Đề xuất hai phương án nâng ngưỡng chịu thuế
Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) vừa được Bộ Tài chính công bố, hai phương án nâng mức giảm trừ gia cảnh đang được trình cấp thẩm quyền xem xét.
Phương án 1 nâng mức giảm trừ đối với người nộp thuế lên 13,3 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng và phương án 2 là tăng lên tương ứng 15,5 triệu đồng/tháng và 6,2 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc.


Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang, đề xuất này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm gánh nặng chi tiêu hằng tháng
Lần gần nhất mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh là năm 2020. Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang, thu nhập của người lao động lại khó cải thiện, đề xuất này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm gánh nặng chi tiêu hằng tháng.
Kỳ vọng tháo gỡ khó khăn cho người lao động
Chị Hoàng Thu Trinh (phường Thủ Đức, TP.HCM), mẹ ba con và có thu nhập chưa tới 20 triệu đồng/tháng, cho biết gia đình chị luôn ở trong tình trạng "thắt lưng buộc bụng". Theo chị, nếu mức giảm trừ được tăng thêm một chút thì cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn, tuy không dư dả nhưng cũng có thêm khoản xoay xở cho học hành, sinh hoạt của con cái.

Chị Hoàng Thu Trinh (phường Thủ Đức, TP.HCM) cho biết gia đình chị luôn ở trong tình trạng "thắt lưng buộc bụng"
Ở góc độ doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Hoàng Lam cho rằng mức giảm trừ hiện tại (11 triệu đồng/người) đã quá lạc hậu so với thực tế chi tiêu: “Thu nhập bình quân nhân viên từ 8 đến 15 triệu đồng, chi phí sinh hoạt, nhà trọ, con cái đều tăng. Nếu mức giảm trừ được nâng lên thì người lao động mới có thể đảm bảo được cuộc sống, giảm áp lực khi đóng thuế.”

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Hoàng Lam
Cần điều chỉnh theo thực tế, không nên chờ đến năm 2026
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - Chuyên gia kinh tế, ngưỡng giảm trừ cần được tính toán sát với đời sống để phản ánh đúng khả năng chi trả thuế của người dân.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng đề xuất cải tiến biểu thuế lũy tiến 7 bậc hiện nay theo hướng giản lược và công bằng hơn. Theo ông, cần kéo giãn khoảng cách giữa các bậc, chẳng hạn: thu nhập dưới 10 triệu đồng áp thuế 5%, từ 10-20 triệu đồng là 10%, và chỉ nên áp mức thuế 35% đối với thu nhập từ 120 triệu đồng trở lên. Nguyên tắc là người thu nhập cao sẽ đóng thuế cao, nhưng mức thuế phải được tính toán sao cho thực sự hợp lý.


Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh cần được áp dụng ngay trong năm 2025, không chờ đến năm 2026
Ngoài ra, nên bổ sung các khoản khấu trừ khác như chi phí khám chữa bệnh, giáo dục – những nhu cầu thiết yếu đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách gia đình.
Không nên cứng nhắc trong thời điểm nhạy cảm
Các chuyên gia cho rằng, thuế thu nhập cá nhân là công cụ điều tiết kinh tế, hỗ trợ tiêu dùng, nên cần linh hoạt theo từng giai đoạn. Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không nên trì hoãn tới năm 2026.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền đề xuất nên áp dụng chính sách điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ngay trong năm 2025, nhằm kịp thời động viên người lao động, kích thích tiêu dùng và từ đó tạo thêm nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng, thuế doanh nghiệp - hướng đến một nguồn thu bền vững hơn cho quốc gia.
Email:
Mã xác nhận: