Trong bài đăng trên Truth Social, ông Trump cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào Mỹ. Nhật Bản cũng sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các nhà sản xuất ô-tô, xe tải, gạo và một số sản phẩm nông nghiệp cùng nhiều mặt hàng khác của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Trump gặp đặc phái viên thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa và phái đoàn đàm phán nước này tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 16/4/2025 (Ảnh: Nhà Trắng)
Hai bên cho biết đã đạt được thỏa thuận giảm mức thuế quan với xe hơi của Nhật Bản từ mức 25% xuống còn 15%.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết sẽ đạt được thỏa thuận với Nhật Bản về khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và sẽ thành lập một liên doanh với Nhật Bản về LNG tại bang Alaska.

Mỹ và Nhật Bản giảm mức thuế quan với xe hơi của Nhật Bản xuống 15% (Ảnh: Reuters)
Thông báo về thỏa thuận thương mại giữa hai nước được đưa ra sau chuyến công tác của nhà đàm phán thuế quan hàng đầu, Ryosei Akazawa, đến Nhà Trắng.
Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết sẽ nói chuyện với Tổng thống Mỹ, nhưng không cho biết thêm chi tiết từ chuyến công tác của ông Akazawa.
Ngoài Nhật Bản, Tổng thống Trump ngày 22/7 cho biết cũng đạt được thỏa thuận thương mại với hai nước khu vực Đông Nam Á là Philippines và Indonesia, với mức thuế 19%.
Ông Trump cũng nói có thể sẽ đến Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong tương lai gần, liên quan đến thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết tình hình thương mại với Trung Quốc có tiến triển tốt
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày 22/7 cho biết, tình hình thương mại với Bắc Kinh đang tiến triển tốt. Cuộc họp giữa quan chức 2 bên sẽ được tổ chức vào ngày 28 và 29 tháng 7 tại Stockholm, Thụy Điển.
Một người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết, hai nước đã hoàn thiện các chi tiết trong thỏa thuận để đạt thành công trong vấn đề gia hạn thời hạn đàm phán thương mại.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hoan nghênh cuộc hội đàm giữa Mỹ và Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện này với nền kinh tế toàn cầu.

Thuế quan có thể quay trở lại mức 145% đối với Mỹ và 125% đối với Trung Quốc, nếu không đạt thỏa thuận gia hạn đàm phán (Ảnh: Reuters)
Cho đến nay, Bắc Kinh đã đồng ý chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu kim loại đất hiếm và nam châm sang Mỹ. Washington cũng đã đồng ý nối lại việc xuất khẩu phần mềm thiết kế bán dẫn và vật liệu sản xuất, cũng như động cơ máy bay thương mại và các hàng hóa khác sang Trung Quốc.
Hai bên đặt ra thời hạn 90 ngày để giải quyết các vấn đề sâu xa hơn, bao gồm các cáo buộc của Washington về mô hình kinh tế và trợ cấp của Bắc Kinh, khiến cho thị trường thương mại toàn cầu tràn ngập hàng hóa giá rẻ.
Trung Quốc phủ nhận cáo buộc trợ cấp cho các ngành công nghiệp của mình và cho rằng thành công xuất khẩu của họ là nhờ sự đổi mới.
Trong một thông tin liên quan, các đại diện của Liên minh Châu Âu (EU) sẽ đến Mỹ để đàm phán thương mại vào ngày 23/7 (giờ địa phương).
Email:
Mã xác nhận: