Tạp chí HTV Thứ Hai 12/02/2018, 09:17

Hình tượng con chó trong văn hóa dân gian

Hương Thủy (tổng hợp)

Từ lâu đời, con chó đã được xem là một trong số vật nuôi thân thiết gắn bó với con người, bởi những đức tính tốt của nó như: trung thành, thông minh, biết quan tâm đến gia chủ, biết canh nhà giữ của… Không chỉ trong cuộc sống mà từ lâu chó đã được xem là một hình tượng tiêu biểu trong văn hóa dân gian, tín ngưỡng và tâm linh của con người. Trên trống đồng Đông Sơn và một số đồ đồng khác, con chó được khắc ở nhiều tư thế và trạng thái khác nhau như con đang đuổi theo con mồi (trên rìu Trung Màu, Việt Trì và một số rìu khác) hoặc cùng con người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (trên trống đồng Ngọc Lũ). Truyền thuyết về ông tổ chó được tìm thấy ở nhiều dân tộc thiểu số của Việt Nam như: Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô… Người Pa Cô trong tộc người Cơ Tu cũng xem con chó như vật tổ truyền của dân tộc mình.

Từ lâu, người Việt thường chôn chó đá trước cổng nhà hay cổng đình, chùa, đền, phủ… như một linh vật với ý nghĩa cầu phúc, trừ tà hoặc đặt chó đá trên bệ thờ và xem như một bậc thần linh. Chó đá trong nhà thường nhỏ, mang dáng vẻ hiền lành, không to lớn như chó đá ở đình, đền, phủ. Người Tày và người Nùng ở Lạng Sơn có tục chọn ngày tốt để đặt con chó đá trước cửa trông nhà và trừ tà ma. Ở một số nơi, chó đá không chỉ giữ nhà, trông vườn tược mà còn được đặt ngoài đồng ruộng để trông cho mùa màng tốt tươi, xua đuổi dịch bệnh... Hình thức thờ chó đá khá phổ biến ở nông thôn miền Bắc như: Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên…


Việc thờ cúng chó đá có ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử, hay thể hiện ở các di tích lâu đời. Ở đền Hai Bà Trưng (Hát Môn, Hà Nội) hiện còn đôi chó đá canh giữ đền thờ. Thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: "Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng" ở phần "Dư địa chí" ghi chép về trấn Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay). Tại chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) hiện còn đôi chó khắc bằng gỗ ngồi chầu do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng tạo tác, là những tác phẩm tạo hình dân gian giàu tính độc đáo của cư dân Hội An. Ngày nay, người Việt không còn chôn chó đá ở trước cửa nhà nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà. Ngoài vấn đề tâm linh, nó còn là vật trang trí nhà cửa rất đẹp. 


Có thể nói, trong số những con vật gần gũi với con người, không ai không nhắc đến con chó. Khác với loài vật khác, hình ảnh con chó xuất hiện khá nhiều trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam với nhiều ý nghĩa khác nhau, cả tích cực lẫn tiêu cực. Những câu thành ngữ và tục ngữ tiêu biểu như: "Chó ngáp phải ruồi" để chỉ sự may mắn ngẫu nhiên, chứ không phải do tài năng mà có đã được; "Chó chui gầm chạn" để chỉ về hoàn cảnh ở rể; "Chó cắn áo rách" để chỉ nghèo khó, cùng cực bị kẻ xấu làm hại, bóc lột thêm - kẻ bất lương làm hại người khốn khó; "Chó ăn đá, gà ăn sỏi" để chỉ nơi đất đai cằn cỗi, hoang vu; "Chó cậy gần nhà, gà cậy gần vườn" để chỉ ai đó ỷ vào thế có lợi của mình mà hung hăng bắt nạt người; "Treo đầu dê, bán thịt chó" để chỉ những người buôn bán bất lương, không trung thực; "Chó treo, mèo đậy" để nhắc đến việc có của phải biết cách giữ gìn; "Chó càn cắn dậu" để nói kẻ hung hăng, gây gổ bừa bãi… Mộc mạc, chân tình nhưng đầy ý nhị, những câu tục ngữ, thành ngữ mượn hình ảnh con chó để diễn đạt một điều gì đó trong cuộc sống vừa sâu sắc, vừa thâm thúy lại dễ nhớ, dễ thuộc và dễ vận dụng.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Có thể bạn sẽ thích

Chung kết Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2025 sẽ diễn ra tại Bắc Ninh

Chung kết Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2025 sẽ diễn ra tại Bắc Ninh

Văn hóa - Giải trí 13:03 15/07/2025

(HTV) - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh chính thức cấp phép cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FCF tổ chức cuộc thi Hoa hậu Sinh viên Việt Nam 2025 (Miss University Vietnam 2025) với quy mô toàn quốc.

TP.HCM: Cần xử lý trùng tên đường sau sáp nhập

Xã hội 17:34 15/07/2025

(HTV) - TP.HCM đang phải đối mặt với thách thức lớn sau khi sáp nhập địa giới: hàng loạt tên đường trùng lặp, gây bất tiện cho người dân và ảnh hưởng đến quản lý đô thị.

TP.HCM: Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng với 681 tài nguyên đa dạng

Văn hóa - Giải trí 20:28 15/07/2025

(HTV) - TP.HCM đang khai thác tiềm năng du lịch khổng lồ với 681 tài nguyên đa dạng. Kế thừa thành công chương trình "Mỗi quận huyện một sản phẩm" với hơn 60 sản phẩm du lịch đã được khai thác, thành phố tiếp tục định hình các tuyến trải nghiệm độc đáo, biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh.

"Vĩnh dạ tinh hà" sẽ có mặt trên sóng HTV7 từ 19/7

"Vĩnh dạ tinh hà" sẽ có mặt trên sóng HTV7 từ 19/7

Văn hóa - Giải trí 15:38 15/07/2025

Là một bộ phim có đề tài xuyên không pha trộn giữa yếu tố cổ trang kỳ ảo và tinh thần hiện đại, "Vĩnh dạ tinh hà" với sự góp mặt của các diễn viên tài năng - Đinh Vũ Hề, Ngu Thư Hân, Chúc Tự Đan, Dương Sĩ Trạch - hứa hẹn sẽ làm thỏa lòng những "fan" phim khó tính nhất.

Xem thêm