Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng và lâu đời thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Tranh Hàng Trống là dòng tranh dân gian nhưng lại mang tính bác học, là niềm tự hào một thời của người dân đất kinh kỳ Thăng Long. Đây là một trong ba dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam bên cạnh tranh điệp Đông Hồ và tranh đỏ Kim Hoàng. Sở dĩ gọi là tranh Hàng Trống vì loại tranh này được sản xuất tập trung ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Tranh Hàng Trống có thể chia làm các dòng tranh như: tranh thờ, tranh sinh hoạt - thiên nhiên, tranh truyện và tranh vui. Khá nhiều tranh Hàng Trống đã đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam, không thể trộn lẫn.
Ông Lê Đình Nghiên - năm nay 76 tuổi được xem là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. Ông thuộc thế hệ thứ ba của một gia đình có truyền thống làm tranh lâu đời và là người duy nhất của cả dòng họ làm tranh cho đến hôm nay. Năm 1972, nghệ nhân Lê Đình Nghiên được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mời về để phục chế tranh Hàng Trống và đây cũng là cơ hội để ông được sống với nghề gia truyền.
Vài năm gần đây, nhiều người trẻ đã bắt đầu chú ý gìn giữ những giá trị truyền thống, tranh Hàng Trống dần lấy lại vị trí trong sinh hoạt văn hóa nước nhà.
Tranh thờ mang mầu sắc tôn giáo, hình tượng được thể hiện là con người và vật tuy gần gũi mà vẫn rất thần bí. Nổi tiếng có “Ngũ Hổ”, “Bạch Hổ”, “Hắc Hổ”, “Đức Thánh Trần”, “Ông Hoàng Ba”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “ Tứ Phủ Công Đồng”, “Tam Phủ”…
Ông Lê Đình Nghiên (76 tuổi) được xem là nghệ nhân cuối cùng của tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống in tranh chỉ dùng ván khắc gỗ in nét tranh trên chất liệu giấy dó
Người “ra mẫu” tranh thường là người giỏi nhất
của từng nhóm thợ, rất tinh tế, giàu kinh nghiệm, nên khi đặt bút vẽ
trên tờ giấy bản là lập tức hiện ra hình ảnh như bay như múa
Người vẽ mẫu cũng là người đặt lời trên tranh
Chữ trên tranh phải đạt mức: làm rõ nghĩa của tranh, làm cân đối thêm bố cục tác phẩm, mà không bị rườm rà
Sau khi đã có được bản in hoàn chỉnh thì người
vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tùy
theo nội dung, đường nét và các loại tranh
Do cách tô màu bằng tay (vờn màu bằng tay, nét cản) nên tranh Hàng Trống có đặc điểm ở mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng
Minh Anh - Hải Chuyên