Đạo đức nghề báo là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo cho các thế hệ nhà báo Việt nam đủ đức và tài.
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959 . Ảnh tư liệu
Đạo đức nghề báo chính là những nguyên tắc, những chuẩn mực được hình thành trong các mối quan hệ ứng xử nghề nghiệp của nhà báo, được thể chế hóa, được nhà báo và dư luận xã hội thừa nhận, trở thành những chuẩn mực điều chỉnh hành vi của nhà báo trong hoạt động thực tiễn nghề nghiệp.Trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp của nhà báo là 3 mặt của một vấn đề, hòa quyện, liên kết chặt chẽ, là điều kiện, là tiền đề của nhau, cùng hướng tới một mục tiêu duy nhất là hoàn thành tốt trách nhiệm của nhà báo với sự phát triển của xã hội, của đất nước.
Đạo đức nghề báo là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo cho các thế hệ nhà báo Việt nam đủ đức và tài, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo.Tư tưởng về đạo đức nghề báo của Hồ Chí Minh có thể khái quát ở một số nội dung chủ yếu sau:
1. Đạo đức cách mạng, đạo đức nghề báo là “cái gốc” của nhà báo
Đạo đức cách mạng nói chung, đạo đức nghề báo nói riêng theo Hồ Chí Minh được hiểu là phẩm chất tốt đẹp nhất, là gốc của mọi vấn đề trong cuộc sống, là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của người làm báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Bởi, “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(1). Đạo đức báo chí không chỉ nằm trong phạm vi điều chỉnh thuộc các quy định của luật báo chí hiện hành, mà còn là tâm thức và phương châm hành nghề của tất cả những người làm báo cách mạng. Thực hiện đúng quy định đạo đức nghề nghiệp, người làm báo sẽ tránh được những tác động tiêu cực trong cơ chế thị trường, giữ vững lòng tin của nhân dân, của xã hội đối với lực lượng báo chí cách mạng nói chung và đối với mỗi người làm báo nói riêng.
Sinh thời, Hồ Chí Minh có nhiều định hướng xây dựng nhân cách nhà báo cách mạng, nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là phải có phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Nhà báo cũng phải là chiến sĩ cách mạng, “...Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau rồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”(2). “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức hay không”. . Khi nói chuyện ở Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam tháng 9/1962, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”(3). Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng nước ta. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Trong thư gửi anh em văn hoá và trí thức Nam bộ ngày 25-5-1947, Người viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Tư tưởng này đã toát lên một ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là lòng bao dung, độ lượng đối với con người, Người nói: “Đừng sợ người ta không theo mình, mà chỉ sợ mình không có lòng độ lượng tha thứ đối với con người mà thôi”, từ đó Người khái quát lên một triết lý: “Sông sâu biển rộng chứa bao nhiêu nước cũng vừa vì lòng độ lượng nó lớn, nó sâu; còn một cái bát, cái chén chứa thêm một giọt nước cũng tràn đầy vì lòng độ lượng nó hẹp”(4).
2. Người làm báo phải có lập trường chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng với Nhân dân
Đây là phẩm chất cao quý nhất của nhà báo cách mạng Việt Nam. Lòng trung thành hướng mọi hoạt động của nhà báo nhằm đảm bảo lợi ích của Đảng, của nhân dân, của chế độ xã hội mà Đảng, nhân dân đã lựa chọn. Lòng trung thành khiến chúng ta phải không ngừng học hành, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để có đủ điều kiện làm việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Người làm báo hành nghề vì mục tiêu cách mạng, đó chính là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
Nhà báo phải có lập trường chính trị vững vàng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động báo chí là hoạt động chính trị-xã hội, nên nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhà báo phải là chiến sĩ trên mặt trận cách mạng. Do đó, lập trường chính trị vững chắc là tiêu chuẩn và là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi người làm báo. Hồ Chí Minh yêu cầu nhà báo ''phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản...”(4). Tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Người nói: “Tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”(5); “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”(6). Tháng 5 năm 1949, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng đầu tiên ở Chiến khu Việt Bắc, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung”. Đối với Hội nhà báo, Người khẳng định: “Nói về Hội nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”(7). Tại Đại hội lần thứ II Hội nhà báo Việt Nam (1959) và Đại hội lần thứ III Hội nhà báo Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ rõ “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”(8). Những lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh đã giúp những người làm báo chân chính hiểu sâu sắc hơn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh vì một đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.
3. Người làm báo phải luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Người làm báo từ trung ương đến địa phương đều là đầy tớ của nhân dân, đều phải một lòng, một dạ phục vụ nhân dân. Nhà báo phải là chiến sỹ trên mặt trận báo chí. Hồ Chí Minh coi báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hoá, vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá văn hoá; vừa là đội quân tiên phong trong công tác tư tưởng. Người sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh xã hội. Người tâm đắc câu nói của Lê-nin: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị... Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện”(9). Đối với Người, chức năng, nhiệm vụ của báo chí là “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức dân chúng” bằng phương tiện thông tin và các thủ pháp nghề nghiệp khác.
Tại Đại hội lần thứ II, Hội nhà báo Việt Nam (1959), Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”(10). Trong thư gửi lớp viết báo đầu tiên Huỳnh Thúc Kháng, Người nói rằng, muốn viết báo thì: Thứ nhất cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; Thứ hai ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người; khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận; tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; Thứ ba luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Người có nhiều bài nói về công việc viết báo, chia sẻ kinh nghiệm viết báo với đồng nghiệp hoặc cán bộ cấp dưới. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam ngày 8-9-1962, Người nói: "Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm"(11). Trong nhiều bài viết của mình, luôn nhắc đi nhắc lại yêu cầu đối với các nhà báo trước khi viết phải trả lời các câu hỏi “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Người đòi hỏi các nhà báo phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin trước khi cầm bút viết; đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng; vì thế, văn phong báo chí phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát”. Theo Người cần viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta, đồng thời phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội; cần viết cho Công-Nông-Binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái; cần viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng; cần viết gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung. Hồ Chí Minh rất coi trọng về hình thức bài báo; hình thức phải ngắn gọn với ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Theo Người ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc mà là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực. Muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu thì nhà báo phải học cách nói của quần chúng; phải thực sự học quần chúng. Sự trong sáng, giản dị, dễ hiểu là bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo về bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc trong cách cảm, nếp nghĩ. Người không những am hiểu ngôn từ của nhiều dân tộc mà còn là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Người luôn tâm niệm rằng, "viết và nói phải có mục đích, có nội dung"; nói và viết dù chỉ một câu cũng làm cho người dân bình thường nhất hiểu và làm theo được. Trả lời câu tự hỏi: "Nói và viết như thế nào?", Người khẳng định: "Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu". Bởi vì, với đối tượng là quần chúng và mục đích là vì nhiệm vụ cách mạng, thì tính phổ thông, dễ hiểu là cách giao tiếp chủ yếu, công việc đó là để phục vụ đại bộ phận quần chúng nhân dân.
4. Người làm báo phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, nhân dân
Trước quần chúng, phải hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng nhân dân, phải yêu kính nhân dân, phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân; phải nắm vững quan điểm giai cấp, đi đúng đường lối quần chúng, giáo dục và phát động quần chúng tiến hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đảng ta là đảng lãnh đạo cách mạng. Báo chí là công cụ lãnh đạo của Đảng, ngoài lợi ích của nhân dân, người làm báo cách mạng không có lợi ích nào khác. Vì vậy, người làm báo phải một lòng, một dạ phục vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, nhân dân và xã hội. Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ không thuộc phạm trù đạo đức, nhưng ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì thuộc phạm trù đạo đức. Nhà báo phải có ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bởi vì nếu không như vậy thì họ không thể có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, không có chuyên môn vững vàng, thì không thể hoàn thành trọn vẹn ý thức và tinh thần trách nhiệm xã hội.
Về ý thức trách nhiệm trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ báo chí, Hồ Chí Minh là một tấm gương. Người bắt đầu học viết báo từ hồi lao động kiếm sống và hoạt động cách mạng ở Pari. Người tranh thủ những phút nghỉ hiếm hoi sau những giờ lao động vất vả để viết báo. Đầu tiên là những tin ngắn, rất ngắn. Mỗi tin chép thành hai bản, một bản gửi cho toà báo, một bản giữ lại. Nếu được báo đăng, bao giờ Người cũng đem so sánh tin được đăng trên báo với bản thảo lưu lại, xem người ta sửa chữa nhiều không, ra sao, vì sao lại chữa. Khi đã tương đối quen việc, Người viết dài thêm, lúc đầu thêm vài dòng, rồi thêm vài dòng nữa, vài dòng nữa, nâng lên 15 - 20 dòng, thành cả một tin sâu, một bài viết ngắn. Khi đã viết được như thế, Người lại viết rút ngắn lại, cũng những việc như vậy nhưng phải viết cho rõ, cho gọn. Người nói: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện”; “Một người phải biết học nhiều người. Hơn nữa, cần phải làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp”(12). Người căn dặn: “Nhà báo phải có trách nhiệm đối với người đọc khi viết bài, phải viết sao cho người đọc dễ hiểu; khi viết cho nhân dân thì phải học cách nói của nhân dân, cách nói mộc mạc, giản dị mà chân thành; phải trau dồi kiến thức, chịu khó học hỏi, khiêm tốn, tự phê bình và thành khẩn đón nhận sự phê bình của nhân dân”(13). Tháng 7-1924, tại Đại hội lần thứ năm Quốc tế Cộng sản, Người đã trình bày quan điểm của mình về vai trò của báo chí: "Báo chí cộng sản chủ nghĩa có nhiệm vụ làm cho các chiến sĩ của chúng ta hiểu rõ vấn đề thuộc địa, làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng quần chúng lao động của các nước thuộc địa, tranh thủ họ tham gia sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản". Hồ Chí Minh làm báo là để thức tỉnh quần chúng nhân dân lao động, giai cấp thợ thuyền, đồng thời Người cũng yêu cầu báo chí, các nhà báo cách mạng phải thức tỉnh quần chúng, giúp người đọc tự nhận thức được các vấn đề trong nước và quốc tế, kinh tế và văn hoá, đạo đức và xã hội giúp cho người đọc hiểu và có đủ khả năng nhận thức được thế giới xung quanh một cách đúng đắn, từ đó có hành vi ứng xử thích hợp bằng một quan điểm đúng đắn, xuất phát từ lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp. Người nhắc nhở: “Ngành nào cũng phải làm công tác tuyên truyền, giới thiệu. Và các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu “Hoan nghênh bạn đọc phê bình. Từ nay trở đi, trên sách hay trên báo, các chú nên luôn luôn có câu đó. Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tay nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”(14). Đó chính là thể hiện sự tôn trọng đối với nhân dân và nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân.
5. Người làm báo phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật
Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí, Người coi trung thực là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”, đó cũng là một trong những nguyên tắc về đạo đức báo chí của Người.
Điều này nằm trong những quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam: “Nhà báo phải hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(15). “Viết giản dị thôi, và phải đúng sự thật. Không được bịa ra”; “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”(16). Người đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan ; không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Nhà báo phải trung thực trong công việc. Báo chí phải phản ánh đúng những ý kiến xây dựng của nhân dân; nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng đất nước; quyết liệt chống nạn tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Báo chí phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào truyền thống cách mạng và nhân văn của nhân dân ta.
6. Người làm báo phải chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời
Việc học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân tố quan trọng và vô cùng cần thiết đối với mỗi người làm báo, đặc biệt đối với cơ chế thị trường hiện nay. Muốn trở thành nhà báo giỏi, chúng ta hãy không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, học tập theo gương Bác Hồ - Người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh luôn kêu gọi mọi người thi đua học tập, coi học tập là nhiệm vụ thường xuyên, suốt đời, “còn sống thì còn phải học”. Và trong việc học tập Người đặc biệt chú trọng đến động cơ, thái độ học tập: “Muốn học tập có kết quả thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”(17). Tức là, trước hết phải có động cơ học tập đúng để xác định rõ và đúng xu hướng nghề nghiệp chân chính của mình là vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì con người và vì sự tiến bộ của chính bản thân mình. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của việc học tập là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại ”(18). Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng, học để hành”; “học để làm việc”; chứ không phải học để “làm ông nọ bà kia”, hay là để “làm quan cách mạng”… cho nên, “tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”(19). Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò của việc học tập đối với người cán bộ cách mạng. Trong nhiều lần nói chuyện với giới trí thức, Người thường nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc học tập: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”. Trên cơ sở nắm bắt được xu thế của thời đại và khả năng dự báo được tương lai, Người đã chỉ rõ: “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập”(20). và “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được ... không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Người thường dẫn câu nói của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi” để nhắc nhở bản thân, để giáo dục cán bộ, đảng viên và mọi người. Người đã nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(21). Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tự học, tự rèn, tự tu dưỡng cũng giống như “mài ngọc luyện vàng”, “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bởi vì, theo Người: “Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do luyện tập mà có”(22). Phong cách học tập của Hồ Chí Minh thấm nhuần triết lý hành động của phương Đông, đồng thời soi sáng bởi thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và nền văn hóa phương Tây, nên rất đa dạng, phong phú, sinh động và sâu sắc. Phong cách đó đã tạo cơ sở khoa học để mọi người giáo dục và tự giáo dục suốt đời để vươn lên không ngừng mà những người làm báo chí cách mạng Việt Nam cũng không nằm ngoài những người đó, mà càng phải học tập, trau dồi kiến thức và học tập suốt đời.
7. Người làm báo cần phải nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình
Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Theo Người, tự phê bình và phê bình có vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó là vũ khí cần thiết và sắc bén, giúp mọi người sửa chữa sai lầm, phát huy ưu điểm. Thực chất của tự phê bình và phê bình là góp ý giúp đồng chí, đồng nghiệp và tự bản thân kiểm điểm lại xem cái làm được và chưa làm được, làm hay hoặc còn thiếu sót, sai lầm và từ đó phát huy cái tốt, tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, cái khuyết điểm, sai lầm. Tự phê bình và phê bình thực sự là một cuộc đấu tranh giữa mặt tích cực và mặt tiêu cực, tiến bộ và lạc hậu, cái tốt và cái xấu, cái đúng và cái sai… diễn ra ngay trong bản thân từng cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng. Chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng đã từng được Hồ Chí Minh cảnh báo là một loại “Giặc nội xâm”, thứ giặc ở trong lòng hết sức nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thật thà tự phê bình và thành khẩn tự phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất để sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm của mình. Vì vậy, chẳng những chúng ta phải thực hiện mở rộng phê bình và tự phê bình trong Đảng và trong cơ quan chính quyền, mà chúng ta và đội ngũ những người làm báo cần phải hoan nghênh những lời phê bình thật thà của nhân dân, của bạn đọc hơn bao giờ hết. Người cũng dạy: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Người chỉ ra cho những người làm báo phải biết lắng nghe quần chúng. Làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (6/1968) về việc làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, Người dạy: "... Các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: "Hoan nghênh bạn đọc phê bình". Người căn dặn: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo: - Bài báo thường quá dài, “dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng. -Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta. - Đưa tin tức hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.- Thiếu cân đối, tin nên dài thì viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau”(23).
Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, nhìn chung đội ngũ nhà báo đã thực hiện tốt những nội dung cơ bản nhất, cốt lõi nhất của các tiêu chuẩn về đạo đức nghề báo. Trong những năm qua, những người làm báo việt Nam đã thực sự trở thành những con chim báo bão, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước,đấu tranh và bài trừ sai trái, bảo vệ chân lý, góp phần điều chỉnh dư luận xã hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua chất lượng nội dung thông tin báo chí hàng ngày, hàng giờ phản ánh mọi mặt của cuộc sống và đáp ứng rất tốt, rất kịp thời mọi nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của mọi mặt xã hội. Mặt trái của “tấm huân chương” của người làm báo, ta có thể nhận thấy những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp, cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm về đạo đức nghề của một bộ phận nhà báo Việt Nam hiện nay. Với những nội dung cơ bản đã trình bày ở trên, có thể khẳng định rằng, tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục đạo đức nghề cho đội ngũ những người làm báo hiện nay. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam, với Nhà báo, thì việc học tập theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.
-----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005 tập 5, tr.251,252
(2) Hồ Chí Minh về vấn đề báo chí, Tạ Ngọc Tấn biên soạn, Cục xuất bản, Hà Nội 1995, tr. 23
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia,H. 2005 tập 10, tr. 616
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, tập 5, tr.523
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, tập 9, tr.415
(6) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia H.2005, tập 9, tr.415
(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, H. 2005, Tập 9, tr.414
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, tập 10, tr.613
(9). Trích từ Cuốn làm gì? Của Lenin.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2005, tập 10, tr 613
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 10, tr. 615
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 9, tr.415
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 9, tr.415
(14)- Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 8, tr.657
(15)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 5, tr.306
(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 7, tr.118
(17)Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 2, tr.94
(18)Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 4, tr.161, 162
(19)Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 5, tr.235
(20)Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 6, tr.5- -52
(21) Hồ Chí Minh (1990), Về vấn đề giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr.67.
(22) Những lời Bác dạy, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1975, tr.43.
(23) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005. tập 5, tr.306
Ban Tuyên giáo TW