Tại Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Chuyển đổi số xanh - Tăng trưởng bền vững”, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức khai mạc Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024.
Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024.
Sự kiện diễn ra nhằm kết nối B2B (business to business), B2B2C (business to business to customer), thúc đẩy chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp, và các diễn giả, chuyên gia.
Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024 là sự kiện kết nối B2B về chuyển đổi số, được tổ chức thường niên từ năm 2023, hướng đến giới thiệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, các giải pháp về chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động, vận hành, quản lý của các doanh nghiệp.Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, marketing, truyền thông, bán hàng cho các doanh nghiệp, tổ chức.
Theo các chuyên gia, xu hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi số được chú trọng truyền tải từ kiến thức cơ bản, đến những tiêu chuẩn, đo lường, và hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ ESG (môi trường-xã hội-quản trị) được đặc biệt thông tin đậm nét.
Báo cáo khảo sát CEO toàn cầu lần thứ 27 của PwC cho thấy, 45% CEO toàn cầu không tự tin liệu doanh nghiệp có thể “sống sót” được trong thập kỷ tới hay không nếu vẫn tiếp tục con đường phát triển như hiện nay. Con số này tăng hơn 6% so với kết quả khảo sát năm 2023 là 39%.
Trước sự thay đổi, biến động rất lớn về các điều kiện kinh tế, chính trị toàn cầu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là giải pháp tất yếu cho sự phát triển bền vững.
Cũng theo kết quả khảo sát này, 3 động lực lớn nhất của việc thực hiện ESG của doanh nghiệp là: cải thiện hình ảnh, thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp (78%); duy trì cạnh tranh trên thị trường (63%); áp lực từ nhà đầu tư (40%). Áp lực từ Chính phủ không phải là gánh nặng thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện ESG với chỉ 28% người lựa chọn trả lời.
Tại hội nghị và triển lãm, các chuyên gia của Viện tiêu chuẩn Anh (BSI) cho rằng, chuyển đổi số là tăng khả năng thích ứng, chống chịu; chuyển đổi xanh là giảm phát thải, tăng trưởng xanh giúp phát triển bền vững.
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là cặp “song sinh” chuyển đổi quan trọng nhất. Muốn xanh phải dùng số, không có số thì không thể chuyển nhanh. Nếu không dùng công nghệ xanh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và hủy hoại trái đất.
Vì vậy, 80% các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch đầu tư cho ESG, và 60% doanh nghiệp coi ESG là trọng tâm chủ chốt hoặc tiêu chí chủ chốt trong việc lựa chọn và ưu tiên các sáng kiến số
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, Chính phủ cam kết rất mạnh mẽ về NetZero. Các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu đã bắt đầu áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon - những rào cản, tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, về ESG đối với các hàng hóa, dịch vụ, giải pháp nhập khẩu.
Ngay cả các doanh nghiệp công nghệ, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho Nhật, châu Âu cũng đã bắt đầu phải khai báo, đáp ứng những tiêu chuẩn về ESG cho đối tác hằng năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ, ngoài việc phải triển khai chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thực hành ESG cho mình, còn gánh thêm trọng trách, nỗ lực hỗ trợ khách hàng chuyển đổi.
Trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm Biztech Việt Nam 2024, còn diễn ra 6 hội thảo chuyên đề: Quản trị doanh nghiệp 4.0; Chuyển đổi số quản trị khách hàng-CRM; Martech - Tăng lợi thế cạnh tranh; Tăng trưởng đột phá với E-Commerce & Social Commerce; Chuyển đổi số xanh cho doanh nghiệp sản xuất; Hội thảo tập huấn và tư vấn về ESG.
Sỹ Thành ( Theo Báo Nhân Dân)