
Là dự án mở màn cho loạt phim Star Wars sắp tới, The Mandalorian and Grogu mang trên vai không ít kỳ vọng từ phía Lucasfilm - (Ảnh: Gizmodo)
Thành công của The Mandalorian trên nền tảng truyền hình từng là bước ngoặt giúp các series Star Wars phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Giờ đây, Lucasfilm hy vọng hành trình của Mando và Grogu sẽ tái tạo cảm xúc hứng khởi với khán giả yêu điện ảnh, điều đã phần nào mai một kể từ sau loạt phim hậu truyện.
Phim sẽ khai thác câu chuyện được yêu thích từ series truyền hình và chuyển thể lên màn ảnh rộng. Điều này làm dấy lên câu hỏi: khán giả liệu có cần xem toàn bộ các mùa trước, đặc biệt là từ mùa 1 đến hết mùa 3, mới hiểu nội dung phim?
Tuy nhiên, chính hướng đi này có thể giúp Star Wars ghi điểm ở nơi vũ trụ điện ảnh Marvel từng thất bại: đó là cân bằng giữa chiều sâu câu chuyện cho fan cũ và sự dễ tiếp cận với khán giả mới.
Gánh nặng của vũ trụ điện ảnh Marvel
Sau Avengers: Endgame (2019), vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) dần trở nên rối rắm và gây chia rẽ hơn bao giờ hết. Nguyên nhân chính đến từ việc Marvel Studios đẩy mạnh sản xuất, không chỉ ra mắt 3 đến 4 phim điện ảnh mỗi năm mà còn phát triển thêm hàng loạt series trên Disney+.
Điều từng khiến vũ trụ điện ảnh Marvel dễ theo dõi, tức giới hạn trong các phim chiếu rạp giai đoạn 2008-2019, đã không còn.

The Marvels là phim có doanh thu thấp nhất lịch sử Marvel - (Ảnh: Marvel)
Vấn đề lớn nhất của giai đoạn hậu Endgame là sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào tính kết nối giữa các phim. Khán giả bắt đầu có cảm giác rằng để hiểu một phim chiếu rạp, họ cần "làm bài tập về nhà" bằng cách xem trước các series truyền hình. Điển hình như The Marvels phụ thuộc vào Ms. Marvel, hay Doctor Strange in the Multiverse of Madness nối tiếp WandaVision.
Hệ quả là hiện tượng "mệt mỏi MCU" lan rộng, doanh thu phòng vé sụt giảm rõ rệt. Chủ tịch Marvel Studios - Kevin Feige - cũng thừa nhận điều này. Ông cho biết việc mở rộng quy mô sau 2019 là một thách thức không nhỏ, dù cũng rất thú vị.
Một ví dụ điển hình khác là Thunderbolts, Kevin Feige từng chia sẻ với tờ Variety rằng nhiều khán giả không hề biết đến tựa phim này hay các nhân vật trong đó, bởi họ đều đến từ các series truyền hình ít người xem.

Thunderbolts thua lỗ dù được giới phê bình đánh giá cao - (Ảnh: Marvel)
Dù ông khẳng định phim không được xây dựng với tiền đề "phải xem trước" loạt phim khác, nhưng cũng thừa nhận lẽ ra nên truyền đạt điều đó rõ ràng hơn cho khán giả.
Trớ trêu thay, chính yếu tố từng làm nên sức mạnh của vũ trụ điện ảnh Marvel - sự kết nối liên hoàn - lại trở thành rào cản khiến người xem cảm thấy quá tải.
Star Wars vẫn giữ tính kết nối, nhưng theo cách thông minh hơn
Theo Screen Rant, nhiều khán giả lo ngại rằng The Mandalorian and Grogu sẽ rơi vào "cái bẫy" buộc khán giả phải xem trước loạt phim như Marvel gần đây là điều dễ hiểu, nhưng có lẽ điều này không cần thiết.
Với người đã theo dõi The Mandalorian mùa 1, 2 và 3, đây rõ ràng là phần tiếp theo hấp dẫn. Tuy nhiên, cái kết của mùa 3 khéo léo thiết lập một bối cảnh mới rất rõ ràng, giúp người xem lần đầu vẫn có thể theo dõi mạch truyện mà không bị lạc lõng.

Thú vị ở chỗ phim vẫn duy trì sự liên kết với các phần trước, đồng thời tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng cho khán giả mới - (Ảnh: Screen Rant)
Cụ thể, Din Djarin chính thức nhận nuôi Grogu và chuyển về sống tại hành tinh Navarro. Anh trở lại nghề săn tiền thưởng, lần này nhắm vào các tàn dư đế chế đang hoạt động ngầm. Bối cảnh đơn giản nhưng hiệu quả này vừa đủ hấp dẫn cho người mới, vừa mang chiều sâu cho người từng theo dõi hành trình của hai nhân vật.
Nếu biên kịch kiêm đạo diễn Jon Favreau làm tốt việc xây dựng Din và Grogu trở nên cuốn hút với cả khán giả mới lẫn fan kỳ cựu, thì nỗi lo về tính kết nối sẽ không còn đáng ngại.
Những ai từng theo dõi loạt phim trước sẽ thấy nhiều chi tiết gợi nhớ, nhưng người xem mới vẫn có thể hiểu và thưởng thức mà không cần "làm bài tập về nhà".
Điều này biến The Mandalorian and Grogu gần như thành một "tái khởi động mềm" - vừa tươi mới vừa tiếp nối tinh thần cũ.
Email:
Mã xác nhận: