Thương yêu, chăm lo bồi dưỡng cán bộ là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh

Thương yêu, chăm lo bồi dưỡng cán bộ là một nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã dành trọn vẹn cho những tình cảm tốt đẹp ấy.

Với tình thương yêu vô bờ bến với đội ngũ cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định, Đảng, Nhà nước phải đặc biệt coi trọng cán bộ, coi trọng nhân tài, phải hết lòng chăm lo xây dựng, "vun trồng" cho những lớp người vô giá ấy. Để nhấn mạnh điều này, Người viết: "Đoàn thể phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta"1. Theo Người, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải trải qua một quá trình lâu dài và hết sức công phu. Muốn có đội ngũ cán bộ tốt, chúng ta phải dày công đào luyện, bền bỉ thử thách. Cán bộ là tài sản vô giá của Đảng, của cách mạng, của dân tộc. Vì vậy, Đảng phải hết lòng thương yêu, chăm lo bồi dưỡng và giữ gìn cán bộ. Người nhấn mạnh: "Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được. Trái lại, trong lúc tranh đấu rất dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đoàn thể phải thương yêu cán bộ"2. Người còn chỉ rõ, trong đấu tranh cách mạng, việc hao tổn cán bộ là điều không thể tránh khỏi. Theo Người, mất mát cán bộ là tổn thất lớn cho cách mạng. Chính vì thế, chúng ta càng phải quý trọng cán bộ, càng phải chú ý bảo vệ cán bộ. Đặc biệt, chúng ta phải chăm lo giữ gìn cán bộ cũ, ra sức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới, không ngừng xây dựng, củng cố, bổ sung cho Đảng một đội ngũ cán bộ hùng hậu, đủ sức tổ chức lãnh đạo toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Để nhấn mạnh điều này, Người viết: "Đoàn thể ta là một đoàn thể đấu tranh. Trong cuộc tranh đấu thường hao tổn một số cán bộ quý báu. Vì vậy, chúng ta phải quý cán bộ, phải bổ sung cán bộ, phải giữ gìn cán bộ cũ và đào tạo cán bộ mới"3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định, thương yêu, chăm lo bồi dưỡng cán bộ, chẳng những phải có thái độ đúng, động cơ đúng, mà còn phải có phương pháp đúng. Người luôn nhấn mạnh rằng, Đảng phải hết lòng thương yêu cán bộ, phải thường xuyên chăm lo bồi dưỡng cán bộ. Song, Người cũng chỉ rõ: "Thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc"4. Bởi vì theo Người, nếu "nuông chiều", thì cán bộ dễ chủ quan, tự kiêu, tự phụ, dễ hư hỏng về phẩm chất đạo đức. Còn nếu "thả mặc" thì cán bộ dễ tự do vô kỷ luật, tuỳ tiện, vi phạm nguyên tắc, chế độ; thậm chí dễ "làm liều" gây tổn hại khôn lường cho sự nghiệp cách mạng. Chính vì thế, thương yêu cán bộ là phải quản lý chặt chẽ, duy trì kỷ luật nghiêm minh đối với họ, nhất là đối với cán bộ cao cấp.

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ các nội dung, biện pháp để thực hiện sự thương yêu và chăm lo bồi dưỡng cán bộ. Trước hết, Người xác định: "Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm"5. Đây là một quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Theo Người, học tập là công việc suốt đời của mỗi cán bộ. Bất kỳ cán bộ cấp nào, còn sống, còn làm cách mạng thì còn phải học tập. Chỉ có như vậy, cán bộ mới hoàn thành được nhiệm vụ, mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng phát triển của sự nghiệp cách mạng. Chính vì thế, Đảng, Nhà nước phải hết lòng chăm lo, tạo điều kiện cho cán bộ không ngừng học tập, không ngừng tiến bộ, trưởng thành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định, thương yêu cán bộ là phải quan tâm đến công tác, đến quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của cán bộ. Theo Người, Đảng, Nhà nước, các cơ quan lãnh đạo và cán bộ lãnh đạo cấp trên phải luôn chú ý tạo điều kiện cho cán bộ thực hiện đầy đủ chức trách, có đủ quyền hạn và căn cứ pháp lý để cán bộ dám chịu trách nhiệm, có khả năng chủ động, sáng tạo, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói, đây là nội dung thương yêu lớn nhất, bao trùm nhất đối với cán bộ. Bởi vì, hoàn thành nhiệm vụ, chức trách, đó là tiêu chuẩn trọng yếu, là thước đo cuối cùng để đánh giá chất lượng cán bộ. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: "Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói quen có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ"6.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thương yêu là cán bộ là còn luôn biết động viên khích lệ cán bộ để họ có ý chí quyết tâm cao, luôn tích cực hăng hái, vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Người đã từng nhấn mạnh: "Phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để họ đi đến chỗ bại không nản, thắng không kiêu"7.

Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định, thương yêu cán bộ là phải chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho bản thân cán bộ và gia đình, hậu phương cán bộ. Theo Người, đây là vấn đề mang đậm tình đồng chí, nó có quan hệ sâu sắc đến tâm tư, tình cảm và ý chí phấn đấu của mỗi cán bộ. Đã nhiều lần Người chỉ rõ về thương yêu là: "Giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom"8. Người cũng đã thường xuyên nhắc nhở các cơ quan, đơn vị phải tuỳ hoàn cảnh mà giúp đỡ cán bộ giải quyết tốt các vấn đề về gia đình, về điều kiện sinh sống và điều kiện công tác.

Tình thương yêu cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ dừng lại ở quan điểm, ở những bài nói, bài viết, mà điều quan trọng hơn là, chính cuộc đời hoạt động thực tiễn của Người đã dành cho đội ngũ cán bộ một tình thương yêu vô bờ bến. Với tình thương yêu ấy, Người đã hết lòng chăm lo giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ cán bộ các ngành, các cấp, các lứa tuổi, trong đó Người đặc biệt quan tâm tới các cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ dân tộc thiểu số.

Trong tình hình hiện nay, để học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thương yêu, chăm lo bồi dưỡng cán bộ, Đảng và Nhà nước ta cần phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ, phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ trên tất cả các mặt từ đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đến chính sách đãi ngộ. Đặc biệt, trong những năm trước mắt, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII "Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ".

Trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; đặc biệt, tập trung vào "2 trọng tâm, 5 đột phá", nhất là khâu đột phá thứ nhất. Thực hiện tốt các vấn đề trên, nhất định đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước ta sẽ không ngừng tiến bộ, trưởng thành, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng và lòng yêu mến của nhân dân.

----------------

1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8: X.Y.Z (Hồ Chí Minh) - Sửa đổi lối làm việc, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1955, trang 68, 82, 69, 82, 82, 82, 83,

Ban Tuyên giáo TW