Thời điểm năm 2000, Việt Nam chỉ có khoảng 50 nghìn người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) và đóng góp cho GDP khoảng 0,5%. Sau hơn 20 năm, nguồn nhân lực này đã “vượt ngưỡng” hơn 1 triệu người và đóng góp tới 14,3% GDP. Theo dự báo, đến năm 2030, cả nước cần tới 2,5 triệu nhân lực phục vụ chuyển đổi số, việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực ICT là rất cấp bách.
Số lượng chưa song hành chất lượng
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực ICT. Cả nước hiện có 168 trường đại học, 520 trường nghề đào tạo về ICT với tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm đạt hơn 84 nghìn người, gồm khoảng 50 nghìn người bậc đại học và khoảng 34 nghìn người bậc cao đẳng, trung cấp.
Tuy nhiên, khảo sát của TopDev, một tổ chức tuyển dụng uy tín cho thấy chỉ có khoảng 30% số sinh viên tốt nghiệp đáp ứng kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng. Sinh viên đào tạo ra không đáp ứng yêu cầu phải đào tạo lại hoặc chuyển nghề, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội. Mặt khác, hạn chế còn nằm ở khâu đào tạo nhân lực số theo từng ngành, lĩnh vực, đặt ra bài toán cần thúc đẩy đào tạo công nghệ trong từng chuyên ngành, lĩnh vực hẹp, như nhân lực y tế số, du lịch số hay nông nghiệp số.
Phó Cục trưởng Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Tuyên cho biết: Trên thế giới, ICT là một trong ba ngành giảm nhân sự nhanh nhất trong 5 năm qua với mức 23%. Từ cuối năm 2022 đến nay, đã có khoảng 380 nghìn lao động mất việc, chiếm 1,9% nhân sự toàn cầu. Theo Layoffs.fyi (trang chuyên theo dõi tình trạng sa thải nhân viên ngành công nghệ), số lượng nhân sự công nghệ bị sa thải năm 2023 cao hơn hai năm 2020 và 2021 cộng lại. Amazon là nơi có nhiều người bị sa thải nhất trong 12 tháng qua (hơn 27 nghìn nhân sự), tiếp theo là Meta (khoảng 21 nghìn), Google (hơn 12 nghìn) và Microsoft (hơn 11 nghìn).
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung khi ghi nhận sự đảo chiều sau giai đoạn bùng nổ tuyển dụng. Công nghệ thông tin đã trở thành một trong ba ngành giảm nhân sự nhanh nhất ba năm qua. Trong đó, doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ cắt giảm nhân sự lên tới hơn 22%; còn ở Hà Nội 14,7% số doanh nghiệp giảm lương, thưởng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang (Công ty tuyển dụng Navigos), các doanh nghiệp ngày càng tuyển dụng đầu vào chặt chẽ hơn, dẫn đến áp lực cho nhân sự công nghệ thông tin tìm việc mới. Rất nhiều nhân sự thiếu kỹ năng mềm và ngoại ngữ, nhiều người quen với việc được săn đón cho nên đến khi rơi vào tình trạng phải đi tìm việc thì lúng túng, không hiểu thị trường, không xác định được mức lương kỳ vọng... Chính tư duy thiếu linh hoạt đã khiến cho các nhân sự khi cân nhắc về công việc mới luôn thấy thách thức nhiều hơn cơ hội.
Áp dụng các mô hình đào tạo mới
Mặc dù làn sóng sa thải nhân lực ngành công nghệ thông tin chưa dừng lại, nhưng theo dự báo tại Việt Nam, một số vị trí việc làm vẫn sẽ có nhu cầu tuyển dụng ngày một cao và thị trường chưa đáp ứng được như kỹ sư dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing). Viện trưởng Đào tạo và Công nghệ MISA Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên có kỹ năng, kiến thức về AI, biết cách sử dụng công cụ AI chắc chắn sẽ có khả năng được tuyển dụng, phát triển tốt hơn những người khác. “AI không lấy đi công việc của bạn, nhưng người biết sử dụng AI có thể lấy đi công việc của bạn”, ông Tùng nhắc lại một câu nói rất hay về AI.
Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lớn trong lộ trình phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin để đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường. Chính vì vậy, chất lượng đào tạo luôn là yếu tố cần đặt lên hàng đầu đối với các cơ sở đào tạo. Các cơ sở đại học cần chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng thách thức mới như yêu cầu ngày càng khắt khe của doanh nghiệp cũng như sự thay đổi nhanh chóng của các công nghệ mới. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, lời giải cho nhân lực số ở Việt Nam chính là đại học số. Còn nếu các trường đại học vẫn làm theo cách đào tạo cũ như hiện nay sẽ bị giới hạn bởi giáo viên cả về số lượng và chất lượng.
Dự kiến, năm 2024 sẽ có năm trường đại học triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất các cơ sở giáo dục đại học cần nhân rộng mô hình “3 hóa” trong quá trình đào tạo. Đơn cử, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Công ty cổ phần công nghệ VMO Holdings đã triển khai mô hình hợp tác đào tạo “3 hóa”: Doanh nghiệp hóa, chứng chỉ hóa và quốc tế hóa. Trong đó, doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình, đồng hành với 30% thời lượng giảng dạy bởi chuyên gia đến từ doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm cũng được hướng theo chuẩn quốc tế, chứng chỉ quốc tế, ứng dụng nền tảng số, thực hành trực tuyến trong khi thời gian đào tạo lại được rút ngắn từ 4,5 năm xuống còn 3,5 năm.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, để hỗ trợ các trường đại học, Bộ sẽ ra báo cáo hằng năm về nhu cầu sử dụng nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số và gửi cho các trường. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tạo ra nhu cầu về nhân lực số thông qua thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển công nghiệp bán dẫn; hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài chinh phục thị trường toàn cầu, biến Việt Nam thành trung tâm chuyển đổi số toàn cầu. Ngoài ra, Bộ cũng kêu gọi một số doanh nghiệp công nghệ số lớn đầu tư vào các Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Đại học Quốc gia, tạo ra gắn kết của hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ số với các trường đại học,...