Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch – Đầu tư) vừa tổ chức hội thảo báo cáo thường niên chuyển đổi số tại Hà Nội, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước tham gia.
Ông Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội thảo.
Theo ông Nguyễn Đức Trung (phó Cục trưởng cục phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ KHĐT), với sự nóng lên toàn cầu, giai đoạn 2021-2023, Việt Nam đã tập trung nâng cao chuyển đổi số (CĐS) cho doanh nghiệp từ ngân sách chính phủ và tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Các doanh nghiệp Việt đang trong giai đoạn số hoá dữ liệu, chuẩn hoá quy trình nên nhà nước hỗ trợ nhiều hoạt động giúp doanh nghiệp chọn giải pháp sản xuất và kinh doanh theo chuẩn CĐS, cùng sự chung tay của các đối tác chiến lược, các bộ như Nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, logistics, vận tải…
Nhiều sự khởi sắc
Về xu hướng chuyển đổi kép trên thế giới, thuật ngữ “Chuyển đổi kép” (CĐK) và xu hướng CĐS kết hợp chuyển đổi xanh trở nên ngày càng quan trọng, với các sáng kiến xoay quanh ba trụ cột chính: tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm thiểu hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Cụ thể Bộ KHĐT đã tuyên truyền mô hình CĐK của các quốc gia phát triển như Đức, Singapore, Thuỵ Sĩ, Hàn Quốc. Chẳng hạn như Singapore đã xanh hoá các trung tâm dữ liệu, toà nhà thông minh, toà nhà xanh, nhiều công nghệ đột phá như AI, điện toán đám mây…
Để giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận với xu hướng trên, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên (chuyên viên Cục phát triển doanh nghiệp – Bộ KHĐT) cho biết, Bộ KHĐT đã thiết kế bộ 7 khía cạnh để phân tích mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Sau khi khảo sát 500 doanh nghiệp, kết quả cho thấy mức độ sẵn sàng được cải thiện đáng kể, đạt ngưỡng điểm trên trung bình (>2.5) với mức tăng từ 0.7-1.4 điểm so với năm trước. Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của CĐS. Tuy nhiên doanh nghiệp khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình CĐS, hỗ trợ ứng dụng giải pháp CĐS phù hợp là thực sự cần thiết để doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Vẫn còn nhiều thách thức
Một đại diện nhà cung cấp phần mềm kế toán cho biết: “Chúng tôi đang cung cấp giải pháp CĐS cho các khối chính phủ, doanh nghiệp và người dân; Cung cấp giải pháp cho thị trường Việt Nam và 22 quốc gia khác. Trong quá trình 3-4 năm qua, khi hỗ trợ cho 300.000 DN vừa và nhỏ, tôi thấy rõ tư duy nhận thức, sự quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo và quản lý, bằng chứng là doanh thu dịch vụ, tỷ lệ khai thác dịch vụ, marketing bán hàng, vận hành sản xuất… tăng cả số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên có hai điểm hạn chế là, mặc dù mức độ nhận thức cao nhưng chưa áp dụng đầy đủ, chỉ mới áp dụng một phần cho hoạt động nghiệp vụ doanh nghiệp mà thôi”.
Như vậy, theo quan điểm của chuyên gia, các doanh nghiệp dịch vụ chỉ áp dụng cho bán hàng, doanh nghiệp sản xuất chỉ tập trung mảng sản xuất. Điều này không sai, chỉ là chưa đáp ứng được kỳ vọng về CĐS. Doanh nghiệp nên được tư vấn, đã ứng dụng một phần cốt lõi nên tận dụng luôn các mảng còn lại để tạo sự toàn diện cho hoạt động doanh nghiệp. Thứ hai là, phần kết nối và liên kết trong hoạt động nội bộ của doanh nghiệp còn yếu, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu, tấn công mạng… Hiện tại, doanh nghiệp chỉ quan tâm bảo vệ phần dữ liệu đang có chứ chưa nghĩ đến việc khai thác dữ liệu đó để tạo ra giá trị trong CĐS. Các doanh nghiệp đang có rất nhiều dữ liệu về con người, kinh doanh, tài chính… nhưng chưa biết sử dụng triệt để.
“Trong năm qua, chúng tôi đã phối hợp với ngân hàng tài chính trong và ngoài nước để giúp cho doanh nghiệp có thể khai thác các dữ liệu của mình, chẳng hạn sử dụng hoá đơn điện tử như là một tài sản để đem đi vay vốn tín chấp ngân hàng cho hoạt động doanh nghiệp”. Về phía Misa cam kết sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp sử dụng miễn phí trong giai đoạn đầu từ 6 -12 tháng các nền tảng sử dụng số phù hợp cốt lõi, từ cái nhỏ nhất như chữ ký số, hợp đồng điện tử… tới các giải pháp như quản trị tài chính, nhân sự, marketing bán hàng…
Tương tự, đại diện nhà cung cấp nền tảng viễn thông cũng cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng miễn phí từ 6-12 tháng các giải pháp về công nghệ (văn phòng điện tử, đào tạo trực tuyến, quản lý nhân sự, kê khai bảo hiểm trực tuyến, quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng…) và viễn thông như tổng đài di dộng, SMS marketing trong giai đoạn 2023-2025.
Về phía doanh nghiệp, nhiều ý kiến đồng tình rằng, CĐS là thuật ngữ nghe đã nhiều nhưng ứng dụng chi tiết còn khá lúng túng. Doanh nghiệp bỏ tiền mua giải pháp nhưng không chắc về hiệu quả mang lại, nên chăng, Cục phát triển doanh nghiệp nên làm đầu mối để đấu thầu công khai (kiểm duyệt cơ bản) các đơn vị cung cấp như đấu thầu thuốc trong ngành y tế để doanh nghiệp có sự lựa chọn mà không phải đắn đo hoặc so sánh khi sử dụng. Cục cũng nên có cơ chế đánh giá, đo lường các nhà cung cấp hàng năm.
Theo Đảng cộng sản