Khi xưa, để có một cái Tết trọn vẹn và đủ đầy, người ta phải chuẩn bị dày công trước đó cả tháng trời, từ những việc "vòng ngoài" như trồng hoa, nhặt lá mai đến việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa và cả những tục lệ sau đó...
Ngày nay, những phong tục này ít nhiều đã có sự thay đổi. Đây cũng là lẽ tất yếu. Tại sao? Bởi nền văn hóa nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trước đây cho phép người dân nhàn rỗi nhiều hơn để "thủng thẳng" lo cho Tết đã được thay thế bằng một nền văn hóa công nghiệp, hối hả và "eo hẹp" về thời gian. Do đó, những chùm pháo, tục lệ dựng nêu, Tết trâu... cũng chỉ còn trong hoài niệm và ký ức của nhiều người. Song không phải vì thế mà Tết ngày nay không kế thừa những giá trị bất biến về đạo lý của dân tộc. Ngược lại, Tết ngày nay vẫn giữ lại những nét đẹp văn hóa của người Việt trong đạo thờ phụng ông bà tổ tiên; việc dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp; trang hoàng nhà cửa... để chào đón năm mới nhiều thuận lợi, an khang.
Nhìn chung, Tết Việt ở cả ba miền có nhiều điểm tương đồng, song vẫn có những khác biệt mang đậm văn hóa vùng miền. Điều này xuất phát từ những khác biệt trong thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết, thói quen, cách thức đón Tết... của mỗi địa phương. Và hiện nay, khi phong trào cổ phong đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng miền Nam, với nhiều nhóm lớn mạnh trên mạng xã hội, như: Ngày ngày viết chữ (gần 99,5 ngàn người theo dõi), Thiên Nam lịch đại hậu phi (hơn 65,5 ngàn người theo dõi), Đại Nam Hội quán (gần 19 ngàn người theo dõi), Sử Talk (hơn 12 ngàn người theo dõi)... giới trẻ đã chứng minh rằng họ luôn có những mong cầu được tìm hiểu về các giá trị văn hóa xưa. Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Đại Nam Hội quán - nhóm trẻ chuyên bàn về những nét đẹp trong phong tục, tập quán Nam bộ xưa - đã có một buổi trò chuyện về "Tết Nam bộ xưa" đầy thú vị.
Dịp Tết, miền Bắc có hoa đào, còn miền Nam có hoa mai. Để hoa nở đúng dịp Tết, người ta phải nhặt lá mai vào đúng thời điểm
Tết bắt đầu từ việc trồng bông Tết, lặt lá mai. Sau đó, tầm hạ tuần tháng Chạp công việc bắt đầu được làm nhiều hơn, nhà nhà bắt đầu lo liệu các công việc bên ngoài như: tát mương, dọn dẹp sân nhà, chất củi vô cự, hứng nước đầy lu…
Nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ là một trong những điều rất quan trọng với người Việt trong dịp Tết
Mọi việc được tiến hành rất tất bật. Những công việc "vòng ngoài" này đến khoảng 25 là dứt điểm để các gia đình làm lễ tiễn Ông, tiễn Thần; chùa làm lễ đưa chư thiên thần Phật về trời. Sau khi đưa tiễn các vị thánh thần về chầu Ngọc Đế, các gia đình mới "mạnh dạn" dọn dẹp các nơi bàn thờ, trang thờ, quét dọn mạng nhện trong nhà, sơn sửa các nơi... mà không sợ "thất kính".
Vật dụng bày biện trên bàn thờ phải được đánh bóng, làm mới để chuẩn bị đón Tết
Việc dọn dẹp bàn thờ cũng phải được thực hiện một cách quy củ, cẩn thận: tranh liễn thờ bằng giấy thường được thay mới; chân nhang được rút đi, thêm cát; bộ lư đồng được đánh bóng cho mới lại, thường được chà bằng tro của vỏ trấu với chanh, khế; những vật dụng đem từ bàn thờ xuống nếu không dùng nữa sẽ được đem đốt, tro phải được đổ nơi sạch sẽ, gốc cây...
Trên hình là cặp câu đối: "Phước sanh lễ nghĩa gia đường thịnh - Lộc tiến vinh hoa phú quới hoàn"
Trang trí nhà cửa, bày biện trên bàn thờ
Sau khi dọn dẹp, tu sửa, việc trang hoàng nhà cửa sẽ được bắt đầu. Thường trước nhà sẽ được dán mấy bộ liễn viết chữ nho trên giấy hồng với những câu đề chúc trong dịp Tết như: Ngũ Phước Lâm Môn, Tam Dương Khai Thái...; Bàn thờ ông bà được trang trí bằng những câu liễn xuân với bức tranh thủy mặc lớn, hoặc có loại tranh liễn 100 chữ với hàm ý đa phước, đa thọ...
Cách bày trí Đông bình Tây quả, bộ chân đèn lư hương
Nhưng quan trọng nhất trong việc bày trí, trang hoàng có lẽ vẫn nằm ở chỗ gian thờ. Ngày xưa, nhà nghèo vách lá cũng phải có bàn thờ ông bà, nhà nào giàu thì sẽ có bàn thờ danh mộc, nào cẩn xà cừ, sơn thiếp... Cách bày trí thường thấy là Đông bình Tây quả, bộ chân đèn lư hương...
Chuối là một loại quả phổ biến và vẫn thường được cúng bình thường vào dịp lễ, Tết
Ngày nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng: cúng chuối là "chúi nhủi", dưa là "dây dưa", cam là "cam chịu"... Đây là những quan niệm mê tín, sai lầm. Mâm ngũ quả khi xưa thường được trưng với chuối và các loại trái cây có sẵn trong vườn - màu sắc tươi tốt đa dạng. Những loại quả này được ưa dùng vì sự tiện dụng, dễ kiếm và gần gũi, nhất là khi việc buôn bán hàng hóa lúc trước chưa phát triển.
Hoa huệ trắng từng được người Nam bộ xưa rất ưa chuộng
Tương tự, nhiều người ngày nay không dám chưng bông trắng vì sợ... tang tóc. Kì thực, ở Nam bộ khi xưa chuộng nhất là bông huệ trắng. Do đặc điểm cây giống, thổ nhưỡng mà hầu như xưa huệ trắng là một loại bông đặc trưng cho lễ, đám của người miền Nam xưa; bên cạnh đó còn có vạn thọ, cúc... những loại bông dễ trồng, dễ kiếm ở chốn miệt vườn. Sau này, việc trồng bông thuận lợi hơn với nhiều loại hoa và nhiều màu sắc khác nhau.
Tết xưa phải có đôi đèn...
Miền Nam theo lễ nghĩa ông bà truyền dạy, trong các cuộc lễ, những thứ Hương - Đăng - Trà - Quả đều phải có ít hoặc nhiều. Hương - Đăng - Trà - Quả phải được chuẩn bị kỹ càng, đơn cử như việc có đôi đèn phải được chú ý vì người xưa quan niệm: Đèn và nhang là để giao kết với tổ tiên ta, nên khi cúng những việc hệ trọng, nhất định phải lên đôi đèn để soi đường cho ông bà, hương làm điềm dẫn hướng và thanh tẩy nơi thờ phượng...
Tết xưa phải có việc bái lạy tổ tiên
Người xưa quan niệm "sự tử như sự tồn", việc đạo hiếu với tổ tiên đã khuất là một chuyện rất quan trọng. Vì vậy, lệ xưa hễ có cúng kiến là sẽ có bái lạy tổ tiên, đây được xem là một mỹ tục biểu hiện lễ nghĩa và tưởng niệm với người đã khuất. Khi xưa, vào ngày Tết, con cháu đón Giao thừa xong, vào lúc hừng đông sẽ làm lễ tổ tiên, dưng trà, bánh mứt... Sau đó, con cháu sẽ theo thứ lớp - từ người có vai vế cao nhất đến thấp nhất trong nhà - tuần tự vào làm lễ lạy bốn lạy trước tổ tiên.
Áo Thụng là y phục được dùng trong dịp lễ Tết xưa
Khi xưa, áo Thụng là y phục dùng trong những buổi lễ trang trọng, nhà giàu thường hay mặc, còn người nghèo thường bận áo chẹt. Do đó, trong những dịp tế lễ, đám quải, khách khứa, áo Thụng đều xuất hiện làm lễ. Ngày nay, áo Thụng và áo dài chẹt không còn xuất hiện nhiều trong các dịp tế lễ trang trọng.
Ngày nay, người dân treo quốc kì thay việc dựng nêu. Quốc kì bay trong gió thể hiện sự thiêng liêng hồn dân tộc với niềm tự hào và cầu mong năm mới thuận lợi
Dựng nêu là một lễ tục đậm nét cổ truyền dân gian, được thực hiện vào ngày 29 tháng Chạp nếu là tháng đủ, ngày 28 tháng Chạp nếu là tháng thiếu. Các gia đình sẽ dựng một hoặc nhiều cây nêu - tùy kinh tế và sức người của mỗi nhà - ở ngoài ngõ, trước nhà chính, cạnh nhà bếp, giếng nước, chuồng gia súc... Theo dân gian, dựng nêu giúp xua đuổi ma quỷ và đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Hiện, tục dựng nêu hầu như đã không còn.
Tết Trâu chỉ còn trong kí ức, bởi nền nông nghiệp ngày nay đã được cơ giới hóa, công nghiệp hóa...
Miền Nam xưa còn có một ngày Tết rất đặc biệt, trùng với ngày Mùng 3 Tết Thầy, đó là Tết Trâu. Sáng Mùng 3 Tết, những ai nuôi trâu đều đặt bàn hương án trước chuồng trâu, bày hoa quả đèn nhang để cúng bái. Trâu được cho ăn bánh tét, uống rượu và được lì xì tiền mừng tuổi. Nét văn hóa này gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Đến nay, Tết Trâu dường như chỉ còn trong ký ức và những lời kể của các bậc cao niên.
* Đại Nam Hội quán
Đại Nam Hội quán được thành lập vào ngày Mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Dậu (17/2/2017) và hiện có 14 thành viên. Cùng với phong trào cổ phong đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, Đại Nam Hội quán là một địa chỉ tin cậy - nơi công chúng có thể cùng học hỏi, trau dồi thêm vốn kiến thức về các giá trị xưa, văn hóa của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung - những giá trị văn hóa xưa dần bị lãng quên và hoặc bị hiểu sai lệch đi! Trong năm 2019 vừa qua, Đại Nam Hội quán đã có hàng loạt chuỗi dự án, chương trình xuyên suốt như: Đám cưới Nam bộ xưa, kể chuyện Áo dài, chuyện Đờn ca khi xưa...
|
Thiên Bình