Từ lâu đời, con chó đã được xem là một trong số vật nuôi thân thiết gắn bó với con người, bởi những đức tính tốt của nó như: trung thành, thông minh, biết quan tâm đến gia chủ, biết canh nhà giữ của… Không chỉ trong cuộc sống mà từ lâu chó đã được xem là một hình tượng tiêu biểu trong văn hóa dân gian, tín ngưỡng và tâm linh của con người. Trên trống đồng Đông Sơn và một số đồ đồng khác, con chó được khắc ở nhiều tư thế và trạng thái khác nhau như con đang đuổi theo con mồi (trên rìu Trung Màu, Việt Trì và một số rìu khác) hoặc cùng con người vượt qua muôn trùng sóng gió trên những con thuyền lớn (trên trống đồng Ngọc Lũ). Truyền thuyết về ông tổ chó được tìm thấy ở nhiều dân tộc thiểu số của Việt Nam như: Xê Đăng, S’tiêng, Giẻ Triêng, Chăm, Dao, Lô Lô… Người Pa Cô trong tộc người Cơ Tu cũng xem con chó như vật tổ truyền của dân tộc mình.
Việc thờ cúng chó đá có ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử, hay thể hiện ở các di tích lâu đời. Ở đền Hai Bà Trưng (Hát Môn, Hà Nội) hiện còn đôi chó đá canh giữ đền thờ. Thời vua Lý Công Uẩn đã cho dân lập đền thờ Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch (Tây Hồ, Hà Nội). Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: "Nghi môn ở điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng" ở phần "Dư địa chí" ghi chép về trấn Thanh Hoa (tức Thanh Hóa ngày nay). Tại chùa Cầu (Hội An, Quảng Nam) hiện còn đôi chó khắc bằng gỗ ngồi chầu do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng tạo tác, là những tác phẩm tạo hình dân gian giàu tính độc đáo của cư dân Hội An. Ngày nay, người Việt không còn chôn chó đá ở trước cửa nhà nhưng vẫn mua chó gốm về để bày trong nhà. Ngoài vấn đề tâm linh, nó còn là vật trang trí nhà cửa rất đẹp.
Hương Thủy (tổng hợp)
Link nội dung: https://htv.com.vn/hinh-tuong-con-cho-trong-van-hoa-dan-gian-2222579.htm