Vở kịch gồm 4 phân cảnh
Không gian chính diễn ra tình huống kịch là tọa độ lửa Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Đây là chiến trường khốc liệt, nơi kẻ thù dồn bom đạn nhằm hủy diệt tuyến chi viện cho miền Nam.
Từ năm 1964 đến 1968, hơn 1.240 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành giao thông, dân quân tự vệ đã dũng cảm chiến đấu trên cung đường và anh dũng hy sinh để bảo đảm đường thông suốt cho những chuyến xe ra tiền tuyến. Tuy nhiên, phải đến vở diễn Hoa lửa Truông Bồn, lần đầu sự kiện lịch sử này mới được tái hiện trên sân khấu kịch.
Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông (NSND Hồng Lựu đóng) cùng các chiến sĩ thanh niên xung phong đã làm nên tượng đài bất tử với tên gọi Tiểu đội thép anh hùng. 13 trong tổng số 14 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng sáng 31-10-1968, khi chỉ còn mấy tiếng nữa, đế quốc Mỹ sẽ tạm ngừng ném bom miền Bắc. Trong số họ, có người đã nhận được giấy gọi từ giảng đường đại học, có người chuẩn bị về hậu phương lập gia đình…; nhưng họ vẫn tình nguyện ở lại làm nốt công việc ngày cuối cùng để giúp đường ra trận thông suốt, và rồi nằm lại mãi mãi nơi mảnh đất Truông Bồn. Họ đã dâng lên Tổ quốc những đóa hoa lửa chiến công được kết bởi lòng yêu nước, sự hy sinh và cả tuổi thanh xuân.
Một cảnh trong vở kịch
Theo NSND Hồng Lựu, Hoa lửa Truông Bồn không tập trung khắc họa sự hy sinh hay làm bật những giá trị về tư tưởng, đạo đức để lại cho hậu thế như thường thấy; mà đi sâu tái hiện những khoảnh khắc “đời” nhất của thanh niên xung phong ở những thời khắc cuối cùng. Đây cũng là dụng ý của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, tác giả kịch bản khi muốn thông qua sinh hoạt đời thường, suy nghĩ của những người con xứ Nghệ về quê hương, gia đình, tình yêu, về lẽ thường của sự sống và cái chết… để khẳng định những chiến sĩ thép trên tọa độ lửa Truông Bồn sẽ không bao giờ chết mà sống mãi cùng lịch sử.
Trước đó, vở diễn “Hoa lửa Truông Bồn” đã biểu diễn phục vụ khán giả ở các tỉnh, thành: Nghệ An, Hà Nội…
Email:
Mã xác nhận: