Sau gần hai tháng án binh bất động và xuất khẩu dè chừng sang thị trường Mỹ do lo ngại mức thuế suất 46% ban đầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang lạc quan hơn khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng mới cho một số mặt hàng của Việt Nam là 20%. Mức thuế mới này được kỳ vọng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với các đối thủ trong khu vực, mở ra cánh cửa cho nhiều cơ hội mới.

Mức thuế quan mới đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Với mức thuế suất 20%, Việt Nam đang sở hữu lợi thế rất nhiều so với các nước trong khu vực và trở thành điểm đến tiềm năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt từ các thị trường lớn như Mỹ.

Sự chênh lệch về thuế quan trở thành một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam
Minh chứng cho lợi thế này là câu chuyện của Công ty TNHH Kondo Việt Nam, một doanh nghiệp sản xuất cơ khí đến từ Nhật Bản. Ông Sawato Yoshiharu - Giám đốc Quản lý Sản xuất và Kinh doanh, Công ty TNHH Kondo Việt Nam, chia sẻ: "Hiện nay, thuế quan đối với hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ đang ở mức 20%. Đây là một lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam như chúng tôi. Trong bối cảnh chúng tôi không cạnh tranh trong phạm vi nội địa mà đang cạnh tranh trên thị trường quốc tế, sự chênh lệch về thuế quan so với các quốc gia khác đã trở thành một yếu tố tích cực, gia tăng năng lực cạnh tranh".
Ông Yoshiharu bày tỏ lòng biết ơn đối với Chính phủ Việt Nam: "Chúng tôi rất cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì chính sách ngoại giao với Mỹ đã mang lại kết quả này. Theo chiến lược kinh doanh năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng khách hàng tại thị trường châu Âu và Mỹ, nên đây là một cơ hội rất thuận lợi". Năm 2024, Kondo Việt Nam đạt doanh thu 6 triệu USD và đặt mục tiêu 10 triệu USD vào năm 2026, một mục tiêu được cho là khả thi nhờ những chính sách thuế mới có lợi cho Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tài - Chuyên gia kinh tế: "Chưa bao giờ có cơ hội tốt như lần này".
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: "Trong tình hình bất ổn như hiện nay thì việc duy trì mức 20% được lâu, tuy nhiên vẫn có nguy cơ".
Nhằm hạn chế rủi ro bị áp thuế trung chuyển 40%, Việt Nam đã và đang tăng cường các nỗ lực chống gian lận xuất xứ. Theo Chỉ thị 09 của Chính phủ, Bộ Công Thương đang gia tăng kiểm tra, giám sát nguồn gốc hàng hóa, nhấn mạnh việc thực thi và xác minh giấy chứng nhận xuất xứ một cách chặt chẽ hơn.

Việt Nam đang dần trở thành điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài, với những lợi thế mới về thuế quan
Áp lực chứng minh sản phẩm thuần Việt sẽ trở thành động lực để các doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn cung ứng linh kiện và nguyên liệu, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển. Đây là bước đi quan trọng để Việt Nam không chỉ tận dụng lợi thế thuế quan mà còn nâng cao năng lực sản xuất và giá trị chuỗi cung ứng nội địa.
Email:
Mã xác nhận: