Không chỉ là một cuộc thi, Chuông vàng vọng cổ còn là nơi để học hỏi, trau dồi kĩ năng đối với những người yêu cải lương nói riêng và là nguồn cảm hứng cho những trái tim yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung.
Chương trình Chuông vàng vọng cổ bao năm qua đã giúp những người đam mê cải lương, những khán giả mộ điệu có cơ hội học hỏi thêm kĩ năng ca hát, trình diễn, truyền tải cảm xúc giúp họ nắm bắt được tinh hoa của loại hình nghệ thuật này.
Chị Đinh Thị Gái biểu diễn tại CLB cải lương xã Hiệp Phước
Chị Đinh Thị Gái - người sáng lập câu lạc bộ cải lương tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM, chia sẻ về niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật truyền thống và sự quan tâm đặc biệt đến cuộc thi Chuông vàng vọng cổ. Việc theo dõi chương trình trong nhiều năm đã giúp chị học được cách luyến láy và các kĩ thuật biểu diễn sáng tạo của những thí sinh trẻ. Với những kiến thức này, chị Đinh Thị Gái đã áp dụng và điều chỉnh cho phù hợp với phong cách biểu diễn riêng của bản thân, đồng thời lan tỏa đến những người bạn cùng tham gia câu lạc bộ.
Là một thành viên của câu lạc bộ cải lương do chị Đinh Thị Gái thành lập, chị Võ Thị Kim Đương tiết lộ: “Bên cạnh việc thưởng thức chương trình Chuông vàng vọng cổ vì yêu thích, tôi thường chú ý đến những điểm nổi bật trong kỹ thuật hát cải lương của các thí sinh, lắng nghe nhận xét của Ban giám khảo sau mỗi tiết mục. Từ đó, tôi đúc kết ra những kiến thức và kinh nghiệm biểu diễn cho bản thân”. Mặc dù mới tham gia trình diễn bộ môn cải lương chưa lâu, chị Kim Đương đã cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong khả năng ca hát nhờ vào việc thường xuyên theo dõi Chuông vàng vọng cổ.
Chị Võ Thị Kim Đương theo dõi Chuông vàng vọng cổ để học hỏi, trau dồi kĩ năng
Đối với anh Nguyễn Quốc Chánh - thành viên câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc FTI thuộc trường Đại học FPT, Chuông vàng vọng cổ không chỉ là một cuộc thi mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những sáng tạo nghệ thuật truyền thống. Quốc Chánh cho biết, anh bén duyên với bộ môn đàn tranh từ năm đầu đại học. Dù chỉ mới theo dõi Chuông vàng vọng cổ trong 2 năm gần đây, nhưng anh đã thu được nhiều thông tin hữu ích từ chương trình, giúp cải thiện khả năng biểu diễn của mình.
Ngay cả khi không phải là một nghệ sĩ cải lương, chàng sinh viên trẻ Quốc Chánh vẫn xem chương trình để học hỏi kinh nghiệm và kiến thức, nhằm nâng cao kĩ thuật chơi nhạc cụ dân tộc. Quốc Chánh cho rằng, các thí sinh trong cuộc thi thường ghi dấu ấn với những màn trình diễn độc đáo và sáng tạo trong cải lương, điều này có thể mang đến cảm hứng cho những người chơi đàn tranh thử nghiệm các phong cách biểu diễn mới.
Chuông vàng vọng cổ là nguồn cảm hứng sáng tạo trong biểu diễn nhạc cụ dân tộc đối với sinh viên Nguyễn Quốc Chánh
Đồng quan điểm với Quốc Chánh, anh Lương Phạm Việt Anh - thành viên câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc FTI tại trường Đại học FPT, cũng đã được truyền nhiều cảm hứng thông qua những tiết mục của các thí sinh trong chương trình Chuông vàng vọng cổ. Việt Anh đã học hỏi phong cách trình diễn, bên cạnh đó nâng cao kĩ năng trong bộ môn thổi sáo sao cho đúng nhịp phách.
Việt Anh nhận thấy các thí sinh trên sóng truyền hình đã truyền tải cảm xúc cá nhân rất hoàn hảo trong những phần thể hiện của họ. Điều này đã giúp anh cải thiện cách thức biểu đạt cảm xúc qua những lần biểu diễn nhạc cụ dân tộc.
Việt Anh học phong cách trình diễn và kĩ năng truyền tải cảm xúc khi xem các tiết mục của thí sinh
Có thể thấy, Chuông vàng vọng cổ đã và đang đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương. Chương trình giúp mọi người, dù là người mới bắt đầu yêu thích hay người hâm mộ lâu năm, đều tìm thấy nguồn cảm hứng và kiến thức cần thiết để nuôi dưỡng tình yêu với cải lương nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung.
Chuông vàng vọng cổ, với sứ mệnh gìn giữ và phát huy tinh hoa nghệ thuật dân tộc, chắc chắn sẽ tiếp tục là ngọn đèn soi sáng cho những người đam mê và khát khao khám phá những giá trị quý báu của văn hóa Việt Nam.
Thế Mỹ (Ảnh: NVCC)