Phim tài liệu: Làng lưỡi câu với mùa nước nổi

Đồng bằng sông Cửu Long có một hiện tượng tự nhiên đặc biệt là mỗi năm có một mùa lũ. Không giống như lũ của miền Trung, miền Bắc thường là lũ quét, lũ ống xuất hiện đột ngột, sức tàn phá rất cao, chỉ gây tai họa. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện theo chu kỳ, nước lũ dâng trong một trình tự thời gian có thể dự báo khá chính xác.

Dù có gây ra thiệt hại, nhưng lũ cũng mang đến nhiều lợi ích đáng kể như: bổ sung lượng lớn phù sa cho đồng ruộng, giúp rửa chua, tháo phèn, làm trôi đi dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và côn trùng gây hại, tạo sinh cảnh kỳ thú cho phát triển du lịch, đặc biệt nguồn lợi thủy sản từ lũ mang về thật đáng kể, hàng trăm ngàn người đã sinh sống nhờ nguồn lợi này. Vì thế dân vùng ngập lũ ít khi gọi hiện tượng này là mùa lũ mà gọi là mùa nước nổi hay mùa cá lên.

Để khai thác tài nguyên do mùa nước nổi đem lại, nhiều nghề và làng nghề của người dân đồng bằng sông Cửu Long đã ra đời và phát triển qua hằng trăm năm. Làng lưỡi câu Mỹ Hòa là một trong những làng nghề như thế.

Nằm nép mình bên dòng kinh Long Xuyên - Núi Sập thuộc phường Mỹ Hòa, một phường ven đô của thành phố Long Xuyên, làng nghề này còn có tên gọi là xóm Mương Thợ Thi, được biết đến không chỉ tại tỉnh An Giang mà còn cả vùng đồng bằng và nhiều tỉnh duyên hải miền Trung với sản phẩm lưỡi câu đủ loại từ miệt đồng đến miền biển. 

Tồn tại cho đến nay đã trên dưới bảy chục năm, nghề lưỡi câu đã đem lại cho người dân làng Mỹ Hòa một công việc bán thời vụ khá ổn định, đặc biệt từ các em thiếu niên đến các cụ già đều có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất.


Người dân ở làng lưỡi câu Mỹ Hòa (Ảnh: Tin tức miền Tây)

Làng nghề lưỡi câu Mỹ Hòa là một trong nhiều ví dụ trực quan về việc người dân vùng lũ từ lâu đời không những đã sống chung mà còn biết khai thác rất hiệu quả những tài nguyên mà mùa lũ đã đem lại. Hàng năm chuẩn bị vào mùa nước nổi, đây là thời vụ cao đểm sản xuất của làng nghề.  Đến Mỹ Hòa vào thời vụ này, đi đâu ta cũng bắt gặp một không khí làm việc tất bật với tiếng máy chạy ro ro, tiếng búa tiếng đe như một bản hòa âm rầm rập, phấn chấn hay tiếng nói cười rộn rã khắp đầu trên xóm dưới.

Sản phẩm của làng lưỡi câu Mỹ Hòa rất đa dạng với khoảng năm mươi chủng loại, kích cỡ từ câu phượt, câu kiều, câu phi..., ngoài ra còn phải kể đến câu tôm, câu rắn, câu ếch… đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của nghề câu. Do chất lượng tốt với độ sắc bén, bền, vừa hiệu quả, vừa có giá thành hợp lý nên lưỡi câu Mỹ Hòa rất được tín nhiệm của người tiêu dùng. Không chỉ có mặt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, lưỡi câu Mỹ Hòa còn được bán sang  Campuchia, sang Lào. Nhiều thương lái từ Campuchia còn tìm đến đặt hàng để cung ứng lại cho ngư dân Thái Lan, Malaysia. Ngư dân Bình Thuận, Phú Yên và các tỉnh miền Trung cũng tìm vào tận nơi để đặt hàng lưỡi câu cá biển, nhất là loại lưỡi để câu cá ngừ đại dương.

Để tìm hiểu thêm về làng nghề độc đáo này, mời quý khán giả đón xem bộ phim tài liệu Làng lưỡi câu với mùa nước nổi, phát sóng lúc 8g thứ 4 (14/2, tức 29 Tết) trên kênh HTV9.

Lam Khanh