Để phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thời gian qua, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong chuyển đổi số.
Doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh trên tiktok
Chương trình “100 doanh nghiệp chuyển đổi số trong 100 ngày” với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp cận và triển khai hiệu quả việc ứng dụng các công cụ hỗ trợ chuyển đổi số phù hợp với hoạt động thực tế cũng như nhu cầu và năng lực của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đến nay đã có hơn 150 doanh nghiệp tham gia và tạo thành Group (nhóm) “Doanh nghiệp chuyển đổi số” để cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cùng nhau giải đáp thắc mắc liên quan kinh tế số, chuyển đổi số. Đồng thời đây cũng là kênh truyền thông, kết nối đến từng doanh nghiệp về các hỗ trợ, giải đáp và thông tin các hoạt động, chương trình, hội thảo của các sở, ngành, đơn vị nhà nước để song hành cùng doanh nghiệp trên con đường phát triển.
Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nhằm phổ biến, chuyển đổi nhận thức về kinh tế số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã góp phần làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia về tầm quan trọng cũng như lợi ích, sự cần thiết của chuyển đổi số mang lại, việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số là chìa khóa nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan mời các chuyên gia hàng đầu về marketing digital, các nhà quản lý các nền tảng số như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Facebook, Google, Zalo, Tiktok để hướng dẫn theo hình thức bắt tay chỉ việc. Chương trình huấn luyện đi từ cơ bản đến chuyên sâu, từ việc hướng dẫn mở gian hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đến việc chăm sóc khách hàng và tinh gọn bộ máy phát triển kênh TMĐT. Các chuyên gia cam kết doanh thu tăng tối thiểu 20% đối với các doanh nghiệp tham gia đầy đủ các buổi huấn luyện thực chiến. Đã tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực bán hàng trên các sàn giao dịch TMĐT, mỗi khóa từ 30-60 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với các kỹ năng như: tăng đơn với chi phí 0 đồng bằng công cụ Marketing có sẵn trên SÀN, tăng lượt vào shop trên sàn TMĐT (Traffic nội sàn - ngoại sàn), chiến lược phát triển trên sàn TMĐT nhằm tối ưu hóa dòng tiền, tạo dựng cộng đồng ngàn view,...
Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh - Dương Tuấn Anh cho biết: Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sản xuất kinh doanh theo hướng số hóa để thích ứng với thực tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, đứng vững trên thị trường, gia tăng lợi nhuận cũng như cơ hội tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ để xúc tiến thương mại trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh đã giúp nhiều DN có sự kết nối tốt hơn và mở rộng thị trường.
Chương trình đào tạo đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao các kỹ năng số, tăng lợi thế cạnh tranh, phát triển cơ hội trong kinh doanh, hỗ trợ tối ưu hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng và sự chuyên nghiệp của từng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Điển hình các doanh nghiệp tăng doanh thu trên 20%, thậm chí trên 50% hay 100% như Công ty TNHH MTV Tân Nguyên (chuyên cung cấp hương sạch), Công ty TNHH Mộc TRULY HUE'S (sản phẩm quà tặng, ẩm thực), Công ty TNHH MARIES (sản phẩm đệm bàng thân thiện môi trường), Hộ kinh doanh Trà Đình Viên (sản phẩm từ gừng), Hợp tác xã nông nghiệp xanh NARASA (sản phẩm tinh chế từ đông trùng hạ thảo),...
Doanh nghiệp bắt tay chuyển đổi số từ việc ứng dụng công nghệ thông tin
Theo các chuyên gia phân tích và nghiên cứu thị trường, tận dụng các nền tảng công nghệ sẽ giúp DN cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng mà các DN thực hiện CĐS hướng đến, bao gồm: Tăng tốc độ ra thị trường; tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; tăng năng suất của nhân viên; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Cường, đến nay phần lớn các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối,… Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như TikTok, Facebook, Google, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee; hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số; hơn 60% các doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán (Bravo, 3Tsoft, Misa) giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư.
Các hoạt động chuyển đổi mô hình bán hàng, tiếp thị, quản trị và vận hành, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thấy chuyển đổi số là một cơ hội để sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, hướng tới thay đổi bản chất doanh nghiệp. Điều này đang góp phần tạo ra các doanh nghiệp số, logistic, giao nhận, thương mại, xuất nhập khẩu, nhà hàng, khách sạn, du lịch... hoạt động theo những phương thức mới, dựa trên việc kết nối các hệ thống công nghệ, dữ liệu và xử lý thông tin tự động.
Có thể thấy rằng, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là “chiếc chìa khóa vàng” để các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển bền vững. Đồng thời với các chính sách hỗ trợ, đồng hành của tỉnh với các DN, cùng với sự tích cực hưởng ứng và tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, là nhân tố quan trọng trong mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Bộ Thông tin và Truyền thông