Tạp chí Văn nghệ

Nhà thiết kế Phạm Ngọc Anh và thương hiệu thời trang bền vững

Từ bỏ công việc của một Tiến sĩ khoa học để theo đuổi mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang. Với Phạm Ngọc Anh – chủ thương hiệu áo dài La Phạm – đó là quyết định khiến cô hạnh phúc, vì được sống đúng đam mê.

Phạm Ngọc Anh sinh ra trong gia đình có truyền thống nghiên cứu. Ngọc Anh nối nghiệp bố và định cư tại Thụy Sĩ. Nói về cơ duyên đến với thời trang, chị tâm sự: "Đó có thể nói là một cột mốc quan trọng trong cuộc đời thiết kế của tôi. Khi bắt tay phác thảo vài trang phục, ngọn lửa đam mê vẫn luôn le lói lâu nay lại được nhen nhóm và cháy lên. Vì vậy, dù gần 40 tuổi nhưng tôi vẫn quyết định quay trở về Việt Nam để sáng lập thương hiệu La Phạm - chuyên về áo dài vào năm 2016 và chính thức bước vào làng thời trang"


Đến với thời trang, chị đã thổi hồn vào những bộ trang phục do mình thiết kế một sắc màu rất riêng. Từng kiểu dáng, đường nét, màu sắc, hoa văn, điểm chấm phá trên trang phục đều được lấy cảm hứng từ những trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người... của những vùng đất mà chị từng đi qua.


Để gây dựng, phát triển thương hiệu thời trang thành công như hiện nay, đối với chị đó là sự nỗ lực rất lớn. "Ngành nào cũng nhiều khó khăn và áp lực cả. Đối với tôi thời trang là cái duyên, niềm đam mê và cũng chính là con đường để tôi tìm về với cội nguồn và văn hóa của Việt Nam. Bởi vậy nên sự áp lực cũng là cơ hội để tôi nỗ lực và không ngừng học hỏi. Tôi sống ở nước ngoài nhiều năm nên bị ảnh hưởng rất nhiều văn hóa phương Tây, chính vì vậy tôi muốn trong các thiết kế của mình phải là sự hội tụ của văn hóa Đông-Tây, phảng phất những giá trị truyền thống nhưng vẫn phù hợp với thời thế bây giờ" - chị nói. 


Sau 6 năm, các thiết kế từ chất liệu tự nhiên như vải gai, lụa hay thổ cẩm của chị bắt đầu được biết đến và bước ra thế giới. Ngọc Anh chia sẻ: "Ngoài sử dụng chất liệu bền vững, còn là việc sử dụng nguyên liệu bản địa. Tôi luôn cố gắng tái chế và thiết kế trang phục theo hướng thời điểm, có thể sử dụng qua nhiều năm, chứ không chỉ theo mùa. Tôi lang thang khắp các làng nghề truyền thống, trò chuyện, tìm kiếm cơ hội để có thể làm gì đó cho cuộc sống của những người dân ở khắp mọi miền. Sau đó, tôi theo đuổi các thiết kế từ chất liệu truyền thống được làm thủ công, tự nhiên hoàn toàn".


Trên hành trình khai phá các chất liệu tự nhiên ấy, Ngọc Anh đã phải lòng thổ cẩm: "Tôi thích thổ cẩm vì chất liệu này vừa đẹp, vừa đậm tính văn hóa. Ở Việt Nam, thổ cẩm chưa được ưa chuộng. Tôi nghĩ nếu mình ứng dụng trong các thiết kế thì rất hay". Một định hướng nữa trong tương lai của chị, đó là giúp các chất liệu vải tự nhiên của Việt Nam có được chứng chỉ quốc tế. Hiện tại, thương hiệu La Phạm của chị đang kiên trì thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, lưu giữ các nét đẹp văn hóa dân tộc thông qua thời trang bền vững.

Tạp chí Văn nghệ - 8g30 Chủ Nhật hàng tuần trên kênh HTV7.

Kim Quyên