Dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp với 14.370 ca mắc tính từ đầu năm đến nay, tăng 158% so với cùng kỳ năm trước. Toàn thành phố đã ghi nhận 6 ca tử vong. Trong đó, huyện Củ Chi cũ là địa bàn có số ca mắc cao thứ hai, khiến cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát và xử lý ổ dịch.

Dịch sốt xuất huyết tăng 158% khiến TP.HCM bước vào giai đoạn cảnh báo đỏ
Tại xã Củ Chi, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống, như giám sát chặt các điểm nguy cơ, xử lý kịp thời ổ dịch, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại hộ gia đình. Dù chưa phải mùa mưa, các ấp đã sớm đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh từ nhiều tháng trước, phối hợp cùng cộng tác viên y tế địa phương tổ chức các đợt truyền thông lưu động để nâng cao ý thức người dân.

Củ Chi chủ động vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch
Dữ liệu giám sát cho thấy số ca mắc đang có xu hướng tăng nhanh và lan rộng, làm gia tăng nguy cơ hình thành chuỗi lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Nếu không kiểm soát kịp thời, điều này có thể gây quá tải cho hệ thống điều trị, đặc biệt là tại các bệnh viện nhi và tuyến y tế cơ sở. Ngành y tế nhận định cần khẩn trương tập huấn lại cho đội ngũ nhân viên y tế để đảm bảo khả năng nhận diện, xử lý ca bệnh đúng cách và kịp thời.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của truyền thông cộng đồng, trong đó cần giúp người dân hiểu rõ nguyên tắc "không có muỗi thì không có sốt xuất huyết", từ đó chủ động tham gia vào các hoạt động vệ sinh môi trường, loại bỏ vật chứa nước đọng – nơi muỗi vằn sinh sôi.
Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ triển khai tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở, với 38 trung tâm y tế khu vực mới, phụ trách 168 trạm y tế phường, xã. Cùng với đó, 443 trạm y tế hiện hữu tiếp tục được duy trì để đảm bảo chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch và tiêm chủng cho người dân.

TP.HCM tái cơ cấu hệ thống y tế cơ sở để tăng năng lực phòng chống dịch
Ngoài ra, ngành y tế cũng kêu gọi các địa phương tăng cường phối hợp trong chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất phòng dịch. Người dân khi phát hiện khu vực có nguy cơ phát sinh muỗi gây bệnh sốt xuất huyết có thể phản ánh trực tiếp qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý kịp thời.
Email:
Mã xác nhận: