Tạp chí Văn nghệ

Soạn giả Phạm Văn Đằng: Một đời – Một nghề

Với soạn giả Phạm Văn Đằng, cải lương không chỉ là đam mê, mà đó còn là tình yêu bất diệt, một khao khát giữ gìn vẹn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, soạn giả Phạm Văn Đằng cho biết, đó là “chữ duyên” mà nghề đã chọn anh.  Đã tiếp xúc với những làn điệu quê hương từ bé, theo thời gian, những lời ca, tiếng hát ngọt ngào ấy đã thấm vào trong tâm trí anh. Thi đậu vào trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, song vì quá đam mê với cải lương nên anh đã bảo lưu kết quả, để học dự thính 3 năm tại lớp Trung cấp diễn viên Cải lương - Trường Sân khấu Điện Ảnh TP.HCM.

Sau thời gian theo học, tuy không trở thành một nghệ sĩ nhưng anh đã chọn rẽ hướng để trở thành một soạn giả cải lương. Chính quyết định này đã giúp anh có một con đường đi đúng đắn, để cho ra đời những tác phẩm đặc sắc, đi vào lòng người.

Trong quá trình công tác tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, soạn giả Phạm Văn Đằng đã chứng minh được khả năng của mình với sức sáng tác bền bỉ, những tác phẩm của anh được đánh giá rất cao như: Giấc mộng đêm xuân, Lê Công kỳ án, Những ánh sao băng… cùng nhiều bài ca cổ, tân cổ, ca cảnh và kịch bản sân khấu hóa cho nhà hát trong các sự kiện lớn của thành phố cũng như cả nước.


Thời gian qua, vở cải lương Thầy Ba Đợi của PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ chấp bút, được hai soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng chuyển thể cải lương đã tạo tiếng vang lớn trong làng nghệ thuật cải lương. Với Phạm Văn Đằng, việc được tham gia một tác phẩm lớn và được dìa dắt bởi thế hệ tiền bối là cơ hội để anh được vững vàng thêm trong nghề.

Hành trình đã qua của soạn giả Phạm Văn Đằng là sự nỗ lực không mệt mỏi, vượt qua những thử thách để vươn đến những giá trị tinh hoa nhất của nghệ thuật.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Kim Quyên