Thời sự Thứ Tư 16/07/2025, 15:54

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị

HOÀNG YẾN - VÂN ANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV

(HTV) - "Người làm nghề nói" trên các nền tảng số như MC, KOL, livestreamer nếu thiếu hiểu biết pháp luật có thể đối mặt với rủi ro pháp lý nghiêm trọng. Ba nhóm quy định quan trọng và nguyên tắc phòng ngừa là những kiến thức bắt buộc phải nắm rõ để hành nghề an toàn và chuyên nghiệp.

"Nghề nói" hiện nay không còn giới hạn trên sân khấu hay trường quay mà lan rộng trên nhiều nền tảng số. Dưới góc độ pháp luật, người hành nghề “nói” cần hiểu rõ các yếu tố pháp lý cũng như phải có bản lĩnh chính trị.

Luật sư Hà Hải nhấn mạnh, bản lĩnh chính trị là khả năng nhận thức, tình cảm và hành vi chính trị đã phát triển đến mức tự giác, giúp một người hoặc một cộng đồng làm chủ được tình hình, đưa ra các quyết định và hành động đúng đắn trong các tình huống phức tạp. Điều này gắn bó mật thiết với những người làm nghề dẫn chương trình, sáng tạo nội dung bằng lời nói.

Tại diễn đàn với chủ đề “An toàn cho nghề nói trên đa nền tảng” diễn ra tại trường Đại học Hoa Sen, trong khuôn khổ dự án “Gương mặt truyền hình 2025” với chủ đề “Tiếng nói tạo tiếng vang”, Luật sư Hà Hải - Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM đã thẳng thắn trao đổi cùng nhiều MC trẻ, các nhân sự đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và ứng dụng từ nghề nói những thông tin pháp lý hiệu quả.

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị- Ảnh 1.

Diễn đàn với chủ đề “An toàn cho nghề nói trên đa nền tảng” diễn ra tại trường Đại học Hoa Sen

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị- Ảnh 2.

Luật sư Hà Hải chia sẻ tại diễn đàn trong khuôn khổ dự án “Gương mặt truyền hình 2025” với chủ đề “Tiếng nói tạo tiếng vang”

Ba nhóm quy định pháp lý người làm nghề nói cần đặc biệt lưu ý:

Theo Luật sư Hà Hải, người làm nghề nói trên đa nền tảng cần nhận thức rõ ba khía cạnh pháp lý quan trọng.

Nhóm quy định thứ nhất:

Theo khoản 30 Điều 3 Nghị định 147/2024/NĐ-CP (nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng), “livestream (phát trực tuyến) là tính năng cho phép các tài khoản trên mạng xã hội hoặc các nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử truyền tải trực tuyến các nội dung, dữ liệu dưới dạng âm thanh, hình ảnh theo thời gian thực”. Đặc biệt, điểm d khoản 6 Điều 24 của Nghị định còn quy định rõ chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép mới được cung cấp tính năng livestream hoặc các hoạt động có doanh thu phát sinh dưới mọi hình thức. Đối với người dùng cá nhân, điểm e khoản 3 Điều 23 cũng nêu rõ: “chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải, bình luận, chia sẻ, livestream”. Như vậy, điều đầu tiên mà người làm nghề nói trên đa nền tảng phải quan tâm chính là có đang hoạt động trên nền tảng hợp pháp không, tài khoản đã xác thực chưa, hoạt động livestream có vượt quá giới hạn pháp luật cho phép không.

Nhóm quy định thứ hai:

Nội dung phát ngôn phải kiểm chứng chính xác và tôn trọng danh dự, uy tín của các nhân, tổ chức khác. Trong Bộ luật Dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (gọi tắt là BLDS) có quy định liên quan đến các hoạt động hành nghề “nói”, tại Điều 34, 38 về quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền nhân thân, quyền riêng tư; Điều 584 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại; Điều 12, khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2025 yêu cầu các nội dung quảng cáo đảm bảo tính trung thực, chính xác, rõ ràng, tránh đưa thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng;

Nhóm quy định thứ ba:

Người làm nghề “nói” phải tuyệt đối tuân thủ quy định về quyền tác giả. Căn cứ Điều 20 và Điều 21 cùng khoản 6 và khoản 7, Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2022), mọi hành vi sử dụng tác phẩm (bao gồm kịch bản chương trình, bản ghi âm, bản ghi hình, format nội dung), mà chưa được sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu đều bị nghiêm cấm. Việc sao chép, trích dẫn, sử dụng một phần hay toàn bộ nội dung tác phẩm mà không có thỏa thuận, không có hợp đồng cấp phép rõ ràng hoặc không trả thù lao theo thỏa thuận đều có thể bị xử lý dân sự với biện pháp yêu cầu bồi thường thiệt hại, cải chính, gỡ bỏ nội dung hoặc thậm chí xử phạt hành chính theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP và Nghị định xử phạt vi phạm về quyền tác giả.

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị- Ảnh 3.

Nhiều câu hỏi thẳng thắn được đưa ra về việc phát ngôn quảng cáo trên nền tảng số

Hậu quả pháp lý từ những lời nói tưởng chừng vô hại

Trong thực tế hành nghề, Luật sư Hà Hải cho biết ông đã đã trực tiếp tư vấn và chứng kiến nhiều vụ việc đáng tiếc. Một số KOLs nổi tiếng vì muốn thu hút người tiêu dùng, vì lợi ích cá nhân mà quảng cáo sản phẩm sai về hàm lượng hoặc thổi phồng công dụng của sản phẩm. Ví dụ điển hình là vụ kiện 1 viên kẹo rau củ tương đương một đĩa rau của các KOLs nổi tiếng. Sau đó phải tổ chức họp báo xin lỗi, nhận trách nhiệm, cơ quan chức năng thanh tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hoặc, trường hợp gần đây “hàng giả, kém chất lượng” đang phổ biến, các MC, KOLs, những người hành nghề “nói” trên đa nền tảng phải hết sức cẩn thận và kiểm chứng sản phẩm trước khi quảng cáo hoặc nhận hợp tác truyền thông có thể dẫn đến quảng cáo sai sự thật, hoặc quảng cáo hàng giả mà không biết, hoặc biết nhưng vì lợi ích cá nhân vẫn thực hiện hành vi trên vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt từ 60-80 triệu đồng đối với cá nhân và gấp 2 lần đối với tổ chức. Trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng, nghệ sĩ, KOL, KOC có thể bị phạt cải tạo không giam giữ lên đến 3 năm hoặc phạt tiền từ 10-100 triệu đồng nếu tái phạm. Việc một người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt với người cao tuổi, người bệnh hoặc những người tiêu dùng thiếu kiến thức y tế.

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị- Ảnh 4.

Người trẻ tranh thủ cơ hội đối thoại và học hỏi thêm về các quy tắc pháp lý với luật sư chuyên môn tại diễn đàn

Ba nguyên tắc “phòng thân” dành cho người hành nghề nói

Những câu chuyện trên là minh chứng sống động: dù bạn là MC, BTV truyền hình, KOL livestream hay hành nghề “nói” bằng các hình thức khác ở đa nền tảng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mà thiếu hiểu biết về pháp luật thì một lời nói sơ suất hoặc một hoạt động livestream quảng cáo mà không kiểm định có thể kéo theo rắc rối pháp lý và kéo theo đó là các thiệt hại nghiêm trọng.

Từ góc độ pháp luật, có thể khái quát thành 03 nguyên tắc cốt lõi để người hành nghề “nói” bảo đảm tính an toàn pháp lý, chuyên nghiệp, và thực hành nghề nghiệp một cách có trách nhiệm:

Nguyên tắc thứ nhất:

Phải kiểm chứng đầy đủ tính xác thực của thông tin trước khi công bố trước truyền thông. Điều này không chỉ là yêu cầu đạo đức nghề nghiệp, mà còn là nghĩa vụ pháp lý theo điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, theo đó nghiêm cấm hành vi cung cấp, truyền đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân. Mọi tổ chức, cá nhân đưa tin giả, phát tán thông tin sai lệch trên không gian mạng đều phải tự chịu trách nhiệm dân sự, hành chính, thậm chí hình sự, tuỳ mức độ hậu quả gây ra.

Nguyên tắc thứ hai:

Minh bạch hóa lợi ích thương mại khi phát ngôn liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi, bổ sung 2025) quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân quảng cáo phải bảo đảm thông tin trung thực, chính xác, không gây nhầm lẫn về công dụng, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các nội dung mang tính thương mại (PR, quảng bá) phải được công khai minh bạch, để người tiêu dùng nhận biết rõ đó là quảng cáo, tránh lừa dối hoặc làm sai lệch hành vi lựa chọn.

