Thủ tướng chính phủ vừa ký ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó yêu cầu Hà Nội nghiên cứu cấm xe máy xăng vào đường vành đai 1 từ 1/7/2026. Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều người dân sinh sống, làm việc trong khu vực vành đai 1.

Chỉ số bụi mịn ở Hà Nội vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí và sức khỏe cộng đồng
Trước thông tin Hà Nội có thể cấm xe máy đi vào khu vực đường vành đai 1. Anh Nguyễn Hồng Khánh, người dân sinh sống ở trong vành đai 1, cho biết anh ủng hộ về việc cấm xe máy xăng vào khu vực nội đô, việc cấm xe máy xăng sẽ giữ bầu không khí sạch sẽ, tạo nên một thành phố xanh, đáng sống. Tuy nhiên, anh cũng mong muốn Hà Nội cần có chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.

Chị Trần Thu Xuân cho rằng việc cấm xe máy xăng chưa phù hợp với những công việc cần di chuyển nhiều, trong khi xe điện hiện còn nhiều hạn chế
Còn với chị Trần Thu Xuân, công việc chính của chị là nhân viên giao hàng trong khu vực đường vành đai 1, chị cảm thấy việc cấm xe máy xăng chưa phù hợp với một số công việc phải đi lại thường xuyên như công việc của chị, còn nếu sử dụng xe điện thì phương tiện vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo chuyên gia giao thông, việc chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là một quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc làm trong sạch môi trường của Thủ đô Hà Nội và giảm ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần có sự nghiên cứu kỹ việc chuyển đổi phương tiện từ xăng sang điện phải mang tính đồng bộ, thuận lợi và đảm bảo an toàn để người dân đón nhận một cách tích cực.

Tiến sĩ Khương Kim Tạo - Chuyên gia giao thông
Tiến sĩ Khương Kim Tạo - Chuyên gia giao thông nhận định: Việc cấm xe xăng trong khu vực vành đai 1 cần được xem xét dựa trên số lượng phương tiện đang hoạt động thực tế và quãng đường di chuyển trung bình của mỗi xe. Trên cơ sở đó, xe điện thay thế phải đảm bảo khả năng vận hành tương đương, đáp ứng điều kiện di chuyển trong khu vực. Tiến sĩ Khương Kim Tạo cũng nhấn mạnh: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng các phương tiện chạy điện trong quá trình sản xuất và nhập khẩu. Đồng thời, đánh giá năng lực của các cơ sở sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu để chỉ khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì mới được phép cung cấp phương tiện ra thị trường, phục vụ người dân một cách hiệu quả và an toàn.
Cũng theo TS. Khương Kim Tạo, bên cạnh việc chuyển đổi phương tiện từ xăng sang điện, người dân cũng có thể chuyển đổi hình thức di chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus,… có như vậy TP. Hà Nội sẽ sớm trở thành thành phố có phát thải thấp, có môi trường trong sạch, đảm bảo sức khỏe lâu dài. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần sớm xanh hóa hệ thống giao thông, xanh hóa hoạt động vùng phát thải thấp thì Hà Nội sẽ sớm đạt được mục tiêu Thành phố đạt chứng chỉ Carbon.
Email:
Mã xác nhận: