Tiếp tục hành trình khám phá vùng địa đầu Tổ quốc trong tập 17 “Cùng nhau nếm cả thế gian”, mời khán giả cùng MC Hoàng Phi tìm hiểu về làng dệt Lùng Tám ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang!
Lùng Tám là làng dệt thủ công nổi tiếng nhất tại Tây Bắc
Làng dệt lanh thổ cẩm Lùng Tám thuộc xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang). Đây làng dệt thủ công nổi tiếng nhất tại Tây Bắc.
Người phụ nữ Mông sinh ra, lớn lên phải biết trồng lanh, dệt vải. Ngoài dệt vải may áo, sợi lanh còn được dùng để làm nhà, thay thế cho dây thừng. Bởi người Mông cho rằng cây lanh có sức sống vĩnh cửu. Dùng sợi lanh buộc với ý nghĩa hy vọng ngôi nhà sẽ được vững bền.
Hoàng Phi tìm hiểu về nghề dệt vải lanh
Đồng bào người Mông thường trồng lanh vào tháng 2 âm lịch. Khi trồng lanh phải chọn ngày tốt, kiêng gieo đầu tháng, chỉ gieo vào những ngày giữa đến cuối tháng. Khi đi gieo phải có đủ 2 vợ chồng, chồng đi trước cuốc đất vun thành luống, vợ đi sau rải phân gieo hạt lấp đất. Cây lanh được trồng ở những nơi thoáng đãng và khuất gió. Đất trồng được cày bừa tơi xốp, nhặt sạch cỏ, bón phân chu đáo. Cây lanh mọc nhanh và khỏe. Sau khi trồng hơn 2 tháng thì người dân có thể thu hoạch.
Thân cây lanh mang về nhà sẽ được phơi khoảng 10 ngày nắng và 4 đêm sương để vỏ lanh săn lại, mềm và dai. Khi phơi phải tránh gió mùa Đông Bắc vì gió làm cho lanh khô, giảm độ bền. Sau khi phơi xong, vỏ lanh được tước thành những sợi dài dọc theo chiều thân cây. Mỗi sợi dài khoảng 1 - 1,5m. Sợi lanh sau khi được tước ra sẽ bó thành từng nắm treo dài trước cửa rồi đem cuộn tròn, cho vào cối giã cho đến khi sợi lanh mềm, uốn cong rồi cuộn lại thành những con sợi lớn.
“Cùng nhau nếm cả thế gian” mang đến cho khán giả cơ hội hòa mình vào những hành trình khám phá khắp mọi miền Tổ quốc, qua đó hiểu thêm về văn hóa bản địa cũng như thưởng thức những món đặc sản dân dã ngây ngất lòng người. Chương trình được phát sóng lúc 19 giờ 30 phút thứ Bảy hằng tuần trên kênh HTV7. Mời quý vị đón theo dõi!
Bạch Dương