Những năm gần đây, cụm từ "Bỏ phố về quê" không còn là lời nói vui mà trở thành lựa chọn thực tế của nhiều người trẻ. Giữa bối cảnh thị trường việc làm có nhiều biến động, làn sóng khởi nghiệp tại chính quê hương dần trở thành xu hướng rõ nét, đặc biệt là với thế hệ Gen Z – những người mang trong mình tư duy hiện đại, gắn bó với công nghệ, đồng thời khát khao phát triển bền vững trên nền tảng bản địa.

Nhiều người trẻ trở về quê hương, khởi nghiệp từ chính lợi thế bản địa
Tại bãi bồi sông Ba, phía đông tỉnh Đăk Lăk – vùng đất màu mỡ vốn được người dân canh tác lâu đời – đậu nành bản địa vẫn bền bỉ sinh trưởng qua bao thế hệ. Hạt nhỏ, vị bùi, thơm, đó là giống đậu được người dân trân quý. Và chính từ nền tảng ấy, anh Trần Văn Khoa tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa thực phẩm tại TP.HCM, từng làm việc cho một doanh nghiệp Nhật Bản đã chọn trở về để tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, xây dựng doanh nghiệp từ đậu nành bản địa, đồng hành cùng cộng đồng nông dân địa phương.
"Đậu dầm là món thân thuộc thôi nhưng thành phần tương tự như miso của Nhật Bản. Nhà em làm nghề này đã hơn 100 năm, từ thời ông bà. Em thấy đây là sản phẩm rất tiềm năng. Em cũng làm thêm nhiều sản phẩm khác từ đậu nành, xây dựng vùng nguyên liệu tại địa phương để khai thác và cùng phát triển với bà con", anh Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Nga Sơn Tofu, chia sẻ.

Sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu góp phần nâng cao giá trị nông sản vùng miền
Không chỉ có đậu nành, vùng đất Đăk Lăk còn là nơi khơi nguồn nhiều hành trình khởi nghiệp bản địa đầy sáng tạo khác. Chị Huỳnh Thị Ngọc Châu, người sáng lập Nông trại Minh Trúc (xã Hòa Quang) – đã tận dụng nguyên liệu nông nghiệp địa phương như bã mía để làm phôi trồng nấm bào ngư hữu cơ.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp người trẻ hiện đại hóa mô hình nông nghiệp truyền thống
"Nấm trồng từ phôi bã mía có vị ngọt và thơm hơn hẳn. Tất cả đều canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Để đạt chứng nhận, em phải xử lý đất trong 3 năm, mang mẫu test tại tổ chức SGS Thụy Sĩ chi nhánh TP.HCM. Tùy theo đặc điểm farm mà chọn loại cây trồng phù hợp, ví dụ ngò rí – loại rau có mùi đặc trưng rất cạnh tranh trên thị trường, khách yêu cầu phải giao nguyên gốc", chị Châu cho biết.
Với nền nông nghiệp đặc trưng khí hậu nắng gió, rau mùi trồng tại xã Hòa Quang có mùi vị khác biệt – là lợi thế cạnh tranh lớn. Không dừng lại ở rau, chị Châu còn kết hợp vùng nguyên liệu mía để sản xuất đường mía hữu cơ theo phương pháp thủ công.

Kết nối cộng đồng nông dân để cùng phát triển kinh tế địa phương
Ở một hướng đi khác, tại xã Hòa Hiệp, vùng ven biển Đăk Lăk, cây lưỡi rồng tai thỏ mọc hoang dại trong tự nhiên được xem là "kho báu" dược liệu. Tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, anh Ngô Công Tiến – Đồng sáng lập Công ty cổ phần Xương Rồng Nopal – đã nghiên cứu và thương mại hóa loại cây này, đưa vào sản xuất nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
"Các đề tài nghiên cứu của em đã đạt giải cấp tỉnh, sau đó gửi dự thi toàn quốc tại Hội thi Khoa học Kỹ thuật 2023. Từ cuộc thi, một số nhà đầu tư đã hợp tác để thương mại hóa sản phẩm. Giờ sản phẩm đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử", anh Tiến chia sẻ.

Tư duy mới, cách làm mới mở ra hướng đi bền vững cho người trẻ ở nông thôn
Rau mùi, đậu nành hay lưỡi rồng tai thỏ – mỗi loại cây trồng bản địa đều đang được tiếp cận với một thế hệ nông dân mới: hiểu công nghệ, am hiểu thị trường, quyết đoán trong kinh doanh. Họ không chỉ làm nông, mà còn làm chủ quy trình từ đất đai đến thị trường, từ nghiên cứu đến thương hiệu.
Khởi nghiệp không chỉ là cuộc trở về với mảnh đất quê hương, mà còn là hành trình chinh phục thị trường bằng tư duy mới, công nghệ mới và tinh thần bền bỉ. Với trí tuệ, niềm tin và sự gắn bó, người trẻ Đăk Lăk đang từng bước biến tài nguyên bản địa thành giá trị bền vững cho cộng đồng.
Email:
Mã xác nhận: