Số hóa dữ liệu thiết yếu - Nền tảng để bứt phá chuyển đổi số

Việc đẩy mạnh số hóa các dữ liệu thiết yếu sẽ mang đến lợi ích căn bản, giúp tăng hiệu quả làm việc của chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước được nâng lên.

Ảnh minh họa

Với chủ đề “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 của tỉnh Nam Định sẽ tập trung vào 4 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL); thúc đẩy sử dụng các nền tảng số thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương và nâng cao năng lực quản trị dữ liệu an toàn, bảo mật dữ liệu nhằm đẩy mạnh số hóa dữ liệu thiết yếu, tạo nền tảng bứt phá trong quá trình chuyển đổi số (CĐS), nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước cũng như phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Căn cứ thực tế quá trình CĐS, xây dựng chính quyền số của các sở, ngành, địa phương, tỉnh quyết định tập trung số hóa dữ liệu bằng các việc làm cụ thể theo lộ trình: Xây dựng CSDL chuyên ngành; phân tích, xử lý dữ liệu; quản trị dữ liệu; bồi dưỡng nguồn nhân lực; kết nối, chia sẻ và bảo vệ an toàn dữ liệu; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương đồng loạt tiến hành phát triển dữ liệu số. Sở Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của tỉnh (Hệ thống IOC); xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; phát triển nền tảng làm việc số, đưa hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của người dân, doanh nghiệp lên trên môi trường điện tử, thiết bị di động; xây dựng hệ thống quản lý, lưu trữ phục vụ việc số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cho phép người dân sử dụng “đăng nhập một lần, trải nghiệm xuyên suốt”, đồng bộ các chức năng của các nền tảng số, dịch vụ số dùng chung. Cập nhật, bổ sung phương án đảm bảo an toàn thông tin cấp độ 3 cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ thực hiện CĐS và thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công an tỉnh tập trung cao độ thực hiện Đề án 06. Sở Y tế tập trung xây dựng bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện; hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn. Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng CSDL cấp, quản lý mã số vùng trồng. Sở Công Thương thực hiện số hóa CSDL các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2016 đến nay. Sở Giao thông Vận tải tiếp tục xây dựng CSDL lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và CSDL lĩnh vực đăng ký phương tiện thủy nội địa. Sở Tư pháp triển khai số hóa sổ hộ tịch và vận hành lý lịch tư pháp điện tử. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nâng cấp, phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật của Thư viện tỉnh và xây dựng CSDL về Thư viện tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) rà soát, tổng hợp, số hóa CSDL nhiệm vụ KH và CN để đồng bộ với CSDL nhiệm vụ KH và CN quốc gia, kiểm soát truy cập tập trung trên mạng truyền số liệu chuyên dùng, đảm bảo ổn định, thông suốt. Cục Thuế tỉnh tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân, sử dụng mã định danh cá nhân thay cho mã số thuế cá nhân. UBND các huyện, thành phố thực hiện CĐS trong các trường học tiểu học, THCS; mục tiêu đưa toàn bộ hoạt động quản lý của nhà trường, hoạt động giảng dạy của các thầy giáo, cô giáo và đưa mối quan hệ tương tác của các bậc phụ huynh với nhà trường, các thầy giáo, cô giáo cũng như đưa mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của học sinh lên trên môi trường điện tử. UBND thành phố Nam Định, UBND huyện Hải Hậu xây dựng Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành để tiên phong ứng dụng nền tảng làm việc số, đưa hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của người dân, doanh nghiệp lên trên môi trường điện tử, thiết bị di động.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng các phần mềm phục vụ việc tạo lập, cập nhật các CSDL như: CSDL kinh tế - xã hội tích hợp trong hệ thống báo cáo của tỉnh; các ngành chức năng đã hoàn thiện và triển khai các bộ CSDL quản lý đất đai; quản lý cán bộ công chức; quản lý giống cây trồng, mã số vùng trồng; CSDL báo cáo thống kê ngành thông tin và truyền thông; CSDL trong lĩnh vực văn hóa, thông tin; CSDL thi đua, khen thưởng trong lĩnh giáo dục; 12 trường tiểu học, THCS đang thực hiện số hóa; số hóa lý lịch tư pháp… Kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân đang tiếp tục được hoàn thiện, giúp công dân chủ động quản lý, sử dụng dữ liệu điện tử của cá nhân lưu trữ trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống một cửa điện tử của tỉnh; đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được mở rộng với 371 điểm đảm bảo về kỹ thuật, an toàn thông tin phục vụ việc kết nối, liên thông 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh và đến tất cả các sở, ngành, UBND 10 huyện, thành phố, UBND 226 xã, phường, thị trấn.

Việc đẩy mạnh số hóa các dữ liệu thiết yếu sẽ mang đến lợi ích căn bản, giúp tăng hiệu quả làm việc của chính quyền các cấp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước được nâng lên. Người dân và doanh nghiệp sẽ được cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến. Hơn thế nữa CSDL của các sở, ngành, địa phương phát triển là cơ sở để ngành chức năng triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp tỉnh nhằm tối ưu hóa hoạt động và có phương án quản trị, đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu một cách khoa học nhất. Phấn đấu ban hành kế hoạch về dữ liệu mở và cung cấp dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý Nhà nước, người dân, doanh nghiệp triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp để tối ưu hóa CSDL, tạo nền tảng bứt phá trong quá trình thực hiện CĐS của tỉnh.

Sỹ Thành ( Theo Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia)