Một bé gái đang lắng nghe âm thanh của côn trùng qua chiếc tai nghe. Gần đó, một bé trai xoay nút để “bật sáng” hệ tuần hoàn bên trong cơ thể một con bọ phóng to. Ở một góc khác, 2 bé gái rón rén bật nắp, đẩy cần bơm để ngửi mùi đặc trưng từ tổ mối thật... Những hình ảnh ấy không diễn ra trong giờ sinh học hay phòng thí nghiệm mà tại Bảo tàng Melbourne, nơi trẻ em được học bằng tất cả giác quan của mình.

Trẻ có thể chạm vào hiện vật và khám phá nhiều điều thú vị về khủng long ở khu Dino Lab - (ẢNH: TV)
Bảo tàng được chia thành nhiều khu vực chuyên đề, trong đó Science and Life Gallery là một trong những không gian hấp dẫn nhất. Tại đây, ngoài những mô hình xương khủng long hóa thạch lớn như thật, còn có khu Dino Lab. Thay vì chỉ nhìn hóa thạch sau lớp kính, trẻ có thể sử dụng màn hình cảm ứng để phóng to hộp sọ khủng long, quan sát từng chiếc răng hay hệ vận động được tái hiện sinh động. Những mô hình khủng long còn phát ra âm thanh, giúp câu chuyện về loài vật tuyệt chủng trở nên sống động, cuốn hút.
Ở Bugs Alive!, thế giới côn trùng rất gần gũi. Những chú nhện, bọ cánh cứng, mối thợ, thậm chí cả ruồi và gián… sống, di chuyển, xây tổ trong môi trường được mô phỏng tự nhiên. Một tổ mối thật đặt trong lồng kính cho phép trẻ tận mắt quan sát cách loài côn trùng này tổ chức xã hội riêng. Đặc biệt, các thiết bị mô phỏng mùi hương và âm thanh giúp trẻ ngửi mùi đặc trưng của một tổ mối, nghe tiếng côn trùng trong tự nhiên… - những trải nghiệm sách vở không thể truyền tải.
Mô hình bảo tàng tương tác của Bảo tàng Melbourne là một phần trong xu hướng giáo dục hiện đại đang được nhiều quốc gia thực hiện: giáo dục trải nghiệm (experiential learning) và học thông qua khám phá (inquiry-based learning). Đây là những phương pháp giúp trẻ phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và nuôi dưỡng tình yêu học tập. Thay vì truyền đạt kiến thức 1 chiều, những không gian như Bảo tàng Melbourne khuyến khích trẻ đặt câu hỏi, tìm câu trả lời qua trải nghiệm thực tế và hình thành kết nối cá nhân với kiến thức.
Không chỉ dành cho trẻ nhỏ, bảo tàng còn là nơi cha mẹ và con cái có thể cùng nhau học hỏi, chơi đùa, khám phá thế giới. Sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình cũng là một trong những giá trị sâu sắc bảo tàng hướng tới.
Rất nhiều không gian ở Bảo tàng Melbourne luôn đặt trẻ vào vị trí trung tâm, khuyến khích trẻ học bằng trải nghiệm. Ở đây, tri thức không còn là điều bắt buộc phải ghi nhớ mà là điều trẻ muốn được khám phá mỗi ngày.
Email:
Mã xác nhận: