Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng bất tận của cách mạng và thơ ca… bởi Người không chỉ gắn liền với con đường cách mạng Việt Nam, với hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước mà còn bởi chính tư tưởng, đạo đức của Người.
Bác Hồ nói chuyện với các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu (thứ nhất, bên trái),
Phan Từ (thứ hai, bên trái), Trần Đình Vân (thứ nhất, bên phải). Ảnh: Tư liệu
Là một trong các nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam trong thế kỷ XX, thơ Tố Hữu không chỉ đồng hành cùng biên niên sử của dân tộc trên hành trình đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, đi lên chủ nghĩa xã hội mà còn khắc họa rõ nét tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Nguồn cảm hứng vô tận của thơ ca cách mạng - Nguồn sức mạnh nội lực, trung tâm đoàn kết của mọi người Việt Nam yêu nước trên hành trình hướng đến tương lai.
Thơ Tố Hữu gắn liền với thời đại Hồ Chí Minh lịch sử
Tố Hữu là nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn, nhà thơ, người chiến sĩ không chỉ suốt đời trung thành với lý tưởng cách mạng đã lựa chọn mà còn luôn tràn đầy dũng khí, sự quả cảm, nhân cách đạo đức của một người cộng sản trước hiểm nguy, thử thách căng thẳng, dữ dội và quyết liệt nhất trên trận tuyến đánh quân thù cũng như trên mặt trận văn hóa - tư tưởng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao trọng trách cho ông.
Trước vận mệnh của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, Tố Hữu chọn con đường làm cách mạng và làm bằng thơ; dùng thơ để truyền đạt tư tưởng, đưa tư tưởng của Đảng, đưa trái tim của người cách mạng đến với trái tim của nhân dân, đúng như ông từng tự bạch: “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ”[1].
Một Tố Hữu "là con của vạn nhà" đã tự nguyện gắn bó đời mình với Tổ quốc và nhân dân; đã mang tài năng, tâm huyết, sức lực của mình phụng sự cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ông cùng thơ của mình đã trở thành một bộ phận không thể tách rời với cách mạng, với thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, hiển hiện rõ nét qua những tập thơ: Từ ấy (1937 - 1946), Việt Bắc (1947 - 1954), Gió lộng (1955 - 1961), Ra trận (1962 - 1971), Máu và Hoa (1972 - 1977)… Trên hành trình đấu tranh đầy gian khổ hy sinh để giành lại độc lập, tự do của Tổ quốc, thơ Tố Hữu không chỉ cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; không chỉ ca ngợi, biểu dương những con người đã vì dân vì nước chịu đựng gian lao, thử thách mà còn phục dựng lại bức tranh biên niên sử cách mạng Việt Nam đầy sắc màu. Trên những chặng đường cách mạng đó, mỗi tập thơ của ông là một phác họa về sự giác ngộ, trưởng thành của người cộng sản Tố Hữu; phác họa những bước tiến của tiến trình cách mạng bằng ngôn ngữ giản dị, không lên gân, nhưng tràn đầy tâm huyết và dũng khí, nhất là tình cảm thiết tha dành cho Tổ quốc, dành cho Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những tập thơ ấy, có thể thấy: "Từ ấy là tiếng hát của một người trẻ tuổi tìm ra chân lý, vượt qua gông cùm, đến với cách mạng. Việt Bắc là tiếng hát ân tình, lời ca vui khi dân tộc đánh thắng thực dân Pháp sau gần 100 năm bị đô hộ. Gió lộng là niềm tin yêu trước cuộc đời mới. Ra trận, Máu và hoa là khúc ca bi tráng của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Một tiếng đờn và Ta với ta là tâm tình sâu lắng trở về cõi lòng mình sau những năm tháng đã đi qua của cuộc đời"[2].
Vì thế, dù ở tiền tuyến hay hậu phương, thì thơ Tố Hữu vẫn có chỗ đứng riêng, đặc biệt. Thơ Tố Hữu có chỗ trong balô của chính ông và của người chiến sĩ trên đường ra trận và đương nhiên, "tiếng lòng" của người cách mạng kiên trung đó cũng có mặt trên giảng đường các trường đại học, trong lời ru con của các bà mẹ, xuống hầm lò cùng người thợ mỏ, ra cánh đồng lúa hay trên công trường thủy lợi cùng bà con nông dân... Trong những năm tháng đầy gian lao và thử thách ấy, dường như ai cũng thuộc lòng thơ Tố Hữu và coi đó là phương châm suy nghĩ, hành động của chính mình. Ai cũng cảm thấy Tố Hữu đang nói hộ mình, thay mình.
Tố Hữu là người không chỉ hiểu rõ ý nghĩa của “văn dĩ tải đạo”, không chỉ quán triệt mà còn mẫu mực đưa lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”[3] trở thành hiện thực. Suốt cuộc đời cách mạng của ông, kể từ khi mới tham gia cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời mình, mỗi bài thơ, tập thơ của ông đều không chỉ hoàn thành nhiệm vụ truyền đạt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đến với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nói chung, đến với đội ngũ văn nghệ nghệ sĩ nói riêng mà còn trở thành "người lính xung kích" thực hiện thắng lợi đường lối ấy trong thực tiễn, góp phần xây dựng đời sống tinh thần ngày càng phong phú, lành mạnh cho nhân dân.
Một trong những nét đặc sắc làm nên một Tố Hữu không lẫn với ai, rất riêng và độc đáo chính là dù viết về chiến tranh cách mạng, về Đảng hay quần chúng nhân dân thì thơ ông cũng không hề khô khan, cứng nhắc mà luôn tha thiết và thấm đẫm tình người, mang đậm tính trữ tình chính trị. Ở Tố Hữu, cách mạng và thơ đều là đời, vì làm cách mạng là để phục vụ cuộc đời; và làm thơ cũng là để phục vụ cuộc đời, nên thơ ông giống như tiếng nói của tâm hồn đến với tâm hồn, thánh thiện đến dìu dặt, góp phần làm nên cốt lõi của thơ/của nhà cách mạng/của phong thái một Tố Hữu độc bản.
Đi rất sát và thể hiện sâu sắc những chủ đề lớn của cách mạng, sát theo tiến trình cách mạng, thơ Tố Hữu khi giống khẩu hiệu, mệnh lệnh hành động; khi nồng hậu mà kiên trung, cổ vũ tinh thần đấu tranh của những người cách mạng; khi lại tràn đầy tinh thần lạc quan, niềm tin vào Đảng, vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và tương lai tươi sáng của đất nước, song rất thiết tha như một nguồn sức mạnh tinh thần kêu gọi, thúc giục con người hành động. Hiển hiện rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thơ Tố Hữu không chỉ khắc họa, phản ánh thời đại Hồ Chí Minh lịch sử và còn lưu truyền về Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế gắn với thời đại oai hùng, rực rỡ đó bằng những bài thơ vừa giản dị đời thường vừa trữ tình, lãng mạn cách mạng.
Thơ Tố Hữu khắc họa cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong số những nhà thơ của lịch sử Việt Nam hiện đại, có thể nói Tố Hữu là một trong những người được gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất. Đặc biệt, từ những ngày ở chiến khu Việt Bắc cho đến khi trở về Thủ đô Hà Nội, với trọng trách được giao về lĩnh vực công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng, Tố Hữu có cơ duyên được gần và nhiều lần được làm việc trực tiếp với Người. Gắn bó với cách mạng, với Đảng, nên cũng như một lẽ tự nhiên, Tố Hữu và thơ của ông cũng là những khắc họa rất rõ, rất sâu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Trong số những bài thơ của mình, ngoài 5 bài thơ trực tiếp viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Hồ Chí Minh, Sáng tháng nǎm, Cánh chim không mỏi, Bác ơi, Theo chân Bác, thì hình ảnh người Cha già dân tộc thường xuất hiện khi trực tiếp, khi gián tiếp, khi ẩn dụ trong nhiều bài thơ khác của ông. Với Tố Hữu, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng song hành với Đảng, với non sông, đất nước và nhân dân, nên hình ảnh Người xuất hiện trong thơ Tố Hữu thật tự nhiên và bất tận. Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng bất tận của cách mạng và thơ ca… bởi Người không chỉ gắn liền với con đường cách mạng Việt Nam, với hành trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước mà còn bởi chính tư tưởng, đạo đức cách mạng và phong cách của Người lan tỏa, lay động từng tâm hồn mỗi con người.
Với bài thơ Hồ Chí Minh (1945), Tố Hữu không chỉ tự mình mà còn nói hộ tiếng lòng của muôn triệu người dân Việt Nam, ghi nhận công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã góp phần làm lên một cuộc đổi đời cho nhân dân Việt Nam, đưa tên Việt Nam trở lại bản đồ chính trị thế giới. Trong Tố Hữu khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người dẫn đường, là ngọn đuốc thiêng của sự nghiệp giải phóng dân tộc mà còn ngời sáng một tấm gương đạo đức của người chiến sĩ cộng sản nguyện dâng hiến đời mình cho độc lập, tự do, hòa bình và công lý: “Hồ Chí Minh/Người lính già/Đã quyết chiến hy sinh/Cho Việt Nam độc lập/Cho thế giới hòa bình!” (Hồ Chí Minh, tập thơ Từ ấy). Đó chính là một Hồ Chí Minh "cao mà không xa, sáng mà không chói" như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định.
Còn trong bài Sáng tháng Năm (1951), giữa những gian lao, khắc nghiệt của thời chiến, một Hồ Chí Minh hiện lên chân thực, giản dị đến bất ngờ nhưng vẫn cuốn hút lạ thường bởi phong thái của một vị lãnh tụ gần dân, thân dân. Với bài thơ này, Tố Hữu đã không chỉ nhìn thấy/cảm được chân dung vị lãnh tụ từ bên trong, từ chiều sâu tư tưởng và tâm hồn mà còn cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bởi chính sự bình dị, trầm tĩnh trước những vấn đề trọng đại của đất nước cũng như sự việc đời thường hằng ngày. Và vì thế, sức mạnh từ sự truyền cảm hứng của Người cứ tự lan tỏa, tự soi rọi tâm hồn mỗi người dân: "Bàn tay con nắm tay cha/Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng/Bác ngồi đó, lớn mênh mông/Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non"; "Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh/Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!/Giọng của Người, không phải sấm trên cao/Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau"; "Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị/Màu quê hương bền bỉ đậm đà/Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút"(Sáng tháng Năm, tập thơ Việt Bắc).
Đến Cánh chim không mỏi (1960), hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - khát vọng của Người và của muôn người dân Việt Nam yêu nước về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, non sông liền một dải; hình ảnh vị Tổng tư lệnh lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đồng thời thực hiện 2 chiến lược cách mạng: vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc hiện lên thân thương như người cha của muôn triệu gia đình người Việt Nam, như người ông kính yêu của đàn cháu nhỏ: "Bác về, vui đó, con ơi!/Bác hôn các cháu, Bác cười với dân/Ngày vui, vui cả hai lần/Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà (Cánh chim không mỏi, tập thơ Gió lộng).
Đặc biệt, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách một Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn hiển hiện đặc sắc nhất, cô đọng nhất trong 2 bài thơ Bác ơi (1969) và Theo chân Bác (1970). Nhiều người đánh giá đây "là những sáng tác đỉnh cao của Tố Hữu về Bác" và đó là sự thật không thể phủ nhận. Trong Bác ơi, cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự cống hiến, hy sinh suốt đời của Người cho dân, cho nước cũng như tâm hồn, tình cảm và tấm lòng của Người với con người, thiên nhiên hiện lên sau những vần thơ thấm đẫm nỗi đau biệt ly, sinh tử: "Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!/Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời/Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội/Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!"; "Bác sống như trời đất của ta/Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già"; "Bác để tình thương cho chúng con/Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/Mong manh áo vải, hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" (Bác ơi, tập thơ Ra trận).
Như một cuốn nhật ký về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Theo chân Bác, tiếng lòng của Tố Hữu và của muôn triệu người Việt Nam hòa cùng nhau, bi thương mà không bi lụy, nhớ thương mà không nhụt ý chí trước nỗi đau mất đi người Cha của mình/mất đi một điểm tựa tinh thần thân yêu và kính trọng nhất. Tiếng lòng ấy không chỉ phục dựng lại hành trình người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên ở quê hương Nghệ An "địa linh nhân kiệt" đã rời Tổ quốc bôn ba tìm đường cứu nước; đã trải qua những năm tháng gian khổ hoạt động cách mạng để tìm thấy chân lý; đã trở về lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng và giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tiếp tục lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vì một nước Việt Nam thống nhất "Bắc - Nam sum họp một nhà"...
Tiếng lòng đó thổn thức với: "Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen/Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn/Một hòn gạch nóng nung tâm huyết/Mẩu bánh mì con nuôi chí bền"; "Về phương Đông, ta về phương Đông/Cùng phương Tây, giương ngọn cờ hồng/Đi ta đi, anh em đồng chí/Chặt xiềng gông, chặt hết xiềng gông!"; "Việt Nam, ta lại gọi tên mình/Hạnh phúc nào hơn được tái sinh/Mát dạ ông cha nghìn thuở trước/Cho đời, hai tiếng mới quang vinh!"; "Thời đại lớn cho ta đôi cánh/Không có gì hơn Độc lập Tự do!/Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/Có Đảng ta đây, có Bác Hồ"; "Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác/Nóng lòng mong đợi Bác vào thǎm/Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác/Bác thường trǎn trở, nhớ Miền Nam!" (Theo chân Bác, tập thơ Ra trận)... Trong Theo chân Bác, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ hiện lên trọn vẹn, mẫu mực một cuộc đời vì dân, vì nước mà ngay cả tấm lòng, tình cảm và sự kính trọng muôn đời của nhân dân với Người cũng được Tố Hữu nói hộ, nói thay, nói giùm.
Trọn vẹn niềm vui thống nhất, trong bài Toàn thắng về ta (1975), Tố Hữu reo vui, hân hoan khúc khải hoàn của dân tộc và như một lẽ tự nhiên không thể phủ nhận, trong niềm vui chung lớn lao ấy, luôn có Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng hành và nâng bước chúng con đi trên hành trình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Người và Đảng đã lựa chọn từ mùa Xuân năm 1930. Tràn ngập niềm vui thống nhất và sự kiên định con đường đã chọn được Tố Hữu viết: "Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa"; "Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh/Đứng gác biển trời tươi mát màu lam/Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm Đường kách mệnh/Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!” (Toàn thắng về ta, tập thơ Máu và Hoa) và “Nước độc lập, tự do, dân no ấm học hành/Một đời Bác, chỉ lòng ham muốn ấy/Có lẽ hôm nay, giữa giấc yên lành/Người vẫn nghĩ... Như Người hằng sống vậy” (bài Một khúc ca, 1977, tập thơ Máu và Hoa)…
Học và làm theo nghệ thuật tuyên truyền cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua thơ Tố Hữu
Không thể nói hết, viết hết về những gì mà Tố Hữu và thơ của ông đã dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Song, một vài minh chứng như vậy cũng đủ để thấy rằng, Tố Hữu và thơ của ông về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên những chặng đường cũng gắn với những chặng đường lịch sử của dân tộc mà Tố Hữu đã trải qua thật đặc sắc, song cũng dung dị lạ thường. Nếu nói tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng thơ hay nhất, đặc sắc nhất, dung dị mà lại hiệu quả nhất thì có thể nói, chắc chắn không ai vượt được Tố Hữu.
Trong thơ ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ cao xa vời vợi như một mặt trời chân lý "chói qua tim", cổ vũ, động viên mọi người dấn thân vào con đường cách mạng, đấu tranh cho độc lập, tự do mà còn gần gũi, thân thiết như "là Cha, là Bác, là Anh", với trái tim mênh mông, nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người/"ôm cả non sông, mọi kiếp người". Trong thơ Tố Hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gắn liền với con đường cách mạng Việt Nam; không chỉ là là hiện thân của khát vọng "không có gì quý hơn độc lập, tự do" mà còn trở thành biểu tượng của niềm tin chiến thắng; không chỉ là tình yêu thương vô bờ đối với quần chúng lao khổ mà còn là sự giản dị đến thanh khiết trong tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của một hiền nhân… Vì thế, mỗi khi cần tuyên truyền gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì dường như mọi kế hoạch to tát, cầu kỳ cũng sẽ “thất bại” trước sự sâu lắng trong những câu thơ không thể hay hơn về Người như Tố Hữu bộc bạch, nhắn nhủ mình và cũng là nhắn nhủ mọi người: “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/Ta bỗng lớn ở bên Người một chút".
Với thơ Tố Hữu, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công việc quốc gia đại sự hay giữa muôn mặt đời thường; trong quan hệ với anh em, đồng chí, đồng bào hay với thiên nhiên, môi trường sống cũng đều có sự phi thường giao hòa với cái bình thường, chân thành giao hòa với cái tự nhiên, không diệu vợi, làm nên sự hài hòa và cao quý. Đó chính là sự hài hòa giữa chiếc "áo nâu giản dị" với "màu quê hương bền bỉ đậm đà”; là khoảng cách giữa lãnh tụ và nhân dân gần gũi như "bàn tay con nắm tay Cha/Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng”; là sự xuyên suốt, hiện thân của tâm hồn, trí tuệ Việt Nam gắn bó từ quá khứ đến hiện tại và tương lai: “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/Tiếng ngày xưa và tiếng cả mai sau". Với Tố Hữu, đằm thắm và chân thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên như sao Bắc đẩu: "Ở đâu u ám quân thù/Nhìn lên Việt Bắc, cụ Hồ sáng soi/Ở đâu đau đớn giống nòi/Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền"; "Máy chữ thôi reo nhớ ngón đàn/Thong dong chiếc gậy gác bên bàn/Còn đôi dép cũ mòn quai gót/Bác vẫn thường đi giữa thế gian"; "Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi/Ta lớn cao lên bay bổng diệu kỳ"…
Có thể nói, sự khắc họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu có sức hút rất riêng và sự truyền cảm lớn lao đó dường như vượt khỏi sức truyền tải của ngôn ngữ. Tố Hữu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nhiên như máu thịt, tâm can mình, vì thế, nghệ thuật tuyên truyền bằng thơ của Tố Hữu cuốn hút và có sức mạnh tinh thần to lớn. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim và tâm hồn Tố Hữu, trong thơ Tố Hữu chính là tình yêu và sự kính trọng một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng và không thể xóa nhòa. Khó có thể tìm thấy khoảng cách giữa trái tim và ngôn ngữ khi chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bình dị mà cương nghị, thân thiết mà bản lĩnh, mênh mang tình yêu thương con người và thiên nhiên, thường tụ lại trong mỗi hình ảnh của đời thường, chen lẫn khung cảnh hài hòa của thiên nhiên, làm nổi bật phong cách ung dung, tự tại, tâm hồn khoáng đạt của Người được khắc họa trong thơ Tố Hữu.
Có thể nói Tố Hữu đã sử dụng nhuần nhuyễn các thể thơ lục bát, song thất lục bát, với nhiều sáng tạo phong phú để làm cho nhạc điệu trong mỗi vần thơ, bài thơ không chỉ thể hiện chiều sâu của tính dân tộc và cách mạng mà còn làm cho hiện thực đời sống cách mạng luôn gắn với Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên sinh động, phong phú. Dường như viết về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng thường trực trong Tố Hữu, nên người đọc thấy thơ Tố Hữu là một phác họa ngày càng rõ nét hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sự phác họa đặc biệt bằng thơ đó cũng chính là tình cảm, niềm tin yêu, sự kính trọng tiêu biểu nhất cho tình cảm của hàng triệu trái tim, khối óc người dân Việt Nam đối với người Cha già dân tộc. Vì thế, ai cũng thấy thơ Tố Hữu viết về Người như chính mình cảm nhận và ghi lại.
