Chia sẻ tại tọa đàm "Niềm tin số: Tương lai của thương mại điện Tử" do TikTok Shop Việt Nam vừa tổ chức, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho rằng từ năm 2023, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đi vào hoạt động, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thực sự nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này góp phần không nhỏ khiến câu chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng trở thành vấn đề nhức nhối trên cả thị trường trực tuyến lẫn truyền thống.
Ông Thanh cho rằng trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi mạnh mẽ, niềm tin người tiêu dùng sẽ là yếu tố then chốt định hình cuộc chơi của thương mại điện tử. Các nền tảng, nhà bán lẻ phải đặc biệt tuân thủ các quy định pháp lý, tận dụng công nghệ để minh bạch hóa sản phẩm, tạo ra môi trường mua sắm chất lượng cao.

Các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý nhà nước thảo luận về tương lai của ngành thương mại điện tử, trong khuôn khổ TikTok Shop Summit 2025 (Ảnh: Thiên Trường)
Đồng quan điểm với đại diện TikTok, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông Nghiệp và Môi Trường, Bộ Nông Nghiệp và Môi Trường, cho rằng trước đây việc giám sát vùng nguyên liệu, đánh mã số vùng trồng, vùng vật nuôi phục vụ cho mục đích truy xuất nguồn gốc thường dùng cho xuất khẩu. Tuy nhiên, sắp tới việc này sẽ hướng đến người dùng trong nước nhiều hơn.
Ông Tiến nhận định những nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop đã định hình lại cuộc chơi của nhiều ngành hàng, trong đó có nông nghiệp. Trước đây sản phẩm nông nghiệp thường cạnh tranh bằng giá nhưng giờ là cạnh tranh về câu chuyện, trải nghiệm. Người bán có nhiều cơ hội để tự kể về quá trình sản xuất, tâm huyết, nguồn gốc sản phẩm của mình. Trách nhiệm của người bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử cũng tăng lên. Do đó áp dụng công nghệ để đảm bảo minh bạch hóa nguồn gốc, quy trình, xuất xứ hàng hóa là yếu tố then chốt trong xu hướng thương mại hiện đại.
Với công nghệ truy xuất nguồn gốc, người bán không chỉ tự tin nói về sản phẩm của mình mà người mua cũng có thể tự kiểm chứng lại xem bó rau được trồng ở trang trại nào, thời gian nào, con heo được nuôi ở đâu, qua trang trại nào. Cơ quan nhà nước từ đó cũng kiểm soát được chất lượng sản phẩm, từ đó từng bước minh bạch hóa thông tin sản phẩm, tạo ra niềm tin của người dùng.
Trong khi đó, từ góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số, Bộ Công Thương, cho biết dự thảo Luật Thương mại điện tử sắp được trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề minh bạch.
Cụ thể, khi Luật được thông qua, các nhà bán hàng phải đáp ứng đầy đủ quy định về ghi nhãn sản phẩm, thông tin trên nhãn. Nếu sản phẩm đạt chứng nhận hợp quy. nhà bán hàng phải đăng tải thông tin này
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc minh bạch về hàng hóa không chỉ quy trách nhiệm pháp lý về chủ sản phẩn, người bán hàng mà sàn thương mại điện tử để hàng giả được bày bán cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.
Điều này đồng nghĩa tương lai, các sàn phải siết chặt thông tin của người bán, nguồn gốc hàng hóa và có công cụ để kiểm soát chất lượng trước khi sản phẩm được lên kệ. Ông Tuấn nhận định luật mới sẽ tác động trực tiếp đến người bán. Nhưng về lâu dài, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi các sàn thương mại điện tử đẩy mạnh công cụ kiểm duyệt hàng kém chất lượng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9
Email:
Mã xác nhận: