Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.
Trong những năm miền Bắc giải phóng, bước đầu cải tạo và xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội, tâm trạng thời bình, biểu hiện suy thoái và cá nhân chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không dừng lại ở hiện tượng đơn lẻ mà trở thành nguy cơ của một Đảng cầm quyền. Một số cán bộ thờ ơ với đạo đức cách mạng và mắc các khuyết điểm như: muốn nghỉ ngơi, sợ gian khổ, ngại công việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật, muốn tiêu xài rộng rãi, thích phô trương, lãng phí, tham ô, hủ hóa, ghen tị địa vị, quan liêu, bao biện, không tin vào lực lượng quần chúng... Sớm tiên liệu được tình hình đó, tháng 12-1958, Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Ðạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 12, với bút danh Trần Lực. Tác phẩm được Nhà xuất bản Sự thật in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12-1958.
Bàn về vai trò, vị trí của đạo đức cách mạng, Người khẳng định: Sự phát triển của các phương thức sản xuất và sự tiến bộ của xã hội loài người từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến chế độ cộng sản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lịch sử, xã hội xuất hiện giai cấp, cuộc đấu tranh giai cấp giữa những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, giữa “bọn phong kiến địa chủ, bọn tư bản và đế quốc”(1) và “những tầng lớp người khác, nhất là công nhân và nông dân” ngày càng quyết liệt. Vì vậy, để giành lấy thắng lợi trong cuộc đấu tranh đó, cách mạng nhất định phải do giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản lãnh đạo, vì đó là giai cấp tiên tiến nhất, giác ngộ nhất, kiên quyết nhất, có kỷ luật nhất và tổ chức chặt chẽ nhất. Từ đó, Người nhận thấy yêu cầu người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng. Người viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(2). Đạo đức cách mạng giúp mỗi người khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ", không lo kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hoá, v.v.
Trong tác phẩm này, nội dung của đạo đức cách mạng được Người tiếp tục làm rõ, đó là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”; luôn “đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình... Ra sức học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(3). “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu”(4). Người cho rằng, mỗi người cách mạng phải hiểu sâu sắc: Đảng ta là một đội ngũ tiên tiến nhất và tổ chức chặt chẽ nhất của giai cấp công nhân, đồng thời là người lãnh đạo cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử vừa cải tạo thế giới và nhiệm vụ tự cải tạo bản thân mình. Vì vậy trong bối cảnh nhân dân miền Bắc tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ tiến lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời chi viện cho miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng, hơn bao giờ hết, càng cần phải có những người cách mạng, thấm nhuần đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Người đã phát hiện những trở lực đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đồng thời đánh giá về tính chất, tác hại của từng trở lực. Người viết: “Kẻ địch gồm có ba loại. Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”(5).
Trong tác phẩm này, chủ nghĩa cá nhân được Người khái quát một cách toàn diện, cụ thể. Người nhấn mạnh: Trong thời đại văn minh, mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội. “Do đó, chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng, chủ nghĩa cá nhân nhất định phải tiêu diệt”(6). Người giải thích rất rõ, rất cụ thể, dễ hiểu về khái niệm chủ nghĩa cá nhân: chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Chủ nghĩa cá nhân là “vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ”(7); “là một thứ rất gian xảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”8. Người cảnh báo: “Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”(9).
Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên: Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Người xem nó là một thứ vi trùng mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí, v.v. trói buộc, bịt mắt những nạn nhân của nó, khuyến khích lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân, không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Khẳng định “chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội”(10), Người kết luận: “thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”(11) và cách thức để gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, chống lại chủ nghĩa cá nhân là phải rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thường xuyên, liên tục, ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi.
Hơn 55 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Đạo đức cách mạng", những điều Người tâm huyết, những chỉ dẫn kịp thời của Người về những vấn đề có tính nguyên tắc để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng, chống chủ nghĩa cá nhân vẫn còn nguyên giá trị. Trong tình hình hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì tác phẩm Ðạo đức cách mạng tiếp tục là lý luận soi đường, chỉ đạo thực tiễn công tác xây dựng đảng về đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng ta xứng đáng là đạo đức, là văn minh, là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.
------------------------------
(1, 2) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB CTQG, H.2011, tập 11, tr. 601.(3) Sách đã dẫn (Sđd), tr. 603.(4, 5) Sđd, tr. 606.(6) Sđd, tr. 600.(7, 8, 9) Sđd, tr. 602.(10, 11) Sđd, tr. 609.
Đỗ Thị Thu Hà - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong