Thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách theo Tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung.”(1)

Về mối quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách, Bác chỉ rõ: "Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau".(2) 


Tập thể lãnh đạo là để bảo đảm và phát huy dân chủ trong Đảng nhưng nó xa lạ với kiểu dựa dẫm vào tập thể, không dám quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm của cá nhân đảng viên trước nhiệm vụ mà tổ chức phân công. Đồng thời, cá nhân phụ trách cũng hoàn toàn khác với độc đoán, chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, Bác cũng lưu ý rằng, không phải bất kỳ việc gì, thậm chí những việc nhỏ, một người có thể giải quyết được, cũng đưa ra tập thể bàn bạc, kết quả là họp hành mất nhiều thì giờ, đó là hiểu một cách máy móc. Song, việc nhỏ nhưng quan trọng vẫn cần tập thể bàn bạc, quyết định. Người cho rằng: “Mọi việc đều bàn bạc một cách dân chủ và tập thể, khi đã quyết định rồi thì phân công công tác rạch ròi, giao cho mấy đồng chí làm đến nơi, đến chốn.”(3) Theo Người, cá nhân phụ trách là nhằm tạo ra tính chuyên trách, gắn trách nhiệm để giải quyết công việc một cách tốt nhất.

Trong thực tiễn hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chủ tịch luôn là điển hình mẫu mực trong thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Dù trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước nhưng Bác luôn tôn trọng ý kiến tập thể, không tự tiện ra quyết định. Đồng thời, Bác luôn đề cao trách nhiệm cá nhân trong công việc, tự phê bình, nhận trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội và nhân dân khi có khuyết điểm.

Hiện nay, việc thực hiện nguyên tắc này ở một số tổ chức đảng còn bộc lộ hạn chế: buông lỏng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy viên thấp, có biểu hiện sa vào chủ nghĩa cá nhân; chưa xây dựng được quy chế, quy định cụ thể để có sự ràng buộc thực hiện nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có hiệu quả. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ: “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, khi sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm, tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân”.

Chính sự không rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước. Từ thực trạng trên Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra một vấn đề cấp bách là cần xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) để thực hiện tốt nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thường xuyên giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và đội ngũ cán bộ đảng viên về nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nâng cao chất lượng đại hội và hội nghị của cấp uỷ và tổ chức đảng, mở rộng sinh hoạt dân chủ trong nội bộ đảng củng cố; kiện toàn cấp ủy đảng về số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ và sức mạnh của tổ chức đảng; phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân của các cấp ủy viên.

Hai là, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Xác định rõ mối quan hệ trong giải quyết công việc giữa người đứng đầu với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Tăng cường thẩm quyền, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị song cần có cơ chế giám sát quyền lực một cách chặt chẽ. Khắc phục tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể hoặc độc đoán, chuyên quyền.

Ba là, tăng cường đấu tranh tự phê bình và phê bình, kiên quyết phê phán các hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức. Đổi mới quy trình ra nghị quyết, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết. Cần xây dựng quy chế ra quyết định của Đảng, bảo đảm phát huy trí tuệ tập thể cấp ủy và cán bộ, đảng viên.

Bốn là, duy trì tốt chế độ lãnh đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát để giúp tổ chức đảng cấp dưới hoạt động đúng hướng, kịp thời ngăn chặn, khắc phục các khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng cấp dưới khi mới manh nha dấu hiệu vi phạm, nhất là biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, độc đoán, chuyên quyền. Xử lý nghiêm khắc những cá nhân có sai phạm trong công tác lãnh đạo, điều hành gây hậu quả nghiêm trọng.

--------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H. 2002, tr. 505.

(2) Sđd, tập 5, tr. 505.

(3) Sđd, t.10, tr. 36.

 

Phạm Văn Phong - Khoa Công tác đảng - Công tác chính trị, Trường Đại học Chính trị P.Vệ An, TP. Bắc Ninh