Hãy để nụ cười mãi trên môi

Phụ nữ như những cánh hoa lung linh trong gió, mang vẻ đẹp dịu dàng đến cho cuộc đời và luôn là đề tài bất tận của thi ca, nhạc, họa. Họ xứng đáng được yêu thương và chia sẻ.

Đàn ông và phụ nữ vốn dĩ trời sinh đã khác nhau về hình dáng, sức khỏe, suy nghĩ. Tuy nhiên, họ lại cũng giống nhau vì đều là con người, đều biết làm việc, đều có cảm xúc buồn, vui, yêu, ghét như nhau. 

Do có sức khỏe hơn nên đàn ông mặc nhiên được xã hội thừa nhận là phái mạnh. Với đặc tính thích chải chuốt, õng ẹo, ưa làm nũng nên phụ nữ luôn được xem là phái yếu. Vì đã phân rõ mạnh yếu nên trách nhiệm của phái mạnh là phải bảo vệ, che chở cho phái yếu. Từ thời xa xưa, khi đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm cho đến ngày nay, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều nên suy nghĩ và quan điểm của con người cũng vì thế mà đổi thay. Giờ đây, phụ nữ và đàn ông đều có thể ngồi trong văn phòng cùng gõ máy tính hay cùng điều khiển các phương tiện, máy móc để trồng trọt, chăn nuôi ngoài cánh đồng… Vì vậy, sự khác biệt về sức khỏe tuy vẫn còn nhưng đó không phải là yếu tố then chốt dẫn đến sự khác nhau trong công việc. 


Đàn ông và phụ nữ đều mong muốn có công việc phù hợp để phát triển (Ảnh ST)

Như một thói quen, quan niệm về việc hưởng quyền lợi giữa đàn ông và phụ nữ vẫn không thay đổi nhiều. Khi tuyển dụng, các công ty vẫn thích nam hơn nữ, dù nữ có giỏi hơn nam trong cùng một công việc. Vì tuyển dụng nữ là phải chấp nhận việc họ làm việc vài năm sẽ kết hôn, mang thai, sinh con, nghỉ thai sản. Họ cũng khó có thể toàn tâm toàn ý lo cho công việc sau khi có con (cần ít nhất 10 năm để lo cho 2 đứa con).

Chia sẻ việc nhà giúp phụ nữ có nhiều thời gian hơn cho bản thân (Ảnh ST)

Ở châu Âu, mọi người đã có nhìn nhận công bằng hơn cho đàn ông và phụ nữ. Hai người lấy nhau sẽ cùng làm việc, cùng chăm sóc nhà cửa và con cái. Công việc trong gia đình được thỏa thuận và chia đều cho cả hai. Tôi có đến ăn một bữa tiệc gia đình tại nhà cô giáo người Thụy Điển. Sau khi ăn, chúng tôi đứng trò chuyện cùng cô giáo trong khi chồng cô dọn dẹp và xếp bát đĩa vào máy rửa. Ông bảo vợ đã chuẩn bị bữa ăn rồi nên trách nhiệm dọn dẹp là thuộc về ông.

Ở châu Á thì có khác hơn một chút, phần lớn mọi người đều cho rằng trong gia đình đàn ông là người có trách nhiệm làm việc và nuôi sống vợ con, người vợ chỉ cần làm việc bán thời gian hoặc nên ở nhà để chăm sóc gia đình và con cái. 

Tại Việt Nam, phụ nữ vẫn là nên ưu tiên lấy chồng, mang thai, sinh con hơn là theo đuổi sự nghiệp. Khi chồng kiếm đủ tiền lo cho cả nhà thì vợ nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái cũng là chuyện bình thường. Những câu tục ngữ như “Phụ nữ hơn nhau tấm chồng”, “Thuyền theo lái, gái theo chồng”, “Phía sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ” cũng phần nào nói rõ quan niệm chung của xã hội. Nếu lấy được người chồng có thể lo được cho mình và gia đình là thành công rồi. Lấy chồng là theo sự sắp xếp của chồng. Người chồng lo sự nghiệp thì việc nhà vợ phải lo là chuyện đương nhiên.


Phụ nữ cũng tham gia vào nhiều công việc trước đây chỉ dành cho đàn ông (Ảnh ST)

Ở Trung Quốc, một người phụ nữ được xem là thành công khi lấy được một tấm chồng và sinh con từ năm 25 tuổi. Sau 30 tuổi thì bị xem là “gái ế” hay “hàng tồn kho”. Dù có giỏi giang đến mấy thì sau hôn nhân cũng nên gác lại sự nghiệp, hy sinh bản thân để lo cho chồng con. Đây là quan niệm của phần lớn các ông bố, bà mẹ, họ hàng và cộng đồng xung quanh.

Tại Nhật Bản, người phụ nữ sau khi kết hôn sẽ ở nhà. Dù họ có học đến Tiến sĩ thì kiến thức ấy cũng chỉ dành để nuôi dạy con cái. Một người Nhật làm việc ở Việt Nam nói rằng vợ và con anh đi theo anh. Vợ anh cũng được “trả lương” để ở nhà phục vụ anh và chăm lo con cái cho tốt.

Trong chương trình phát sóng trên kênh KBS Hàn Quốc, một người phụ nữ đã khóc khi chồng mình tham gia chương trình dạy nấu ăn trên TV và nấu cho bà ấy một món ăn vô cùng đơn giản. Lý do là trong cuộc đời mình, bà chưa một lần được chồng nấu cho ăn.

Hình ảnh người phụ nữ thường gắn liền với công việc nội trợ (Ảnh ST)

Có những người phụ nữ nghỉ việc ở nhà chăm con là do chồng yêu cầu. Cũng có những người phụ nữ tự nguyện ở nhà lo cho gia đình. Ở đây không có đúng cũng không có sai. Nếu bản thân người phụ nữ cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình thì đó là điều tốt. Nhưng nếu có những phụ nữ vẫn thực sự muốn khẳng định bản thân và phát triển nghề nghiệp, tìm thấy niềm vui khi đi làm thì việc ở nhà sẽ khiến họ cảm thấy buồn chán. Hôn nhân là để cả hai người đều cảm thấy vui hơn, hạnh phúc hơn, yêu đời hơn. Như vậy phụ nữ thật thiệt thòi khi phải từ bỏ những gì mình mong muốn để cho chồng hài lòng. Liệu có nên đánh giá sự thành công của người đàn ông chỉ bằng vị trí mà anh ấy tạo dựng được trong sự nghiệp hay là nên đánh giá thêm thành công ấy qua sự hài lòng mà anh đem đến cho vợ con. Liệu có nên lấy sự thành đạt của người chồng để nhận định giá trị của một người phụ nữ hay hãy đánh giá họ bằng chính năng lực của họ? Liệu người đàn ông, dù thành công hay không thành công trong sự nghiệp thì cũng nên quan tâm, chăm sóc, chia sẻ với vợ con thay vì chỉ biết vùi đầu vào công việc hay rong ruổi theo đuổi những đam mê của mình để tất cả những việc lớn nhỏ trong nhà đều giao hết cho vợ.


Sự chia sẻ của bạn đời sẽ giúp chị em hạnh phúc hơn (Ảnh ST)

Phụ nữ - hay còn gọi là phái đẹp dù có yếu đuối, mong manh nhưng vẫn có những ước mơ hoài bão của riêng mình, vẫn mong muốn được đóng góp vào xã hội. Vì thế, họ xứng đáng được quan tâm, chia sẻ, nhất là từ người bạn đời để có thể cân đối hài hòa giữa công việc và gia đình, tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và mang tiếng cười hạnh phúc ấy lấp đầy khoảng trời chung.

Trương Kiều Nga