Tại Long An, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú trọng nhân rộng những mô hình hay, tấm gương sáng, tạo sự lan tỏa sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên (CBĐV) và các tầng lớp Nhân dân.
Cô Lê Thị Thủy đại diện cho Chi bộ Trường THCS Nhựt Tảo (TP.Tân An) nhận giấy khen của UBND TP.Tân An vì có thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, giai đoạn 2021-2024
Học theo Bác để vun đắp sự nghiệp “trồng người”
Hơn 30 năm công tác, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Nhựt Tảo, TP.Tân An - Lê Thị Thủy dành hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Cô là cán bộ quản lý giỏi, một trong những điển hình tiêu biểu được khen thưởng cấp tỉnh; Chi bộ trường được khen thưởng cấp thành phố trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cô Thủy chia sẻ, từ câu nói giản dị mà vô cùng sâu sắc của Bác “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”, mỗi CBĐV, giáo viên (GV) nhà trường luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, lời nói đi đôi với việc làm trong nhiệm vụ của mình. Chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường đưa việc học tập và làm theo gương Bác vào chương trình, kế hoạch hành động năm học; đồng thời, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) và các cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành GD&ĐT phát động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”;...
Xác định việc nâng cao chất lượng GD là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, cô dành nhiều thời gian cùng tập thể CB, GV, nhân viên trau dồi chuyên môn, phát huy vai trò sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ về các giải pháp nâng cao chất lượng GD nói chung. Nhờ vậy, liên tục trong nhiều năm học, trường luôn được cấp trên đánh giá cao và xếp ở tốp đầu khối THCS trong thành phố; một số chương trình, sáng kiến của trường được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh về tham quan, học tập.
Cô Thủy cho rằng, học theo gương Bác là học suốt đời, học từ những việc làm nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày để trở thành thói quen của mình. Với vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu, cô luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Từ đó, giúp cô bố trí, sắp xếp công việc một cách khoa học, phù hợp với năng lực của từng GV, bảo đảm phát huy cao nhất sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi người.
Với những nỗ lực, cô lãnh đạo tập thể đạt nhiều thành tích: Chi bộ 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhà trường nhiều năm liên tục đạt Tập thể lao động xuất sắc; năm học 2021-2022, trường đạt danh hiệu Cờ thi đua của Chính phủ. Riêng cô nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ địa phương đến Trung ương; là ĐV, viên chức nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam;...
Học theo Bác về tình yêu thương con người
Nhớ lời dạy của Người về y đức, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Long An - bác sĩ (BS) Cao Đình Chương tận tâm trong công tác, cùng tập thể Bệnh viện làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là trong đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Khi ấy, Đảng ủy Bệnh viện lựa chọn mô hình Chung sức, chung lòng quyết tâm cùng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh do Covid-19, bảo vệ sức khỏe Nhân dân để tập trung thực hiện. Là Bí thư Chi bộ khối Nội 2, BS Chương lĩnh hội tinh thần “chống dịch như chống giặc”, quán triệt tốt tư tưởng cho ĐV, đoàn viên, viên chức trong khối mình, sẵn sàng chia sẻ, tiếp ứng nhân lực,... BS Chương kể lại: “Sau khi dịch bệnh qua đi để lại rất nhiều khó khăn như thiếu thuốc, thiếu người,... Toàn bộ khoa cố gắng hết sức vượt qua khó khăn, thử thách để bảo đảm mục tiêu cuối cùng là chăm lo tốt cho sức khỏe của bệnh nhân”.
Làm việc tại Khoa Cấp cứu - nơi được xem là “đầu sóng ngọn gió”, bất kể ngày đêm, đội ngũ y, BS luôn túc trực 24/24 giờ, hàng ngày, phải đón nhận rất nhiều bệnh nhân với nhiều bệnh khác nhau. BS Chương trong vai trò của mình luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm để góp phần cùng tập thể “giành giật” lại sự sống cho bệnh nhân.
Với Đại đức Thích Thiện Phát - Trụ trì chùa Thạnh Đức, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, học tập và làm theo gương Bác chính là yêu thương con người, sự sẻ chia, làm việc thiện để cuộc sống, xã hội này ngày càng tốt đẹp hơn. Đại đức Thích Thiện Phát bộc bạch: “Là người tu hành theo đức Phật, tôi luôn theo hạnh nguyện cống hiến cao cả của đức Phật nên luôn quan tâm để kết nối, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn. Đó chính là việc tu tập, lòng từ bi của người con Phật. Khi lòng từ bi rộng hơn theo tháng năm, bạn sẽ cảm thấy cuộc đời này đầy niềm vui và hạnh phúc”. Vì lẽ đó mà suốt thời gian qua, Đại đức có nhiều việc thiện đóng góp cho đời: Hỗ trợ quà cho các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật; vận động kinh phí sửa đường giao thông nông thôn; trao tặng hàng ngàn suất cơm chay, bánh mì chay;...
Bản thân Đại đức hiến máu khoảng 40 lần, vận động phật tử cùng lan tỏa hành động này để tiếp sức cho bệnh nhân. Không những vậy, Đại đức còn trực tiếp đến những vùng sâu, vùng xa để làm việc thiện, gần đây nhất là hỗ trước nước sinh hoạt cho người dân ở vùng hạn, mặn.
Đưa không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến gần hơn với cộng đồng
Tháng 9/2023, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở UBND thị trấn, giúp việc tuyên truyền được thuận lợi và mang tính hệ thống hơn.
Trong ấn tượng của chúng tôi, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được trang trí khá bắt mắt. Đó là những tấm panô, áp phích về hình ảnh Bác Hồ, các tác phẩm bất hủ của Người như Di chúc, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh, Tuyên ngôn Độc lập,... Nhiều tác phẩm lý luận chỉ đạo đường lối cách mạng, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được trang trí ở chính diện theo bố cục khoa học.
Đặc biệt, CB, công chức hoặc người dân chỉ với chiếc điện thoại thông minh có thể dùng mã QR để tìm hiểu các tác phẩm về Bác. Đây là cách tuyên truyền ấn tượng, mang nét đặc trưng, chú trọng phát huy tối đa hiệu quả của thông tin tuyên truyền hiện đại, kết hợp các phương thức truyền thống.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Đông Thành - Huỳnh Thị Phương Quyên cho biết: “Sau khi đưa vào hoạt động, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xem là điểm mới, là nơi để CBĐV, đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn thị trấn đến tham quan, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; đồng thời, tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong việc học tập và làm theo gương Bác”.
Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đức Huệ - Phạm Thị Châu Hoàng thông tin, điểm nổi bật của huyện trong thực hiện Kết luận số 01 thời gian qua là xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của nhiều tập thể, cá nhân. Ngoài Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trên địa bàn huyện có các mô hình: Đảng ủy, chính quyền lắng nghe ý kiến Nhân dân; Thứ ba - ngày không viết; Chuyến xe nghĩa tình; Góp vốn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế; Người có giúp đỡ người khó; Bảo trợ xã hội suốt đời;...Bên cạnh đó, học tập và noi gương Bác gắn với thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong xây dựng các công trình giao thông nông thôn, chăm lo an sinh xã hội với kinh phí lên đến hàng tỉ đồng,...
Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều tấm gương tiêu biểu, tập thể điển hình trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Họ sống tốt, sống đẹp, làm được nhiều việc ý nghĩa, tô đẹp cho cuộc đời, là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là những “bông hoa” đẹp trong vườn hoa của Bác.
Báo Long An