Thời gian qua, khán giả mộ điệu cải lương đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi thưởng thức các bản cover nhạc trẻ thành những bản vọng cổ do NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết thể hiện. Phóng viên HTV đã có cuộc trò chuyện cùng cô về vấn đề này.
NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết với tâm huyết mang nghệ thuật truyền thống cải lương đến gần hơn với công chúng, nhất là khán giả trẻ (Ảnh: NVCC)
Phóng viên: Xin kính chào NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết, vừa qua, nghệ sĩ đã cho ra mắt một số bản cover các bài nhạc trẻ theo phong cách vọng cổ. Từ đâu nghệ sĩ có ý tưởng đó?
NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết: Đối với cá nhân tôi, làm nghệ thuật là phải luôn luôn mới. Vì vậy, tự làm mới mình mỗi ngày như đã trở thành kim chỉ nam trong suốt mấy mươi năm làm nghệ thuật của tôi.
Hoạt động bên lĩnh vực cải lương, nhưng tôi rất thích và thường xuyên nghe nhạc trẻ từ trong nước và ngoài nước. Khi lắng nghe những bài nhạc trẻ tôi chợt nhận ra “ngôn từ” mang tính thời đại, những câu hát ngắn gọn, khúc chiết đúng chất hiện đại. Rồi tôi tự hỏi tại sao mình không cover những bài nhạc trẻ với ngôn ngữ hiện đại thành những bài bản vọng cổ chứ?! Thế là những bài hát lần lượt được ra đời.
Từ ý tưởng đến việc thực hiện nghệ sĩ có gặp khó khăn nào không?
Nói theo cách tâm linh, tôi nghĩ là do Tổ nghiệp thương và giúp tôi hoàn thành những bài cover rất nhanh. Từ lời bài hát nhạc trẻ tôi đặt vào những bài bản tổ của cải lương một cách phù hợp đúng tâm trạng của bài hát.
Bên cạnh đó, khi cover cũng phải giữ lại đến hơn 80% lời gốc của bài hát. Có lẽ nhờ vậy những khán giả trẻ khi nghe là nhận biết ngay đó là bài hát nào.
Mục đích của việc cover các ca khúc nhạc trẻ theo cách hát vọng cổ là gì, thưa nghệ sĩ?
Tôi may mắn được học hỏi và được sự chỉ bảo tận tình của má Bảy Phùng Há và ba Năm Châu về sự mới mẻ và tính hiện đại của cải lương. Vì vậy, tôi chỉ đang áp dụng lời dạy của thầy cô mình về việc mang cải lương đến gần hơn công chúng trẻ, tiếp cận và mang hơi thở thời đại như đúng bản chất và vai trò của nghệ thuật cải lương từ lúc ra đời cho đến bây giờ.
Tự làm mới mình mỗi ngày đã trở thành kim chỉ nam trong suốt mấy mươi năm làm nghệ thuật của NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết (Ảnh: NVCC)
Khán giả trẻ đón nhận các sản phẩm của nghệ sĩ như thế nào?
Tôi luôn dành thời gian đọc tất cả bình luận của khán giả trên Youtube, báo chí hay các trang mạng xã hội. Ở đó, tôi cảm nhận được cái tình cũng như sự đồng cảm của khán giả. Đặc biệt là những bạn khán giả tuổi đời còn rất trẻ.
Họ vừa thích thú, động viên; đồng thời ủng hộ tôi tiếp tục cover những bài hát mới. Thậm chí, các bạn còn gợi ý và yêu cầu cover những bài hát đang hit hiện nay. Tận đáy lòng mình, tôi trân quý và biết ơn tình cảm của mọi người đã luôn yêu thương nghệ thuật cải lương.
Còn đối với khán giả cải lương truyền thống, họ phản ứng thế nào trước các sản phẩm mới của nghệ sĩ?
Khi thực hiện ý tưởng cover những bản hit nhạc trẻ thành vọng cổ là tôi chấp nhận phương án 50% người thích, 50% người không ủng hộ. Thế nhưng, sau bài “Em gái mưa” phiên bản vọng cổ ra mắt, số phần trăm tôi nhận được hơn hẳn những gì tôi dự đoán.
Khán giả cải lương truyền thống hay khán giả trẻ hiện nay, tuy có khác nhau về thế hệ và tuổi tác, thế nhưng tôi nghĩ hầu hết cùng chung quan điểm. Công chúng luôn cần sự trong sáng và tươi mới của bài ca vọng cổ.
Khi cover, tôi chọn lọc, sử dụng những bài bản âm nhạc đặc trưng, điển hình của nghệ thuật cải lương. Cộng với ca từ đẹp, mang tính hiện đại, tất cả hợp nhau khiến giá trị của bài hát được tôn vinh.
Trước khi thực hiện ý tưởng này, nghệ sĩ có nghĩ mình sẽ đối mặt với luồng dư luận không hay? Và cô đã chuẩn bị gì cho trường hợp này?
Tôi mất mẹ từ năm 8 tuổi. Để tự đứng vững, tôi luôn chủ động mọi việc và sẵn sàng chịu trách nhiệm làm những điều mình thích, đón nhận mọi kết quả (dù là tốt hay chưa hoàn thiện). Rất may mắn là được nhiều người đồng cảm, nhiều bình luận vô cùng đáng yêu, đáng học hỏi, suy ngẫm, sự chân thành bắt gặp ở những khán giả trẻ dành cho tôi cũng như bộ môn cải lương của dân tộc.
Đồng nghiệp nghĩ gì về bước đi này của nghệ sĩ?
Khi ra mắt những sản phẩm cover, tôi bất ngờ được báo chí truyền thông quan tâm. Đặc biệt, tôi còn nhận được rất nhiều cuộc gọi từ bạn bè, đồng nghiệp là nhạc sĩ, ca sĩ trẻ trong và ngoài nước yêu mến và chúc mừng. Trong đó, có nhiều bạn nghệ sĩ trẻ bày tỏ sự tâm đắc và yêu thích khi đi diễn cùng nhau.
NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết luôn chủ động và chịu trách nhiệm với những gì mình làm cũng như sẵn sàng đón nhận mọi kết quả, dù tốt hay xấu (Ảnh: NVCC)
Đứng ở góc độ là nhà nghiên cứu, người làm nghề, xin nghệ sĩ cho biết cải lương sẽ phát triển và tiếp cận với khán giả như thế nào? Đặc biệt là đối với khán giả trẻ, điều gì sẽ thu hút họ đến với cải lương?
Ông bà mình có câu “sự thật mất lòng”. Dẫu cho “mất lòng” , tôi cũng xin phép nhìn nhận ở góc độ “sự thật”. Hầu như nội dung của cải lương gần đây đang đi xa rời thực tế và thiếu tính “thời sự”. Chính những điều đó, khiến khán giả trẻ ít tiếp nhận và không còn thích thú theo dõi.
Được sự đồng tình của số đông sau loạt bài hit cover thành vọng cổ, tôi tự tin khẳng định rằng, giới trẻ hiện nay vẫn đang yêu mến và mong muốn đồng hành cùng cải lương. Vấn đề là bạn phải “cải cách” thế nào cho cải lương ngày càng gần gũi hơn với người trẻ, thể hiện, chia sẻ được những nỗi lòng, hoài bão của người trẻ thì tự khắc cải lương sẽ có một vị trí thật đẹp trong lòng khán giả thời đại mà thôi.
NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết có thể chia sẻ về những ý tưởng tiếp theo trong hành trình làm mới cải lương?
Hiện nay, mỗi ngày tôi luôn tìm tòi và làm nhiều điều mới cho mình vui, người vui. Hy vọng cái mới của mình trong nghệ thuật sẽ góp thêm môt đóa hoa, trong vườn hoa muôn màu vạn sắc của nghệ thuật và với niềm tin điều tốt đẹp vẫn đang nảy sinh trong cuộc sống đầy bộn bề, áp lực.
Xin cám ơn NSND - Tiến sĩ Bạch Tuyết đã dành thời gian chia sẻ cùng chúng tôi. Hy vọng những sản phẩm sắp tới của nghệ sĩ sẽ tiếp tục được công chúng đón nhận, thể hiện vai trò của nghệ thuật cải lương và thực hiện sứ mệnh mang cải lương đến gần với giới trẻ.
Thanh Nhàn