Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2020

Chuyến hành trình "Trở về từ trăm năm"

Phim tài liệu “Trở về từ trăm năm” của đạo diễn Nguyễn Việt Bình kể về số phận di sản văn hóa: họa phẩm “Vân Tiên cổ tích truyện”.

Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) đã trình chiếu bộ phim tài liệu Trở về từ trăm năm nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp. Bộ phim vừa đạt Bằng khen tại Liên hoan Truyền hình Toàn quốc 2020.

Khi văn hóa mạnh hơn cả sự sống và cái chết

Chúng ta có may mắn được tiếp xúc với hai nền văn hoá lớn nhất trong lịch sử nhân loại là văn hoá phương Đông của người Trung Hoa và văn hoá phương Tây của người Pháp. Có điều, hai nền văn hoá đấy, giao thoa cùng văn hoá Việt trong hoàn cảnh lịch sử rất trớ trêu: thời kỳ nước ta bị xâm lược, đô hộ, thành thuộc địa.

Nhưng vượt qua những yếu tố đó của lịch sử, chúng ta vẫn chắt lọc được rất nhiều tinh hoa để ngày hôm nay cùng gìn giữ và phát triển đồng thời giao hòa, tiếp biến, mở ra vận hội mới cho văn học và mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, bản thảo truyện tranh Lục Vân Tiên là minh chứng của sự gặp gỡ, hội nhập văn hóa Việt - Pháp nửa cuối thế kỷ 19.

Những tâm hồn đồng điệu, như: Nguyễn Đình Chiểu (tác giả Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên) -  Abel des Michels (chuyển ngữ truyện Lục Vân Tiên sang Pháp văn) - Eugène Gibert (ý tưởng họa phẩm Lục Vân Tiên) và Nguyễn Đức Trạch (nghệ nhân Sở Hội họa Tượng cục triều đình Huế vẽ tranh Lục Vân Tiên) đã có cơ hội gặp gỡ, nối tiếp nhau, mang niềm đam mê, tìm tòi sáng tạo và cống hiến sức mình cho nền nghệ thuật...

Bộ bản thảo truyện tranh cổ đầu tiên của Việt Nam “Vân Tiên cổ tích truyện” do Eugène Gibert (sĩ quan pháo binh hải quân trẻ người Pháp) và Nguyễn Đức Trạch (nghệ nhân cung đình Huế) thực hiện và ra đời tại Việt Nam (từ 1895 - 1897). Nghệ nhân Lê Đức Trạch không dựa vào bản dịch của Abel des Michels mà sử dụng văn bản chữ Nôm của Lăng Vân Đường phát hành tại Huế năm thứ nhất triều vua Đồng Khánh 1886 - văn bản gần với nguyên tác để vẽ. Vì thế, bản thảo truyện tranh “Vân Tiên cổ tích truyện” đẹp một cách hoàn hảo.

"Vân Tiên cổ tích truyện" có tranh minh họa từ năm 1897 được xuất bản thành sách vào năm 2016 

Năm 1897 bản thảo truyện tranh “Vân Tiên cổ tích truyện” hoàn thành và được Eugène Gibert đem trở về Pháp. Ông mang theo tập bản thảo truyện tranh trao cho Paul Pelliot - Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Paris - Pháp ngày 26/5/1899. Mãi sau hơn một thế kỷ, tháng 4/2011, Giáo sư Phan Huy Lê và những người bạn: Giáo sư Philippe Papin (Trường cao học Thực hành Paris), Tiến sĩ Olivier Tessier và Tiến sĩ Pascal Bourdeaux (Viện Viễn Đông Bác cổ Việt Nam) nhận diện tập bản thảo truyện tranh “Vân Tiên Cổ tích truyện” còn nguyên vẹn và lập dự án bảo tồn.

Thời gian là thước đo giá trị cuộc sống

Bộ phim tài liệu Trở về từ trăm năm do TFS sản xuất năm 2020, được đạo diễn Nguyễn Việt Bình biên kịch với thời lượng 20 phút đã truyền tải đến người xem câu chuyện đặc biệt về số phận di sản văn hóa nước nhà - họa phẩm “Vân Tiên cổ tích truyện”. Theo dõi câu chuyện được truyền tải dưới góc nhìn nghệ thuật, người xem sẽ thu về nhiều nhận định và cả câu câu trả lời cho các câu hỏi:

- Vì sao người Pháp lại chọn dịch truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên chứ không phải tác phẩm nào khác?

- Vì sao lại chọn họa pháp của nghệ nhân cung đình là ông Lê Đức Trạch, mà không phải là họa sĩ người Pháp vẽ?

- Tại sao hơn trăm năm một di sản quý bị bỏ quên nơi xứ xa?

 

Mỹ Hạnh