Nghệ sĩ và trò chơi truyền hình

Tham gia game show hay không cũng là câu hỏi khiến nhiều nghệ sĩ trăn trở. Liệu việc này có giúp họ nổi tiếng hơn?

Ngày nay, việc nghệ sĩ tham gia trong các trò chơi truyền hình (game show) đã trở nên phổ biến. Họ là những người tài năng, có sở trường riêng trong một hoặc nhiều lĩnh vực nghệ thuật.

Nghệ sĩ thường khá đa tài. Ví dụ ca sĩ thì ngoài việc hát, họ còn có thể sáng tác, chơi nhạc cụ, nhảy múa… Diễn viên không những chỉ đóng phim mà còn có thể đàn, hát hoặc múa ba lê… Phần lớn người làm nghệ thuật là người có năng khiếu với nhiều môn trong lĩnh vực của mình. Do đó, nếu cộng thêm luyện tập và nỗ lực vươn lên thì họ có thể gặt hái được những thành công mỹ mãn. Khi cảm xúc thăng hoa, nghệ sĩ có thể sáng tạo được nhiều tác phẩm độc nhất vô nhị, khó có phiên bản thứ hai như vậy.

Game show là một chương trình truyền hình mà khi tham gia, những người chơi sẽ cùng cạnh tranh với nhau để giành giải thưởng. Thông thường các game show đều có định dạng (format) rõ ràng và chính xác. Ví dụ người dẫn chương trình sẽ đứng ở đâu, nói gì, hình ảnh xuất hiện dưới góc quay nào… Những người tham gia cũng phải tuân theo các quy tắc nhất định. Phần lớn những game show ở Việt Nam đều mua định dạng từ các nhà sản xuất nước ngoài, các chương trình được Việt hóa cho phù hợp nhưng vẫn phải giữ đúng định dạng gốc.

Các nghệ sĩ có mặt trong game show "2 ngày 1 đêm" của HTV.

Việc nghệ sĩ tham gia các game show có thể nhìn từ hai góc độ lợi và hại. Đối với nghệ sĩ, việc công chúng biết đến họ, nhớ đến họ, quan tâm đến họ là một thành công lớn. Khi tham gia chương trình, gương mặt của họ sẽ thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh, không chỉ trong phát sóng chính thức mà cả khi giới thiệu những đoạn phim đồng hành, bên lề, phía sau cánh gà, đón xem… trên mạng xã hội. Hơn nữa, khi có mặt trong chương trình và tham gia trả lời câu hỏi, thể hiện khả năng ứng biến, đối phó tình huống, nêu quan điểm cá nhân, biểu diễn… nghệ sĩ sẽ cho khán giả thấy những khía cạnh khác trong cuộc sống của họ bên ngoài sàn diễn. Rất nhiều nghệ sĩ đã có thêm số lượng lớn người hâm mộ sau khi tham gia game show. Ngoài tài năng mà công chúng đã biết, họ còn được khen ngợi về sự hiểu biết, thái độ ứng xử khéo léo, quan điểm sống đáng học hỏi hay những tài lẻ chưa biểu diễn bao giờ.

Nhưng khi mặt tốt được phô ra thì những hạn chế của nghệ sĩ cũng bị công chúng nhìn thấu. Có những ca sĩ hát rất hay nhưng tham gia trò chơi thì lại nhạt vì không có thể lực tốt, không biết giao lưu. Rồi nghệ sĩ ngồi ghế cố vấn mà không am hiểu nhiều về lĩnh vực tham gia, nhận xét chẳng đâu vào đâu khiến khán giả ngán ngẩm. Có những game show mà các nghệ sĩ tham gia phải đi cùng nhau, ăn, ở, ngủ, nghỉ, làm việc theo đội nhóm nên sẽ lòi ra một số tật xấu như tinh thần đồng đội kém, cái tôi quá lớn, dễ nổi giận, dễ hờn mát… Có nhiều nghệ sĩ phát biểu ý kiến khiến người xem hụt hẫng, mất hình tượng trước khán giả.

Các đài truyền hình luôn muốn mời nghệ sĩ tham gia game show vì nghệ sĩ thường có rất nhiều người hâm mộ, là khán giả có sẵn. Đó là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của chương trình. Hơn nữa, sự hiểu biết, thông minh, sắc sảo, hài hước, tế nhị hay những nỗ lực, cống hiến, tài năng nổi trội của nghệ sĩ sẽ mang đến nguồn sinh khí, sự hấp dẫn, ăn khách cho chương trình.

Game show là nơi để các nghệ sĩ tỏa sáng hoặc học hỏi và hoàn thiện bản thân, là cơ hội để tiếp thu kỹ năng từ những bậc đàn anh, đàn chị trong nghề. Nếu học cho tới thì sẽ thành công, nếu xem sân chơi này là nơi luyện tập thì không khéo sẽ mất người hâm mộ bởi công chúng thường chỉ muốn đón xem phiên bản hoàn hảo nhất của thần tượng.

Tham gia một cuộc chơi bao giờ cũng có cái được và cái mất. Hình ảnh đẹp của nghệ sĩ đã có được trong lòng công chúng là vốn quý chắt chiu bao nhiêu năm, xứng đáng để cân nhắc.

Trương Kiều Nga