảng. “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3).

Khi cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, đồng nghĩa với việc họ làm biến chất, suy thoái Đảng. Do đó, thực hiện những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân, chống những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, chính là giữ vững bản chất, sinh mệnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính. Rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng song hành với cuộc đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân bên trong mỗi người đảng viên. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp, gian khổ, lâu dài bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Hồ Chí Minh đã ví một cách hình ảnh “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng tốt lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”(4). Vì vậy, đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.

Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thuận lợi, đang chịu sự chi phối từ những mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa. Chủ nghĩa cá nhân có nhiều điều kiện phát triển với những biểu hiện phức tạp, tinh vi. Nghị quyết Đại hội XI nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”(5). Chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội nhưng chậm được phát hiện và ngăn chặn kịp thời hoặc có ngăn chặn nhưng hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện; ở một số cấp uỷ việc giáo dục đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ hoặc hình thức. “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp”(6). Do thoái hoá về lý tưởng chính trị, biến chất về đạo đức, lối sống, để cho chủ nghĩa cá nhân phát triển đã làm ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây trở ngại lớn đến sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Đảng ta xác định, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem như một nội dung liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành công của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Vấn đề đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Quán triệt Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục giáo dục, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trang bị kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, trọng tâm là nâng cao trình độ nhận thức lý luận Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyên truyền rộng rãi trong toàn Đảng, toàn dân ta về tác hại và những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, để từ đó nhận diện và có biện pháp ngăn chặn. Đẩy mạnh “Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân”(7).  Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động trong toàn Đảng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thực sự là tấm gương về phẩm chất đạo đức, lối sống. 

Hai là, phát huy, mở rộng dân chủ trong Đảng, trong toàn xã hội để đoàn kết, động viên và phát huy hết tiềm năng trí tuệ, sự ủng hộ cả tinh thần và vật chất của các tầng lớp nhân dân vì sự nghiệp cách mạng. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của nhân dân, vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát cán bộ, công chức. Để thực hiện chủ trương đó, cần quy chế hóa, thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm. Triển khai thực hiện tốt Quy chế dân vận trong hệ thống chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân. “Định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên”(8). Qua đó, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Bốn là, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, duy trì chặt chẽ chế độ tự phê bình và phê bình, kết hợp xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm về đạo đức, lối sống. Nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng là nâng cao tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, bảo đảm cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng sau mỗi lần sinh hoạt trưởng thành hơn về năng lực lãnh đạo, về nhận thức tư tưởng, tinh thần đoàn kết, ý thức đấu tranh chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Công khai hoá chế độ, tiêu chuẩn; tổ chức kê khai thu nhập, tài sản của cán bộ, đảng viên.

Năm là, coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả; phương pháp kiểm tra phải đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên nhằm mục đích phát hiện những sai lầm trong tư tưởng và hành động để kịp thời sửa chữa. Hồ Chí Minh nói: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định ít đi”(9). Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương,... Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân.

Các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể xã hội cần quán triệt và tổ chức thực hiện một cách tích cực, sâu sắc, hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, đưa tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh ngang tầm với nhiệm vụ, lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

……………………………………..

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T5, tr.238 - 239.

2. Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước, Nxb LLCT, H, 2006, tr.318.

3. Hồ Chí Minh. Sđd, t12, tr.557-558.

4. Hồ Chí Minh.Sđd, t9, tr.448

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr.173.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd, tr.185.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd, tr.257.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd, tr.258.

9. Hồ Chí Minh: Sđd, T5, tr.287.

Sỹ Thành ( Theo Ban Tuyên giáo TW)