Nguyên tắc thứ ba:

Tôn trọng quyền nhân thân và quyền tác giả, trích dẫn nguồn rõ ràng, hoặc sử dụng tài nguyên miễn phí hợp pháp. Bộ luật Dân sự bảo vệ danh dự, nhân phẩm; Luật Sở hữu trí tuệ bảo vệ nhạc, hình ảnh, clip của người khác. Nếu không xin phép, không ghi rõ nguồn, người hành nghề “nói” có thể bị mất uy tín và xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân khác.

“Nghề nói không chỉ là nghề của đam mê hay thu nhập, mà là nghề đặt bạn trước công chúng, dưới ánh sáng pháp luật” - Luật sư Hà Hải nhấn mạnh. Theo ông, với sức ảnh hưởng mạnh mẽ, những người làm nghề nói – từ MC đến KOL, podcaster – cần hiểu rằng mỗi phát ngôn, mỗi lời giới thiệu sản phẩm đều có thể tác động đến hàng ngàn người tiêu dùng. Hành nghề không hiểu luật là tự đưa mình vào rủi ro, thậm chí kéo theo tổn thất cho cộng đồng.

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị- Ảnh 5.

Luật sư Hà Hải đề xuất thêm cần có bộ quy tắc phát ngôn và ứng xử dành riêng cho người làm nghề nói

Luật sư Hà Hải đề xuất thêm đã đến lúc cần có bộ quy tắc phát ngôn và ứng xử dành riêng cho người làm nghề nói như một khung đạo đức nghề nghiệp, đồng thời là “hàng rào pháp lý” giúp cộng đồng hành nghề vững vàng hơn trong kỷ nguyên số. Điều này không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng mà còn góp phần xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, văn minh - nơi tiếng nói không chỉ vang xa mà còn lan tỏa giá trị tích cực đến cộng đồng.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9


Tin liên quan

Đảm bảo hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân ngay từ chính quyền cơ sở

Đảm bảo hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân ngay từ chính quyền cơ sở

(HTV) - Dù đang ở giai đoạn đầu vận hành, không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng, nhưng các phường trên địa bàn TP.HCM đã thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực từ việc bố trí nhân sự, trang bị cơ sở vật chất đến tâm thế sẵn sàng phục vụ.

Chính quyền 2 cấp tại TP.HCM: Hiệu quả dần rõ từ cơ sở

Chính quyền 2 cấp tại TP.HCM: Hiệu quả dần rõ từ cơ sở

(HTV) - Sau sắp xếp tổ chức, nhiều phường tại TP.HCM đang từng bước khẳng định hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, với tinh thần sát dân, phục vụ chuyên nghiệp và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Có thể bạn sẽ thích

Dự báo thời tiết TP.HCM ngày 16/7/2025

Thời sự 21:00 15/07/2025

(HTV) - TP.HCM có mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Gió tây nam cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Thị trường 16/7/2025: Giá vàng giảm sâu, xăng dầu trong nước bất ngờ tăng giá

Thị trường 16/7/2025: Giá vàng giảm sâu, xăng dầu trong nước bất ngờ tăng giá

Kinh tế 10:40 16/07/2025

(HTV) - Giá vàng trong nước giảm mạnh, xuống gần mốc 121 triệu đồng/lượng, trong khi giá thế giới chỉ nhích nhẹ. Trái chiều, giá xăng dầu trong nước vừa tăng dù giá dầu thế giới đang giảm.

TP.HCM: Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng với 681 tài nguyên đa dạng

Văn hóa - Giải trí 20:28 15/07/2025

(HTV) - TP.HCM đang khai thác tiềm năng du lịch khổng lồ với 681 tài nguyên đa dạng. Kế thừa thành công chương trình "Mỗi quận huyện một sản phẩm" với hơn 60 sản phẩm du lịch đã được khai thác, thành phố tiếp tục định hình các tuyến trải nghiệm độc đáo, biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh.

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị

"Người làm nghề nói" cần rèn luyện bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị

Thời sự 15:54 16/07/2025

(HTV) - "Người làm nghề nói" trên các nền tảng số như MC, KOL, livestreamer nếu thiếu hiểu biết pháp luật có thể đối mặt với rủi ro pháp lý nghiêm trọng. Ba nhóm quy định quan trọng và nguyên tắc phòng ngừa là những kiến thức bắt buộc phải nắm rõ để hành nghề an toàn và chuyên nghiệp.

Xem thêm