Người lạ hiểu lòng tôi - Tập 11

Cha luôn là chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ

Không chỉ có mẹ, cha luôn là điểm tựa tinh thần cho cả gia đình. Tuy có thể không ngọt ngào như mẹ, nhưng tình yêu thương "khô khan" của cha luôn được thể hiện qua hành động cụ thể, sẵn sàng sát cánh cùng con qua những khó khăn trong cuộc sống.

Gia đình “Người lạ hiểu lòng tôi” lần này đã tề tựu đầy đủ 4 thành viên và tiếp tục mở đầu bằng cuộc trò chuyện rôm rả. Sau khi tìm ra được khách mời là Trần Phong thông qua trò chơi ghép chữ, cũng như cảm hứng từ việc Trần Phong diễn cảnh tìm con, các nghệ sĩ nảy ra ý tưởng chọn chủ đề “Cha”. Theo nghệ sĩ Đại Nghĩa: “Nói về mẹ thì nhiều người nói, hoặc chúng ta rất dễ có cảm xúc để nói. Nhưng khi nói về cha, mọi người lại nghĩ về những điều khô khan và ít chia sẻ, dù công cha nghĩa mẹ đều như nhau!”. Ý kiến hợp lý của đàn anh đã được tất cả đàn em đồng tình.

Cuộc trò chuyện hài hước chào đón khách mời của các thành viên

Nói về cha, Trần Phong cho biết cha anh là một đầu bếp và công việc này được truyền dạy từ ông nội. Đến Trần Phong, anh quyết định học y, sau đó lại rẽ hướng sang nghệ thuật. Chính sự thay đổi hướng đi này đã tạo nên sự mâu thuẫn giữa hai cha con. Bất ngờ, nam diễn viên trẻ không kiềm được cảm xúc: “Lúc đó, em muốn đi kiếm tiền. Thời điểm đó, gia đình lại khó khăn và em thì lại có cơ hội đóng phim, vào vai chính. Em nghĩ đây là cơ hội lớn để kiếm tiền hỗ trợ gia đình”.

Dù đã có khởi điểm khá tốt nhưng sự bất hòa trong gia đình vẫn còn đó. Trải qua thêm một thời gian, Trần Phong dần có những thành công nhất định, đặc biệt là sự rực sáng qua nhân vật Dũng trong phim “Mắt biếc” đình đám đã khiến cha của anh cảm thấy tự hào về con trai.

Trần Phong cảm nhận được sự tự hào của cha dành cho mình

Về Ngọc Lan, cô đã mồ côi cha từ sớm và những ký ức về cha chỉ được thể hiện qua hình ảnh lẫn lời kể của mẹ. Cha rất thương nữ nghệ sĩ, Ngọc Lan nói: “Cha em rất mê con gái. Cứ mỗi lần đi làm về, cha đưa em lên cao bằng một tay và cứ giỡn với em như vậy suốt!”. Ngoài việc nằm mơ thấy cha, Ngọc Lan cho biết trong quá trình trưởng thành thì việc cô thường làm chính là nói chuyện với cha qua di ảnh trên bàn thờ. Đối vơi cô, cha luôn hiện diện và phù hộ cho các thành viên trong gia đình.

Đối với Ngọc Lan, cha luôn hiện diện bên cạnh gia đình 

Bùi Công Nam cảm nhận về cha là một người ít bày tỏ, nhưng luôn là người bảo vệ con cái. Những việc lớn như học tập, sự nghiệp trong cuộc đời Bùi Công Nam thì cha luôn là người anh chọn để tâm sự.  Đây cũng là điểm tương đồng đối với Đại Nghĩa khi cha cũng rất ít khi tâm sự với anh, dù ông rất tự hào về người con trai của mình. Đại Nghĩa nói thêm: “Cha là người ảnh hưởng rất lớn đến con đường sự nghiệp của anh. Cha là người tài hoa. cái gì cũng biết và anh được thừa hưởng máu nghệ thuật ấy”.

Bùi Công Nam luôn nỗ lực báo hiếu cho cha

Cha chính là nguồn cảm hứng trong sự nghiệp của Đại Nghĩa

Quay trở lại với những mâu thuẫn không đáng có trong gia đình, Huỳnh Lập cho biết anh đã từng “bỏ nhà đi bụi” vì một câu nói của cha. Huỳnh Lập hồi tưởng về thời điểm kinh tế gia đình bấp bênh. Thời điểm ấy, anh sống nổi loạn, bất cần vì trầm cảm. Giữa anh và gia đình thường không thể chia sẻ với nhau, khiến mọi việc dần tệ hơn. Sau câu nói “Tao không nuôi mày nữa” của cha, Huỳnh Lập bị ám ảnh. Bồng bột tuổi trẻ, anh viết tâm thư và bỏ nhà, phiêu bạt khắp nơi.

Sau khi cả nhà nhận ra vấn đề, các thành viên lập tức nhắn tin cho đứa con trai dại khờ. Huỳnh Lập nhớ lại: “Lúc đó tin nhắn của nhà đến dồn dập, mà em sợ và không biết trả lời như nào. Nhưng lại là những dòng tâm thư ‘Con đừng giận’. Đó không phải là những tin nhắn chửi rủa mà là những tin an ủi, động viên. Em đọc xong và nhận ra là ba mẹ không có ghét mình!”. Sau đó, mọi chuyện ổn định, gia đình Huỳnh Lập không còn tiếng mắng chửi mà chỉ còn những lời chia sẻ, hạnh phúc. 

Sau lần "đi bụi", Huỳnh Lập nhận ra gia đình luôn yêu thương mình

Duy Dương