Với các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa…, có thể thấy một sự chuyển biến rõ nhất về hành trình của một dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do qua hành trình của một con người gắn liền với con đường cách mạng Việt Nam, với mỗi thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong hơn 92 năm qua. Đó chính là những gì Tố Hữu cảm nhận và dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết về Người – tinh hao và khí phách của dân tộc Việt với trái tim giao cảm, thiết tha rất Huế, rất tự nhiên như không thể khác được. Từ thơ Tố Hữu, ai cũng thấy ông là một trong những người học trò không chỉ đi theo con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn học, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xuất sắc, chân thực nhất; không chỉ hiểu mà còn cảm được trí tuệ, bản lĩnh, tâm hồn Người để "biến hóa tinh anh Hồ Chí Minh thành hồn thơ", để làm rõ hơn cốt cách tinh thần của chính bản thân mình bằng nghệ thuật thơ. Độc đáo của Tố Hữu cũng chính là: Bất kể là ai, từng gặp hay chưa được gặp Tố Hữu, thì cũng đều đồng ý với những gì Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Tố Hữu trong bài viết "Mãi mãi nhớ anh Tố Hữu"[4] rằng: Trong Tố Hữu không chỉ có bóng dáng của người thầy vĩ đại Hồ Chí Minh mà từ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của ông/sự nghiệp thơ ca của ông, mỗi người đều nhận thấy từ người học trò đó ánh sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - "người thầy hiền minh, siêu việt" của Tố Hữu, đúng như ông đã cảm - "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn".
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thêm một lần lan tỏa sâu rộng hơn; lay động sâu sắc tâm can mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam hơn qua mỗi bài thơ, vần thơ Tố Hữu viết về Người, dành riêng cho Người; qua cả những bài thơ viết về cách mạng, về Đảng và hiển hiện chân dung của Người trong đó. Vì thế, cần phải tìm hiểu, vận dụng nghệ thuật tuyên truyền dung dị mà hiệu quả như Tố Hữu đã tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thơ của ông; coi đó là một giải pháp thiết thực và hiệu quả đối với các cơ quan, ban, ngành chức năng trong xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân trong quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hãy tìm đọc lại những bài thơ, tập thơ của Tố Hữu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, về cách mạng Việt Nam, về Đảng nói chung, để mỗi người đều học được từ vị lãnh tụ suốt đời yêu thương nhân dân, tận tâm, tận lực phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng, giản dị nhưng rất sáng, cao xa mà không chói, tự tại nhưng gần gũi, tự nhiên nhưng không diệu vợi nguồn sức mạnh của ánh sáng soi đường.
Để làm cho Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trở thành hiện thực sinh động, có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân, thì các cơ quan ban, ngành chức năng hãy tuyên truyền về Chủ tịch Hồ Chí Minh như những bài thơ, tập thơ của vị tổng tư lệnh mặt trận tư tưởng - văn hóa Tố Hữu đã truyền cảm hứng cho mỗi người.
Để kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định hành trình phấn đấu cho tương lai, thì hãy đọc thơ Tố Hữu viết về hiện thực cách mạng Việt Nam, về Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và vì thế, khi xây dựng chương trình, kế hoạch, chuyên đề tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì hãy vận dụng nghệ thuật tuyên truyền chân thực, dung dị, dễ thuộc, dễ nhớ như Tố Hữu đã chắt lọc về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thơ, để ai cũng thấy Người gần gũi, thân thuộc và học, làm theo những gì Người đã làm, đã căn dặn!
*Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] TTXVN: Tố Hữu - Cây đại thụ trong làng thơ cách mạng Việt Nam, ngày 4/10/2020
[2] Lê Thành Nghị: Tố Hữu: Thơ với thời đại của mình, dangcongsan.vn, ngày 12/10/2010
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập,. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.246
[4] Bài được in trong cuốn sách "Tố Hữu - Người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004
Sỹ Thành ( Theo Ban Tuyên giáo TW)