Bộ Nội vụ xây dựng cơ chế chấm điểm định kỳ cán bộ, công chức
Nhằm nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, Bộ Nội vụ đang xây dựng quy định theo dõi và chấm điểm cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ hằng tháng, hằng quý. Việc đánh giá này không chỉ giúp nhận diện kịp thời những khó khăn, tồn tại trong quá trình làm việc mà còn là cơ sở để khen thưởng, sàng lọc, bố trí lại nhân sự một cách hiệu quả.

Bộ Nội vụ đang xây dựng quy định theo dõi và chấm điểm cán bộ, công chức, viên chức theo định kỳ hằng tháng, hằng quý
Sau khi nhận được ý kiến của Bộ Chính trị, cơ chế mới dự kiến sẽ được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với kỳ vọng tạo ra bước chuyển lớn về hiệu quả làm việc và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ.
Kỳ vọng từ người trong cuộc
Tại TP.HCM, nhiều địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện đánh giá công chức bằng các chỉ số công việc cụ thể. Chị Mai Thanh Thảo - cán bộ Tư pháp Hộ tịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Đông Thạnh - chia sẻ rằng việc đánh giá bằng KPI giúp chị cảm thấy năng lực cá nhân được ghi nhận và thúc đẩy tinh thần làm việc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huỳnh Xuân Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công xã Đông Thạnh, nhấn mạnh rằng việc lượng hóa rõ ràng từng nhiệm vụ sẽ giúp cán bộ dễ dàng biết mình đang ở đâu và cần cải thiện điều gì. Ông cũng cho hay: "KPI là cách giúp cán bộ công chức phục vụ người dân tốt hơn. Việc gì chưa đạt sẽ được hỗ trợ điều chỉnh, khắc phục".

KPI là cách giúp cán bộ công chức phục vụ người dân tốt hơn, đồng thời giúp giúp cán bộ cảm thấy năng lực cá nhân được ghi nhận và thúc đẩy tinh thần làm việc
Mong đợi một hệ thống chuẩn, minh bạch và linh hoạt
Tại phường Tân Sơn Hòa, việc áp dụng tiêu chí đánh giá hàng ngày đã được thực hiện ngay từ đầu. Theo chị Lê Thị Hằng Loan - cán bộ chứng thực, một bộ KPI chuẩn hóa trên diện rộng là điều cần thiết để thúc đẩy tinh thần làm việc trong toàn hệ thống.


Việc áp dụng tiêu chí đánh giá hàng ngày đã được thực hiện ngay từ đầu tại phường Tân Sơn Hòa
Dù vậy, một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về việc đánh giá cần đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với thực tế từng cá nhân, từng địa phương. Anh Lê Trường Quốc Trụ - cán bộ tại xã Đông Thạnh - cho rằng KPI cần được thiết kế với quy chuẩn cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng chủ quan trong đánh giá.
Yêu cầu gắn với chuyển đổi số và sự tham gia của người dân
Về phía quản lý, ông Trần Minh Vũ - Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Hòa - đề xuất rằng bộ tiêu chí KPI cần đơn giản, định lượng được công việc và không gây áp lực không cần thiết lên đội ngũ cán bộ. Đồng thời, cần tích hợp hệ thống chuyển đổi số để hỗ trợ đánh giá, thậm chí có thể tạo cơ chế cho người dân tham gia phản hồi về cán bộ trực tiếp phục vụ mình.


Bộ tiêu chí KPI cần đơn giản để không gây áp lực không cần thiết lên đội ngũ cán bộ và tạo cơ chế cho người dân tham gia phản hồi về cán bộ trực tiếp phục vụ mình
Thước đo KPI mới, hy vọng mới cho nền hành chính
Dự thảo của Bộ Nội vụ hiện đã xây dựng 3 nhóm tiêu chí đánh giá với thang điểm cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải có sự điều chỉnh phù hợp theo từng nhóm công việc và từng địa phương, tránh tình trạng cào bằng.

Việc áp dụng hệ thống đánh giá KPI đang được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Từ chính người trong cuộc - những cán bộ, công chức ở tuyến đầu cho thấy một mong mỏi lớn: hệ thống KPI nếu được áp dụng hiệu quả sẽ trở thành "thước đo" minh bạch, thúc đẩy chất lượng phục vụ và tinh thần trách nhiệm trong toàn bộ hệ thống hành chính công.
Email:
Mã xác nhận: