Hiện Việt Nam có khoảng 74.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin với hơn 1,2 triệu lao động. Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực trong ngành sẽ lên tới 3 triệu người. Điều này đặt ra thách thức lớn khi nguồn nhân lực hiện tại không chỉ thiếu hụt mà còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn từ doanh nghiệp.


Bà Nguyễn Thị Kiều Quyên cho biết nhu cầu tuyển dụng của công ty có thể tăng thêm 30% từ nay đến cuối năm
Nhiều công ty trong ngành buộc phải tuyển dụng liên tục để phục vụ các dự án quốc tế, song sau tuyển dụng vẫn phải mất 6-8 tháng đào tạo lại. Bà Nguyễn Thị Kiều Quyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ phần mềm ShareWork cho biết nhu cầu tuyển dụng của công ty có thể tăng thêm 30% từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, nhiều ứng viên vẫn thiếu kinh nghiệm, ngoại ngữ và kỹ năng triển khai thực tế các dự án công nghệ cao.
Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng là điểm nghẽn. Ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động E-Tech chia sẻ rằng có đến 30% lao động mới tuyển phải đào tạo lại do thiếu kỹ năng nghề, thiếu cơ hội thực hành và khả năng sử dụng ngoại ngữ hạn chế, gây áp lực lớn về chi phí và hiệu suất cho doanh nghiệp.

Ông Phan Phương Tùng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter)
Trước thực tế đó, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp dài hạn để đầu tư vào con người. Ông Phan Phương Tùng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết đào tạo quốc tế, áp dụng chính sách đặc thù cho ngành như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân để thu hút nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, việc gắn đào tạo với thực tiễn cũng được xác định là yếu tố then chốt. Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM cho biết hội sẽ triển khai chương trình “cầm tay chỉ việc” kết hợp với các hội ngành nghề, đưa ứng dụng CNTT đến gần hơn với doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo riêng theo nhu cầu cụ thể của từng đơn vị cũng đang được xúc tiến.


Sinh viên và lập trình viên trẻ tham gia đào tạo, thực hành thực tế, hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao
TP.HCM chiếm hơn 55% nhân lực ngành công nghệ thông tin cả nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Với dự báo cần tới 3 triệu lao động vào năm 2030, trong khi hiện chỉ có khoảng 1,2 triệu, bài toán thiếu và yếu về chất lượng nhân lực trở thành thách thức lớn. Các chuyên gia cho rằng, chỉ khi tăng cường liên kết nhà trường – doanh nghiệp, đào tạo sát thực tiễn và định hướng nghề nghiệp từ sớm, mới có thể giải quyết bài toán này một cách bền vững.
Email:
Mã xác nhận: