Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc - nền tảng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945 _ Ảnh tư liệu

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nội dung quyền độc lập, tự do của dân tộc

Thứ nhất, quyền độc lập, tự do của dân tộc phải thật sự, toàn diện và triệt để.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc... Hễ một dân tộc đã kiên quyết đứng lên đấu tranh cho tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ …”(1). Quan điểm đó của Người khẳng định rằng, quyền độc lập, tự do của các dân tộc là những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất khả xâm phạm, là quy luật khách quan của xã hội loài người mà tất cả các dân tộc đều được hưởng. Và công cuộc đấu tranh giành, giữ và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc được đánh đổi bằng xương máu thiêng liêng của các thế hệ, của cả dân tộc. Vì vậy, mọi sự xâm phạm liên quan đến quyền độc lập, tự do của dân tộc đều trái với đạo lý và lẽ phải, đều xâm phạm một cách nghiêm trọng quyền thiêng liêng vốn có của các dân tộc. Sinh thời V.I. Lê-nin, trong tác phẩm “Về quyền dân tộc tự quyết” khẳng định rằng: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết”(2). Điều đó có nghĩa là: “Các dân tộc có quyền độc lập chính trị, có quyền phân lập về mặt chính trị, khỏi các dân tộc áp bức họ”(3). Như vậy, một quốc gia được xem là độc lập, tự do khi quốc gia dân tộc đó có đầy đủ quyền tự quyết, tự chủ đối với vận mệnh của mình; có quyền lựa chọn con đường phát triển mà không bị lệ thuộc hoặc bị chi phối bởi các dân tộc khác. Trên cơ sở nghiên cứu các cuộc cách mạng tiêu biểu của thế giới đã giúp Hồ Chí Minh rút ra những bài học kinh nghiệm đối với cách mạng Việt Nam rằng: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi…”(4). Có nghĩa đấu tranh cho quyền độc lập, tự do của dân tộc thì đó phải là độc lập, tự do thực sự, hoàn toàn, triệt để. Người khẳng định: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”(5); ““Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập, “có quốc hội riêng, “chính phủ riêng, “quân đội riêng”, “ngoại giao riêng”, “kinh tế và tài chính riêng””(6).

Thứ hai, quyền độc lập, tự do của dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc là mục tiêu, lẽ sống, khát vọng của dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mục tiêu và khát vọng đó chỉ thật sự có được khi nó mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và phồn vinh thật sự cho nhân dân. Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công dưới sự lãnh đạo của giai cấp vô sản đã mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Với trí tuệ thiên tài của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy mục tiêu của con đường đấu tranh vì quyền độc lập, tự do của dân tộc là tiến lên chủ nghĩa xã hội, có nghĩa là phải gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Bởi theo Người “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, đấu tranh giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc mới chỉ là giai đoạn đầu tiên, là tiền đề, cơ sở vững chắc để tiến lên chủ nghĩa xã hội, để xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Để hiện thực hóa điều đó, Người nhấn mạnh: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1- Làm cho dân có ăn. 2- Làm cho dân có mặc. 3- Làm cho dân có chỗ ở. 4- Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”(8). Và ngược lại, chủ nghĩa xã hội là con đường để củng cố và bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của dân tộc; là điều kiện cơ bản và quyết định đối với dân tộc, góp phần tạo ra sức đề kháng có khả năng loại trừ và chống lại mọi âm mưu xâm chiếm đe dọa đến quyền độc lập, tự do của dân tộc.

Thứ ba, quyền độc lập, tự do của dân tộc gắn liền với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Quyền độc lập, tự do của dân tộc theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải thể hiện trên góc độ là một quốc gia có chủ quyền, có sự thống nhất và toàn vẹn về lãnh thổ. Người khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, ý chí thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả nước không bao giờ lay chuyển”(9) và “Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”(10). Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi, tuy nhiên, quyền độc lập, tự do của dân tộc vừa mới giành lại không bao lâu thì thực dân Pháp tiếp tục mưu đồ xâm lược chúng ta lần thứ hai. Ngay trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”(11). Người đã quyết định sang Pháp với mục đích là: “Giải quyết vấn đề Việt Nam độc lập, cùng Trung, Nam, Bắc thống nhất”(12). Mục đích chuyến đi Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không gì khác ngoài việc khẳng định sự độc lập và thống nhất của dân tộc Việt Nam. Người lập luận: “Trung, Nam, Bắc đều là đất nước Việt Nam... Nước có Trung, Nam, Bắc, cũng như một nhà có ba anh em. Cũng như nước Pháp có vùng Noócmăngđi, Prôvăngxơ, Bôxơ. Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Pháp, thì cũng không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta”(13). Với ý chí và quyết tâm của toàn dân tộc, cuộc kháng chiến chống thực Pháp của nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang, buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ “công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam”(14). Sau Hiệp định Giơnevơ 1954, nhận thấy bản chất âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam, một lần nữa Người khẳng định: “Nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, vì nước ta là một khối, không ai chia cắt được... đó là nguyện vọng thiết tha của toàn thể nhân dân ta từ Bắc đến Nam”(15). Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang diễn ra khốc liệt, tại Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Đại hội lần này sẽ soi sáng hơn nữa con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân ta nhằm hoà bình thống nhất đất nước. Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được “thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà””(16). Cho đến cuối đời, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn bày tỏ một niềm tin và khát vọng rằng: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(17). Thực hiện lời di huấn của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta đã tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập, tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối vào mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, quyền độc lập, tự do của dân tộc phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật buộc thế giới phải thừa nhận và tôn trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, những giá trị cao quý về quyền độc lập, tự do của dân tộc chỉ được hiện thực hóa và buộc thế giới phải công nhận và tôn trọng khi nó được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Ngay từ rất sớm, trong “bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến hội nghị Vécxây”, Người đã yêu cầu thực dân Pháp phải xóa chế độ cai trị bằng sắc lệnh, phải cải cách nền pháp lý ở Đông Dương để ghi nhận những quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam. Trong bài thơ với nhan đề “Việt Nam yêu cầu ca”, Người viết: “Hai xin phép luật sửa sang, Người Tây người Việt hai phương cùng đồng… Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(18). Tuy nhiên, những yêu cầu chính đáng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra đã không được thực dân Pháp chấp nhận, thậm chí chúng còn phủ nhận tất cả những quyền cơ bản của người dân và dân tộc Việt Nam. Từ đó Người hiểu được rằng, việc xây dựng và ban hành một bản Hiến pháp để bảo đảm quyền lợi của dân tộc và của người dân là cần thiết và chỉ có thể thực hiện được khi đất nước giành được quyền độc lập, tự do và người dân được làm chủ vận mệnh của dân tộc mình. Khi đó, Hiến pháp sẽ là văn kiện pháp lý quan trọng để ghi nhận các quyền cơ bản của dân tộc trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, buộc cộng đồng quốc tế phải công nhận và tôn trọng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Trên cơ sở thực tế và pháp lý bền vững đã được nêu lên trong các bản Tuyên ngôn độc lập của nước Pháp và nước Mỹ, bản Tuyên ngôn độc lập năm1945 đã khẳng định một cách dứt khoát quyền độc lập, tự do chính đáng của dân tộc Việt Nam mà không ai có thể chối cãi được. Đây cũng chính là văn kiện pháp lý để khẳng định về quyền độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam; là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam đón quân đồng minh vào giải giáp quân phát xít với tư cách là một nước độc lập, có chủ quyền.

Tiếp đó, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng nhiệm vụ xây dựng một bản Hiến pháp dân chủ. Người yêu cầu phải tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, trên cơ sở đó tiến hành soạn thảo Hiến pháp dân chủ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc quyết tâm với tinh thần một người hô vạn người hưởng ứng, tiến hành thành công cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6-1-1946, bầu ra Quốc hội khóa I. Đến ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp 1946 chính thức được Quốc hội nước ta nhất trí thông qua. Bản Hiến pháp 1946 chính là sự thể chế hóa các quyền cơ bản của dân tộc, các quyền tự do dân chủ của người dân, phản ánh rõ rệt thắng lợi của cuộc đấu tranh giành quyền độc lập, tự do của dân tộc. Trong lời nói đầu, Hiến pháp 1946 đã xác định: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và xây dựng nước nhà trên nền tảng dân chủ”(19). Tiếp đó trong Điều 1, Điều 4, Điều 6 và Điều 10 của Hiến pháp ghi rõ: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia”(20). Với những nội dung cơ bản đó, Hiến pháp 1946 đã “hợp hiến hóa” những quyền cơ bản của dân tộc, bảo đảm cho dân tộc Việt Nam thực hiện các hoạt động đối nội và đối ngoại với tư cách là một nước độc lập, có chủ quyền và đầy đủ các quyền dân tộc tự quyết buộc thế giới phải công nhận và tôn trọng.

Thứ năm, đấu tranh vì quyền độc lập, tự do của dân tộc mình, đồng thời tôn trọng quyền độc lập, tự do của dân tộc khác.

Là một người dân yêu nước, cũng là một chiến sĩ cộng sản chân chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình, mà còn có trách nhiệm đấu tranh cho độc lập, tự do của tất cả các dân tộc bị áp bức khác, góp phần vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng thế giới. Người sớm nhận thấy âm mưu của chủ nghĩa đế quốc là tìm mọi cách chia rẽ dân tộc nhằm tạo sự biệt lập, gây ra thói thù ghét dân tộc, sự bất bình đẳng, từ đó làm suy yếu phong trào đấu tranh giành quyền độc lập, tự do ở các dân tộc thuộc địa. Vì vậy, tất cả các dân tộc phải có trách nhiệm và bình đẳng với nhau trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình. Để đạt được mục tiêu chung, Người nói, cần phải “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”(21). Cũng chính quan điểm này của Người đã góp phần đưa dân tộc Việt Nam hòa chung nhịp đập với các dân tộc thuộc địa trên thế giới trong phong trào đấu tranh vì quyền độc lập, tự do.

Kể từ khi tìm thấy con đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tích cực hoạt động và tổ chức các hội thuộc địa, như “Hội liên hiệp thuộc địa” ở Pháp, “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức” ở Trung Quốc; xuất bản báo “Người cùng khổ”… để tìm cách tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào các dân tộc thuộc địa, nhằm thức tỉnh tinh thần dân tộc, giúp họ nhận thấy sức mạnh của mình để đứng lên đấu tranh tự giải phóng. Do đó “chẳng những Việt Nam phải đấu tranh giành lấy độc lập dân tộc cho chính mình, mà còn phải gánh vác trách nhiệm một phần trong sự nghiệp mưu cầu hòa bình cho toàn thế giới”(22). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiệt liệt ủng hộ nhân dân Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống Nhật, ủng hộ nhân dân Lào và Campuchia trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược và chủ trương phải bằng thắng lợi của cách mạng mỗi nước mà đóng góp vào thắng lợi chung của cách mạng thế giới. Đồng thời, Người cũng kịch liệt phê phán những tư tưởng dân tộc hẹp hòi chỉ nghĩ cho dân tộc mình mà không nghĩ cho dân tộc khác. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quốc tế không có nghĩa là can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, giúp bạn không có nghĩa là làm thay bạn. Điều đó có nghĩa là phải tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của tất cả các dân tộc, phải mong muốn các dân tộc có được độc lập, tự do như dân tộc chúng ta; nó cũng không có nghĩa là chúng ta chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc vị kỷ hẹp hòi, mà cần tích cực tham gia đấu tranh cùng với phong trào cách mạng thế giới vì mục tiêu chung là độc lập, tự do, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giá trị của quyền độc lập, tự do đối với dân tộc vào thực tiễn

Về quyền thiêng liêng, tự nhiên và bất khả xâm phạm của dân tộc

Đối với dân tộc Việt Nam, xuyên suốt chiều dài lịch sử, vấn đề chủ quyền quốc gia, quyền độc lập, tự do của dân tộc luôn là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm và đã được đề cập đến trong Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt ở thế kỷ XI; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV và trong Hịch đánh quân Thanh của Nguyễn Huệ ở thế kỷ XVII. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Người về nước và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941) và quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc giành lại quyền độc lập, tự do lên trên hết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(23). Để thực hiện mục tiêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), soạn thảo mười chính sách của Việt Minh, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: “Quyết làm cho nước non này, Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”(24). Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi để giành lấy quyền độc lập, tự do của dân tộc, Người cho rằng: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(25). Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tuyên bố: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(26). Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dân tộc Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết tâm kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước. Quyết tâm đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vang dậy núi sông: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”(27). Và với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế, giá trị thiêng liêng và bất khả xâm phạm về quyền độc lập, tự do của dân tộc luôn được nhân dân Việt Nam kiên định đặt lên hàng đầu theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định.

Về quyền độc lập, tự do của dân tộc là tiền đề mang lại cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc cho nhân dân

Quyền độc lập, tự do của dân tộc chỉ có giá trị và ý nghĩa thực sự khi nó mang lại quyền tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân, đó chính là thước đo cho giá trị làm người của mỗi con người sống trong dân tộc đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(28). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn duy nhất là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(30). Và mục tiêu đầy tính nhân văn ấy chỉ có được khi và chỉ khi đất nước được hưởng quyền độc lập, tự do thật sự. Hiểu được điều đó, Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta hy sinh làm cách mạng là để giành lại quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, vì vậy sau khi đất nước giành lại được quyền độc lập, tự do thì cần phải quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bởi theo Người, “nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(31). Như vậy, quyền độc lập, tự do của dân tộc chính là vấn đề đầu tiên, là xuất phát điểm góp phần mang lại giá trị sống, giá trị làm người của nhân dân các dân tộc thuộc địa. Trong bản Di chúc, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm và nhắc nhở Đảng ta cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng và thức hiện thật tốt các kế hoạch phát triển kinh tế để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Nền tảng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong công cuộc đổi mới

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, vấn đề giữ vững và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc luôn đồng hành cùng với công cuộc phát triển đất nước. Đó là những vấn đề nan giải của các quốc gia - dân tộc, đặc biệt là các nước đang phát triển và mới thoát khỏi chiến tranh như Việt Nam. Nhằm khắc phục những sai lầm trong giai đoạn 1976 - 1985, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước đổi mới nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) đã mở đầu cho thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Đại hội khẳng định: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(32). Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Mặc dù đổi mới toàn diện, nhưng Đảng ta luôn kiên định một vấn đề mang tính sống còn của vận mệnh dân tộc được thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc. Đó là độc lập dân tộc phải luôn gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bên cạnh đó mở cửa hội nhập quốc tế là một phần tất yếu của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế nhưng không có nghĩa là đánh mất bản sắc và ý chí của dân tộc mình; không đánh đổi quyền độc lập, tự do của dân tộc với bất kỳ lý do gì, chúng ta chủ động “hòa nhập chứ không hòa tan”, những chủ trương này được xây dựng phù hợp với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991), Đảng ta xác định: “Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”(33). Trên tinh thần đó, mỗi người dân Việt Nam luôn xác định và ý thức được rằng, xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ trọng tâm luôn được thấm nhuần trong tư tưởng và hành động. Đại hội đã rút ra bài học: “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là bài học xuyên suốt trong quá trình cách mạng nước ta. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”(34). Tại Đại hội, một lần nữa, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(35).

Trong 10 năm Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 1996), dù bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, dù bị bao vây cấm vận nhưng đất nước vẫn luôn nêu cao tinh thần độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội IX của Đảng (2001) đã tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước (1986 - 2000). Đặc biệt Đại hội X của Đảng (2006), nhìn lại chặng đường 20 năm đổi mới đất nước, Đảng ta một lần nữa khẳng định: “Trong quá trình đổi mới, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh... Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng”(36). Đến Đại hội XII, Đảng ta khẳng định đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc ở vị trí “tối cao” trong các mục tiêu của Đảng. Rõ ràng trong mọi hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam thì vấn đề độc lập dân tộc và lợi ích của quốc gia dân tộc là mục tiêu chính trị không bao giờ thay đổi - đó là vấn đề bất biến.

Thực tiễn cho thấy, kể từ sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc, với tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”(37). Quán triệt tinh thần đó, bất chấp sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu; sự chống phá, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", chia rẽ đất nước ta của các thế lực thù địch…, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đất nước ta từng bước vượt qua khó khăn, nền kinh tế - xã hội dần thoát khỏi khủng hoảng trong nhiều năm, góp phần giữ vững và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc.

Đánh giá kết quả của sau hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(38). Rõ ràng, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền độc lập, tự do của dân tộc với chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn là nền tảng, là kim chỉ nam góp phần định hướng cho sự nghiệp bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc ngày càng vững chắc hơn. Với ý nghĩa đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội;… và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đấy là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, giao động”(39)./.

-------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 9
(2) Xem V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2005, t. 25
(3) V.I. Lê-nin: Chủ nghĩa xã hội và Quyền dân tộc tự quyết, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1962, tr. 7
(4), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 292, 134
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 162
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 97
(7), (14), (16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 563, 93, 647, 612
(8), (11), (12), (13), (26), (27), (28), (30), (31) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 175, 280, 460, 470, 1, 534, 175, 187, 64
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 245
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 272
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 102
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 472-473
(19) Tuyên ngôn độc lập 1945 và các hiến pháp Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, 2015, Hà Nội, tr. 11
(20) Tuyên ngôn độc lập 1945 và các hiến pháp Việt Nam, Sđd, tr.12
(22), (23), (24), (29) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.643, 230, 242, 366
(25) Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1977, tr. 196
(32) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr. 125
(33) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 10-11
(34) Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t. 51, tr. 129-130
(35) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 21
(36) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006,  tr. 70
(37) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 218-219
(38) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(39) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđđ, t. I, tr. 33

Tạp chí Cộng Sản