Tạp chí Văn nghệ

NSƯT Tấn Giao - Anh "kép bộ đội" đa tài

Mỗi khi nhắc đến NSƯT Tấn Giao, khán giả sẽ nhớ ngay đến một nghệ sĩ có giọng ca ngọt ngào như làn gió mát, hóa thân nhân vật chân thật và có hồn.

Sinh ra ở TP.HCM, nhưng quê ngoại ở Long An nên từ nhỏ Tấn Giao luôn ước mơ trở thành nghệ sĩ. Học xong lớp 12, Tấn Giao thi tuyển vào khóa học diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang. Từ thời đi học đã được thầy cô, đàn anh đàn chị đều là những nghệ sĩ gạo cội, giàu tâm huyết không chỉ truyền nghề mà còn cho anh vốn sống, hướng dẫn cách ăn nói, đi đứng chuẩn mực, sinh hoạt nề nếp.


Sau một thời gian khổ luyện, Tấn Giao đã hoàn thành khóa học với tấm bằng loại giỏi, nhưng do không xuất thân từ gia đình có truyền thống nghệ thuật nên Tấn Giao gặp nhiều khó khăn khi bước vào nghề. Anh duy trì niềm đam mê của mình bằng cách đi hát ở công viên Đầm Sen, Thảo Cầm Viên...

Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười với Tấn Giao khi đoàn cải lương xung kích thuộc Nhà hát Trần Hữu Trang ra đời. NSƯT Tấn Giao kể: "Đó là khoảng thời gian không thể nào quên của Tấn Giao. Vì trong thời gian đó mình vừa có nơi để làm nghề, vừa có điều kiện đem tuổi trẻ của mình đi phục vụ nhân dân ở các xã vùng sâu, vùng xa". Với Tấn Giao, nghề đã cho anh những may mắn và hạnh phúc, vì thế làm gì để có thể giúp ích cho đời, giúp người nghèo bớt khổ là anh vui và sẵn sàng tham gia.


Gần 30 năm theo nghệ thuật, NSƯT Tấn Giao cũng không nhớ mình đã hóa thân vào bao nhiêu nhân vật nhưng chắc chắn vai diễn Nguyễn Ái Quốc trong vở cải lương "Tổ quốc nơi cuối con đường" (Kịch bản: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) chiếm vị trí thật đặc biệt trong sự nghiệp của anh. Nói về vai diễn này, anh bày tỏ: "Tôi không cố gắng thể hiện tầm vóc một lãnh tụ mà chỉ truyền tải hình tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc thật dung dị, nhẹ nhàng".


NSƯT Tấn Giao sở hữu "bộ sưu tập đồ sộ" các giải thưởng, huy chương các cấp, nổi bật nhất là: Huy chương Vàng Giải thưởng Trần Hữu Trang 1996; giải thưởng cá nhân Liên hoan Sân khấu Đồng bằng sông Cửu Long 2002; giải Mai Vàng 2007; Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 1995, 2005, 2015, 2018… Với những nỗ lực không ngừng đó, anh đã được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2007.

Đâu đó từng có lời nhận xét rằng Tấn Giao không đa dạng, hay "chết vai" ở những nhân vật trong các tuồng đề tài cách mạng. NSƯT Tấn Giao lại nghĩ khác: "Tôi cho rằng đó là một lời khen. Vì mỗi nghệ sĩ làm nghề chỉ mong có vai diễn ấn tượng, có một cái tên hay một ấn tượng cụ thể gì đó với khán giả, với đồng nghiệp. Tất cả là niềm vui, niềm hạnh phúc của tôi, không có gì phải băn khoăn suy nghĩ hết" - NSƯT Tấn Giao bày tỏ.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7. 

Kim Quyên