Quán quân "Chung sức chung lòng" mùa 1 gọi tên Thầy Ơi! Trò À…

Trình diễn sân khấu nhạc kịch phiên bản Việt, thầy trò Công Danh đoạt ngôi vị cao nhất mùa thi; Thương đứt ruột người dân miền Tây qua câu chuyện của Gia Đình Miền Tây; Đại gia đình Huỳnh Thơ vỡ òa vì mẹ chấp nhận "tha thứ" trước giờ G...

Đêm chung kết diễn ra nhiều màu sắc, cảm xúc với những thông điệp ý nghĩa

"Chung sức chung lòng" là cuộc thi tìm kiếm tài năng với mô hình nhóm, các đội thi được thử sức đa dạng loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp đặc sắc nhất. 12 tập phát sóng là sự nỗ lực vượt qua những thử thách, bứt phá khỏi giới hạn để cho thấy sự đồng lòng - đồng sức của các thành viên trong mỗi nhóm.

Trải qua một hành trình dài với sự kết nối giữa các thành viên, bốn đội thi đã có một khoảng thời gian đáng nhớ. Tối qua (6/1), đêm chung kết xếp hạng "Chung sức chung lòng" đã diễn ra với những tiết mục đặc sắ, giàu cảm xúc, mang màu sắc riêng biệt, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa của bốn nhóm thi: Gia Đình Xứ Nghệ, Gia Đình Lia Thia, Gia Đình Miền Tây, Thầy Ơi! Trò À…  


Thầy Ơi, Trò À... với tiết mục mang phong cách nhạc kịch về tình thầy trò

Xuyên suốt các phần thi, Thầy Ơi! Trò À… vẫn luôn chú trọng khai thác vào chủ đề về tình thầy trò. Trong đêm chung kết, câu chuyện của họ về Đạo làm thầy - nghĩa làm trò tiếp tục gây xúc động cho người xem.

Kết hợp giữa sân khấu nhạc kịch cùng những văn hóa rất riêng, rất Việt Nam, đội Thầy Ơi! Trò À… đã đưa khán giả lên chuyến du hành thời gian từ quá khứ đến hiện tại. Tiết mục là nơi để những cô cậu học trò bày tỏ tấm lòng của mình: "Khi tụi con cần, thầy có - Khi thầy gặp khó, có tụi con" cùng thông điệp thầy cô không chỉ là người lái đò chở những kiến thức mà còn là những người bạn cùng đồng hành với các em.

Chia sẻ về bài thi này, Công Huy tiết lộ: "Ban đầu nhóm bị "bí ý tưởng" và đã phải lên kịch bản đến tận... năm lần". Diễn viên Công Danh cũng chia sẻ thêm: "Tại sao mình người Việt Nam lại không biến nhạc kịch nước ngoài trở thành cái đặc trưng của nước Việt?" và chính những sự sáng tạo đó đã giúp đội Thầy Ơi! Trò À mang đến tiết mục độc nhất, qua đó nhận về giải thưởng cao nhất.


Gia Đình Miền Tây gây xúc động về tình yêu quê hương, ruộng đồng

Trong khi đó, không còn gói gọi trong bối cảnh gia đình, Gia Đình Miền Tây đã tái hiện những thước phim đầy sống động qua "Nắng ấm trên quê hương".

Câu chuyện của nhà Kim Thoa - Phú Quí với tình cảm chân chất của những người con miền Tây đối với ruộng đồng, sự mong mỏi được "thoát cái nghèo" như đánh thẳng vào tâm lý mỗi người. Tiết mục cũng thể hiện cái tình cái nghĩa của con người, dù vất vả gian lao ra sao thì nghề nông vẫn luôn đáng quý, người nông dân luôn đáng được trân trọng.

Mặc dù không phải là câu chuyện thực của chính Gia Đình Miền Tây, nhưng là người dân nơi đây nên họ ít nhiều đã chứng kiến những hoàn cảnh rất đời trong tiết mục. "Đây ít nhiều cũng là câu chuyện thực, đôi khi trúng mùa nhưng đôi khi thất mùa, nhiều người nông dân cũng chán nản", vì thế mà, đôi khi họ "bỏ ruộng lên phố" để cuộc sống được thoải mái và bớt lận đận hơn. Tiết mục đã giúp Gia Đình Miền Tây trở thành Á quân của "Chung sức chung lòng" 2023.


Gia Đình Lia Thia cuối cùng cũng có được "Tết đoàn viên"

"Tết đoàn viên" của Gia Đình Lia Thia trở lại vòng chung kết với lời hứa sẽ nối tiếp phần 4 cho câu chuyện "tìm mẹ". Đội nhà Huỳnh Thơ không làm giám khảo và người xem thất vọng với cái kết quá đỗi ngọt ngào.

Đặc biệt, cô em út - MC Huỳnh Thơ đã trở thành điểm nối kết gia đình qua từng dòng tâm sự cvề những người anh chị, về ước mơ được hàn gắn cha mẹ. Chân thành nhưng đầy chua xót, MC Huỳnh Thơ đã khiến cả trường quay khóc nghẹn. Vòng thi cuối cùng này cũng chính là nét vẽ đẹp nhất khi gia đình đã đưa mẹ trở về, vẽ nên bức tranh ấm áp nhất về tình thân, về khát khao một cái "Tết đoàn viên".

"Thực ra ban đầu Gia Đình Lia Thia cũng đã luôn chỉ hướng về một mục đích đoàn viên như slogan của nhóm", MC Huỳnh Thơ kể thêm khi được hỏi về ý tưởng của tiết mục, cô cũng nghẹn ngào tiết lộ, rằng thật ra đến cận giờ diễn mẹ mới thực sự đồng ý tham gia chương trình nên những cảm xúc trên sân khấu không hề là diễn, mà đều là thật. Chung cuộc, Gia Đình Lia Thia đoạt giải Ba của "Chung sức chung lòng". 


Gia Đình Xứ Nghệ tiếp tục ghi dấu ấn với câu chuyện về tình thân

Cuối cùng, vẫn với chủ đề đề cao tình cảm gia đình, sân khấu đêm chung kết của Gia Đình Xứ Nghệ đong đầy tình thương của cha mẹ dành cho con cái, của ông bà dành cho các cháu qua tiết mục "Kết nối yêu thương - Quê hương xứ Nghệ".

Trong đó, chàng trai trẻ Đào Ngọc Sang luôn phải chịu biết bao áp lực, gặp nhiều khó khăn khi rời xa vòng tay gia đình, nhưng bước chân của anh vẫn không ngừng lại, vì anh biết phía sau chính là những lời động viên, sự ủng hộ của gia đình.

Câu chuyện của Gia Đình Xứ Nghệ đã truyền tải một thông điệp đầy nhân văn và giàu ý nghĩa: "Những khi mệt mỏi nhất, đừng quên còn có gia đình luôn ở phía sau". Nói về tiết mục của mình, Gia Đình Xứ Nghệ chia sẻ: "Thực ra đã có thay đổi về kịch bản trong phút chót". Đồng thời, vốn dĩ phần thi cuối sẽ có sự xuất hiện của cha, nhưng vì một vài lý do ngoài ý muốn mà cha không thể xuất hiện. Gia Đình Xứ Nghệ cũng trở thành đội thi giành giải Ba của chương trình. 

Thiên Bình