Vừa qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM vừa trình đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM". Đây là một phần trong đề án kiểm soát khí thải chung của TP.HCM do Sở Xây dựng chủ trì.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2029 sẽ chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tất cả shipper, tài xế công nghệ. Đồng thời, đề án cũng đề xuất cho phép: Miễn thuế VAT và miễn lệ phí đăng ký trước bạ trong vòng 2 năm đối với xe điện, nhằm tạo cú hích khuyến khích tài xế chuyển đổi. Tuy nhiên, tài xế vẫn còn nhiều băn khoăn...
Tài xế công nghệ nói gì về việc chuyển đổi sang xe điện
Trên thế giới, từ việc đặt lộ trình cấm xe xăng hoàn toàn đến khuyến khích sử dụng xe điện và phương tiện công cộng, mỗi nước đều có cách tiếp cận riêng, dựa vào điều kiện kinh tế, xã hội và hạ tầng thực tế.
Trung Quốc hiện đang khẳng định vị thế dẫn đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ ô tô điện, với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Đáng chú ý, hơn 50% số ô tô lưu thông trên đường tại quốc gia này là xe điện, và 90% xe buýt, taxi đã được điện hóa hoàn toàn.
Chính phủ Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD trợ cấp cho các nhà sản xuất xe năng lượng mới, tạo ra một hệ sinh thái xe điện toàn diện. Sự đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất pin, phát triển mạng lưới trạm sạc và chính sách trợ giá đã giúp xe điện trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết tại đất nước tỷ dân này.
Trong khi đó, Vương quốc Anh cũng đang nỗ lực thúc đẩy mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để khuyến khích người dân chuyển sang xe điện, chính phủ đã triển khai chương trình trợ giá người mua lên tới 650 triệu bảng Anh.
Quốc gia này đặt mục tiêu ngừng bán xe xăng và dầu diesel mới vào năm 2030, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc điện hóa giao thông.
Tại Israel, quá trình chuyển đổi xanh cũng đang diễn ra tích cực. Hiện có khoảng 200.000 xe điện lưu hành trên toàn quốc, chiếm từ 25% đến 30% tổng số xe mới được bán ra trong những năm gần đây.
Chính phủ Israel đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng xe điện, bao gồm áp dụng mức thuế thấp hơn đáng kể (45% so với 83% cho xe xăng/diesel). Ngoài ra, nhà nước còn tài trợ 75% chi phí lắp đặt các trạm sạc công cộng, với mục tiêu xây dựng hàng nghìn trạm sạc nhanh trên toàn quốc vào năm 2026.
Chia sẻ với quan điểm này PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ quản lý môi trường thuộc Đại học công nghiệp TP.HCM cho biết: "Tôi nghĩ đây là xu hướng phù hợp trong bối cảnh bảo vệ môi trường và làm sạch không khí đô thị, nhưng lộ trình tôi nghĩ phải xem xét lại là có cơ chế phù hợp hơn với tình hình kinh tế của TP.HCM cũng như có sự bền vững cho chính sách, chứ không nên đưa ra chính sách sau đó không thành công thì lại thay đổi chương trình khác."
Ông cũng nhấn mạnh một mối lo ngại lớn từ kinh nghiệm sử dụng thực tế: "Hiện nay tôi cũng đang dùng xe điện, và qua quá trình sử dụng, tôi nhận thấy vấn đề lớn nhất là an toàn điện. Khi người dân sử dụng nhiều mà trạm sạc công cộng chưa đủ đáp ứng, họ buộc phải sạc tại nhà. Vậy thì liệu việc sạc tại nhà có đảm bảo an toàn điện hay không?"
Nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang xe điện tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hùng Anh đề xuất Nhà nước cần ưu tiên xây dựng một mạng lưới trạm sạc đủ rộng khắp, thậm chí nên xem xét miễn phí dịch vụ sạc trong giai đoạn đầu để kích thích nhu cầu sử dụng của người dân.
Cần ưu tiên xây dựng một mạng lưới trạm sạc đủ rộng
Theo PGS.TS Lê Hùng Anh, TP.HCM có tiềm năng lớn để phát triển các trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, và thậm chí là điện gió hay hydro nếu có những chính sách phù hợp để xã hội hóa mô hình này.
TP.HCM có tiềm năng lớn để phát triển các trạm sạc sử dụng năng lượng tái tạo
Bên cạnh việc phát triển hạ tầng sạc, ông cũng gợi ý Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc loại bỏ dần các phương tiện cũ. Cụ thể, những chiếc xe đã sử dụng trên 30 năm nên được dán nhãn đỏ và có chính sách hỗ trợ thu mua lại. Ông nhấn mạnh rằng việc này cần có một lộ trình chuyển đổi dần dần. Khi người dân nhận thấy rõ những lợi ích thiết thực của xe điện, quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn.
Email:
Mã xác nhận: