Dốc cả gia tài, sức lực cho sân khấu, thành quả lớn nhất mà nghệ sĩ Ái Như gặt hái được là giúp cho nhiều nghệ sĩ trẻ có một nơi để nuôi dưỡng tình yêu sàn diễn và làm cho khán giả cảm thấy cuộc đời này quý giá hơn thông qua những vở diễn gắn với thương hiệu Hoàng Thái Thanh.
Chân dung nghệ sĩ Ái Như (Ảnh: Nguyễn Á - Nguyên Lộc)
Trước khi trở thành một người đứng mũi chịu sào ở Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Ái Như là một diễn viên - đạo diễn- tác giả được yêu thích của sân khấu kịch nói TP.Hồ Chí Minh khoảng giữa thập niên 1980 đến cuối 1990. So với nhiều đồng nghiệp, Ái Như bước vào con đường chuyên nghiệp hơi muộn, sau khi đã lập gia đình và trải qua những công việc khác nhau.
Năm 1987, Ái Như thi đỗ vào khoa đạo diễn trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh hiện nay) và chính thức theo đuổi nghiệp diễn xuất. Không có lợi thế về sắc vóc, song tài năng của Ái Như vẫn được biết đến qua nhiều vở kịch tâm lý xã hội về thân phận con người trên Sân khấu kịch 5B, Idecaf như Sân ga tình người, Người khách bất ngờ, Giải độc đắc, Một cuộc đời bị đánh cắp, Một câu chuyện đời, Người điên trong ngôi nhà cổ…
Cuối năm 1990, Ái Như tốt nghiệp khóa đạo diễn hạng ưu với vở Khúc nhạc lòng của vị mục sư. Chị từng được trao giải Mai Vàng năm 2006 và giải Cù nèo vàng năm 2011 cho hạng mục đạo diễn sân khấu.
Cảnh trong vở diễn "Bao giờ sông cạn"
Cách đây tròn 8 năm, Ái Như và Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội - người thầy, người đồng nghiệp chung chí hướng - cùng bắt tay xây dựng sân khấu riêng mang tên Hoàng Thái Thanh. Trải qua hai lần dời đổi địa điểm biểu diễn từ Nhà Văn hóa Thiếu nhi Thành phố (Q.3) về Nhà Văn hóa Thiếu nhi Quận 10, Hoàng Thái Thanh đã là một thương hiệu quen thuộc với đông đảo công chúng và mang màu sắc riêng với những vở kịch tâm lý xã hội thấm đẫm chất nghệ thuật và nhân văn.
Nhiều khán giả chia sẻ rằng, sau khi xem kịch của Hoàng Thái Thanh trở về, họ thấy yêu đời hơn và biết trân trọng giữ gìn các mối quan hệ hơn.
Trong những vở kịch của Hoàng Thái Thanh, Ái Như và Thành Hội không chỉ là “ông, bà bầu” dốc tiền túi ra dựng vở, trả tiền cát-xê cho diễn viên mà còn lăn xả với các vai trò như tác giả, đạo diễn, diễn viên chính, thứ, phụ…
Xem sân khấu như đứa con ruột, nơi gửi gắm đam mê trọn vẹn của mình, suốt 8 năm qua, để Hoàng Thái Thanh sáng đèn hằng tuần, Ái Như và Thành Hội phải vượt bao khó khăn, thử thách trong bối cảnh khán giả đến với sân khấu không còn đông như trước.
Cảnh trong vở diễn "Giấc mộng vàng son"
Đau đáu với tình hình chợ chiều của sân khấu, thừa nhận xu hướng khán giả thích xem để đỡ phải suy nghĩ nặng đầu, nhưng Ái Như và Hoàng Thái Thanh dù khó khăn vẫn quyết tâm đi đến cùng tiêu chí là xây dựng một dòng kịch tâm lý xã hội mổ xẻ số phận con người, khiến khán giả phải suy ngẫm và rút ra những bài học cho đời.
Cái giá phải trả cho sự kiên định tinh thần và xem sân khấu là “thánh đường” khi luôn giữ vững sự tử tế trong nghệ thuật đã khiến Ái Như và bạn đồng hành Thành Hội suốt 8 năm qua chưa lấy lại được số vốn bỏ ra. Với tình hình hiện tại, để có thể giữ cho sân khấu sáng đèn, họ vẫn phải cố gắng mỗi năm cho ra mắt ít nhất là ba vở vào ngày thường, cuối năm và dịp Tết.
Khi xem một vở diễn của Hoàng Thái Thanh, bạn có thể thấy phí tổn đầu tư là con số không nhỏ. Cũng có nhiều khi Ái Như tự hỏi mình cày cuốc lao nhọc vậy để làm gì, có ai đi buôn càng lúc càng lỗ mà vẫn cứ tiếp tục không? Gia đình xót xa, bản thân lao lực, bao lần muốn gục ngã vì cô đơn, Ái Như vẫn gắng bước trên con đường đã chọn.
Bên cạnh những vở diễn chất lượng, còn điều đáng kể nữa là với sự đào tạo của Ái Như và Thành Hội, thông qua những vở diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh, nhiều nghệ sĩ đã có được những vai để đời hay trở thành diễn viên có năng lực diễn xuất được cả người trong giới lẫn khán giả công nhận. Chẳng hạn như Hồng Ánh, Hoàng Vân Anh, Tuyết Thu, Mỹ Uyên, Trí Quang, Trương Minh Quốc Thái, Đoàn Thành Tài, Tuyết Mai, Lương Duyên, Quốc Thịnh và nhiều diễn viên trẻ như Công Danh, Thế Hải, Phương Trâm, Kim Hải... Họ xem Hoàng Thái Thanh như ngôi nhà của mình, cùng chia sẻ niềm đam mê, sự nỗ lực để sân khấu vẫn sáng đèn hằng tuần.
Cảnh trong vở diễn "Mơ trăng bóng nước"
Có câu “cơm áo không đùa với khách thơ”. Kinh doanh nghệ thuật càng không phải thuần túy để làm giàu. Thiết nghĩ, dù ở lĩnh vực tiền bạc, Ái Như không phải là một doanh nhân kinh doanh thành công, nhưng ở góc độ xây dựng thương hiệu và làm nghệ thuật thì rõ ràng thành quả mà chị gặt hái được là rất lớn và xứng đáng để tự hào.
Ái Như thường nói rằng: “Còn đủ sức thì còn theo đuổi đam mê. Nếu quá mệt thì sẽ dừng lại”! Nhưng lạc quan, giữ vững niềm tin là thông điệp mà kịch Hoàng Thái Thanh vẫn gieo vào lòng công chúng. Vì thế, mong sao Ái Như và những người đồng hành luôn đủ sức, đủ tâm huyết để “chèo lái” Hoàng Thái Thanh đi tiếp con đường đã chọn.
Khánh Hòa Bình